Ngân hàng 2018: Lắm việc, ưu tiên xử lý gì?
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh tăng trưởng tín dụng hợp lý, kiểm soát quyết liệt xử lý nợ xấu; giữ yên tỷ giá VND/USD; thực hiện tái cơ cấu ngân hàng và áp chuẩn Basel 2; xử lý thị trường tiền số tiền ảo, kết hợp với bộ ngành ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Điểm danh “đầu mục”, đâu sẽ là việc cần ưu tiên xử lý?
Giảm lãi suất, không nói suông
2017 được đánh giá là năm thành công trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Bước sang 2018, đến thời điểm này, ngay từ đầu năm, Thống đốc Lê Minh Hưng đã chia sẻ cho biết ký ban hành một loạt văn bản để nhắc nhở các ngân hàng trong kiểm soát tín dụng, xử lý nợ xấu và đặc biệt xây dựng đề án tái cơ cấu mỗi ngân hàng. “Phần việc này các ngân hàng đã bắt tay vào, thậm chí có ngân hàng đã trình NHNN đề án tái cơ cấu ví như Vietcombank. Nhưng ưu tiên vẫn là ngân hàng cần giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế” , Thống đốc cho hay.
Phụ trách lĩnh vực lãi suất, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 ngày 9/1/2018, thực hiện chỉ đạo của NHNN, 4 NHTM Nhà nước (Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV) đã thực hiện điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay của khối NHTM nhà nước (chiếm khoảng trên 48% thị phần cấp tín dụng của toàn hệ thống TCTD) phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn.
Giảm lãi suất, rốt ráo xử lý nợ xấu là việc các NHTM phải đẩy mạnh. Ảnh: Như Ý.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2018, lãnh đạo NHNN cho biết đã định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là: điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của TCTD để hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ góp phần thực hiện mục tiêu CSTT; điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. “Sẽ không có chuyện tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá”, lãnh đạo cơ quan này nhấn mạnh.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 (có hiệu lực 15/8/2017) thực sự đã mở ra cơ hội để hoạt động xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ tiến triển mạnh.
Kết thúc năm 2017, báo cáo của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các tổ chức tín dụng đã tích cực rà soát toàn bộ các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Tính đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39.900 tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50. 000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42; trong đó, riêng 6 tổ chức tín dụng được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu (bao gồm Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank) tính đến 30/11/2017 đã được xử lý là 20.440 tỷ đồng (bằng 51,3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống).
Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn một số khó khăn nhất định. Đơn cử: các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay. Một số cơ quan chức năng ở nhiều nơi chưa phối hợp, chưa tham gia cùng ngân hàng vì chưa có hướng dẫn để phân công trách nhiệm. Ngay cả nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản khó xử lý do việc trả nợ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, một số khoản vay, khách hàng của tổ chức tín dụng có liên quan đến các vụ án và đang trong quá trình điều tra, xét xử nên việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ cần phải có sự chấp thuận của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.
Hiện Thống đốc đã yêu cầu: Năm 2018, các tổ chức tín dụng phải triển khai hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”; Đồng thời, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II; Tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động. |