Mời World Bank phản biện nghị định “Siêu ủy ban”

Đây là hội thảo đầu tiên về "siêu ủy ban" quản lý tới 5 triệu tỷ đồng.

Vấn đề thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã từng gây sóng dư luận và nghị trường hồi tháng 7-2016 lại thu hút được hàng trăm chuyên gia tại Hội thảo về chủ đề này do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, CIEM tổ chức chiều nay, 23-8.

Mời World Bank phản biện nghị định “Siêu ủy ban” - 1

TS Nguyễn Đình Cung: "Chúng ta cần lắng nghe kinh nghiệm quốc tế về vấn đề hệ trọng, liên quan đến thịnh vượng của quốc gia". Ảnh: CHÂN LUẬN

Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung nói rằng: sau khi Dự thảo nghị định về ủy ban này được đưa lên mạng lấy ý kiến theo đúng quy định của pháp luật, CIEM, đơn vị được giao dự thảo nghị định đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều. Để rộng đường dư luận, CIEM mời các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, WB, để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến vấn đề này.

Kinh tế trưởng WB tại Việt nam, ông Sebastian Eckardt phát biểu: Điều quan trọng nhất là Việt Nam đang mong muốn chuyển dự thảo này thành hiện thực, để có thể tối đa hóa giá trị của tài sản nhà nước.

Mời World Bank phản biện nghị định “Siêu ủy ban” - 2

Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt: "Tối đa hóa giá trị tài sản nhà nước là rất quan trọng". Ảnh: CHÂN LUẬN

Cố vấn WB, ông Dag Detter, cho rằng: chính việc sử dụng không hiệu quả tài sản nhà nước tại Việt Nam đã dẫn dẫn đến những khoản nợ xấu và các khoản nợ này cũng không được công khai, minh bạch. “Trong quản lý tài sản nhà nước, chất lượng quản lý là rất quan trọng. Và để làm được điều này cần phải tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của DN.”, ông Dag Detter khuyến cáo.

Mời World Bank phản biện nghị định “Siêu ủy ban” - 3

Cố vấn WB Dag Detter, người tham gia sâu rộng vào quá trình tái cơ cấu kinh tế Thụy Điển bắt đầu từ năm 1990. Ảnh: CHÂN LUẬN 

Một cố vấn khác của WB, ông William P. Mako nói: “Tôi thấy có nhiều cơ chế đang kìm chân Việt Nam phát triển”, ông Mako.

Về Ủy ban đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN, ông Mako cho rằng: cần trả lời được nhiều câu hỏi liên quan đến chắc năng, cơ cấu, nhiệm vụ, cũng như vấn đề công khai, trách nhiệm giải trình của Ủy ban.

“10 năm qua, Việt Nam đã bàn đến vấn đề này, nhưng chưa đi đến đâu. Việc thành lập Ủy ban chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lãnh đạo các tập đoàn, DNNN. Phản ứng của họ sẽ ra sao? Ủy ban sẽ đem lại lợi ích gì cho họ? Đó sẽ là những phản ứng Ủy ban cần quan tâm”, ông Mako đặt vấn đề. 

Mời World Bank phản biện nghị định “Siêu ủy ban” - 4

Cố vấn WB Mako đặt câu hỏi: "Tại sao Việt Nam bàn luận 10 năm về vấn đề này mà chưa đi đến kết quả". Ảnh: CHÂN LUẬN

Điều mà Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung quan tâm nhất trong việc thành lập ủy ban là: liệu các nhà chính trị có từ bỏ lợi ích hiện nay khi đang nắm giữ hoặc có quyền chi phối, lãnh đạo các DNNN để trao quyền cho các chuyên gia, cho Ủy ban hay không.

Ông Mako trả lời rằng: cần trao quyền cho người có chuyên môn, chuyên nghiệp. “Hiện đang có nhiều bên đối tượng được hưởng lợi từ các DNNN. Trung Quốc đang thảo luận câu chuyện tương tự như Việt Nam và họ có quyết tâm chính trị rất mạnh”, ông Mako khẳng định.

Đây là hội thảo đầu tiên do CIEM tổ chức sau khi Dự thảo nghị định về việc thành lập Ủy ban hoàn thành. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hồi cuối tháng 7-2016, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh: Bộ KH&ĐT sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia, người dân và các Bộ, ngành về vấn đề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN