Lời khuyên thành công của triệu phú khởi nghiệp từ nhân viên bốc vác
Những lời khuyên của Manny Khoshbin được coi là kim chỉ nam của nhiều doanh nhân trên con đường lập nghiệp.
Manny Khoshbin rời bỏ quê hương Iran, theo gia đình nhập cư vào Mỹ năm 14 tuổi. Ban đầu, họ ở trong một chiếc cũi gỗ tạm bợ vì không có tiền chi trả cho cuộc sống đắt đỏ nơi xứ người. Khoshbin lúc đó nhận thức được mình phải kiếm tiền nhưng vì không biết tiếng Anh, kỹ năng làm việc còn hạn chế nên chỉ có thể đi bốc vác thuê tại siêu thị. Thời điểm đó, anh nhận được 3,15 USD (khoảng 70 nghìn VNĐ)/giờ làm việc.
Từ nhân viên bốc vác hàng trong siêu thị, Manny Khoshbin đã trở thành tỷ phú
Công việc vất vả, thu nhập thấp nhưng những ngày đi làm của Khoshbin càng thêm khổ sở khi bị khách hàng miệt thị. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến anh gặp khó khăn trong việc hòa nhập với mọi người.
Tuy nhiên, anh không hề nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Ngược lại, sự nghèo khó, tủi nhục trở thành niềm cảm hứng, thôi thúc anh theo đuổi giấc mơ trở thành một doanh nhân. Anh muốn sống cuộc đời dư dả, tự do về mặt tài chính.
Khi đã có mục tiêu cụ thể, Khoshbin càng làm việc siêng năng hơn và tiết kiệm hết mức có thể. Nhận được hơn 100 USD mỗi tuần, nhưng anh chỉ dám tiêu số lẻ, cất đủ 100 USD để tiết kiệm, mua chiếc xe đầu tiên. 1 năm sau, anh đã có được chiếc Honda Accord 1983 của riêng mình. Đối với nhiều người, đó đơn thuần là chiếc xe cà tàng, nhưng Khoshbin coi đây là một kho báu, thể hiện quyết tâm làm giàu của anh.
Manny Khoshbin sở hữu nhiều siêu xe hiếm trên thế giới
Sau nhiều năm, với chiến lược chi tiêu cụ thể và khả năng kinh doanh bất động sản, anh đã sở hữu số lượng siêu xe với tổng giá trị lên tới 20 triệu USD (khoảng 440 tỷ VNĐ). Những chiếc xe hiếm như McLaren P1 hay Porsche 918 đều thuộc quyền sở hữu của vị triệu phú này. Hiện tại, tổng tài sản của anh đã vượt ngưỡng 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ VNĐ) và Khoshbin được coi là tấm gương truyền cảm hứng của nhiều doanh nhân.
Sau nhiều năm chiêm nghiệm, đúc kết, Khoshbin đã chia sẻ bí quyết thành công của mình đối với những ai đang ôm giấc mộng thành công.
Hoạch định tương lai một cách rõ ràng
Thay vì chỉ nghĩ đến những điều trong tầm với, Khoshbin khuyên mỗi người nên vươn tới những điều vĩ đại, lớn lao. Anh cho rằng chúng ta cần hình dung một cách cụ thể về tương lai của mình trong từng giai đoạn. Đó có thể là khoảng thời gian từ 1 – 2 năm, hay xa hơn là 10 – 20 năm nữa.
Lập kế hoạch hành động
“Nếu không nhìn thấy đường, bạn khó có thể đi từ điểm A đến điểm B” – Khoshbin phát biểu. Chính vì vậy, hãy lập kế hoạch cho mỗi bước đi trong quá trình vươn tới ước mơ. Hãy làm việc này một cách chi tiết. Bạn cần thay đổi điểm gì ở bản thân? Bạn sẽ kết nối với những người như thế nào? Kế hoạch chi tiêu của bạn? Vị trí mà bạn luôn mơ ước trong công việc là gì? Bạn sẽ làm gì để đạt được chúng?
Bước này cũng giống như khi ta đang dò bản đồ, từ điểm A tới điểm B có hàng nghìn điểm nhỏ. Hãy chắc chắn về điểm đến tiếp theo của bạn. Bạn sẽ biết rõ mình nên làm gì và không còn hoang mang về tương lai.
Luôn trau dồi kiến thức
“Để đi được đến đích, bạn phải có kỹ năng lái xe thuần thục” – Khoshbin nói. “Hãy kết nối với những người thành đạt hay những người bạn cùng chí hướng và học hỏi từ họ. Bạn hãy tiếp thu kiến thức của họ như một miếng bọt biển hút nước. Không ai sinh ra đã là chuyên gia, chúng ta phải học hỏi, trau dồi bản thân mỗi ngày để tài năng được công nhận”.
Dành thời gian nghỉ ngơi mỗi tuần
Theo Khoshbin, mỗi người có thể lập danh sách những việc cần làm, ghi chú thành tích trong tuần qua, những điểm cần lưu ý trong tuần mới vào mỗi sáng thứ 2.
Ông nhận định: “Việc theo dõi những thành quả trong tuần cũ và liên tục nhắc nhở bản thân về định hướng của mình trong cuộc sống sẽ rạo cho bạn nhiệt huyết, sự kiên định và tinh thần phấn chấn trong ngày đầu tuần. Hãy dành thời gian trong tuần để xử lý các vấn đề còn khúc mắc và tập trung làm việc để hoàn thành mục tiêu”.
Không từ bỏ
Rất nhiều người nản chí và quyết định từ bỏ ước mơ của mình. Nhưng theo Khoshbin, đó là hành động của những kẻ hèn nhát. Khi nghĩ đến việc dừng lại, bạn hãy cân nhắc lý do mình bắt đầu, nhớ lại những gì mình trải qua để biết rằng mình đã đi bao xa kể từ điểm xuất phát.