Lo tiền chảy vào kênh nóng
Dòng tiền được bơm ra mạnh vào những tháng cuối năm nếu thiếu kiểm soát có thể chảy sang các kênh đầu tư nóng như bất động sản, chứng khoán.
Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra, nền kinh tế phải dựa phần lớn vào tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tăng cung tiền, giảm lãi suất
Theo thống kê của NHNN, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức khoảng 5,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2016. Nếu thực hiện tăng trưởng tín dụng 22%, nền kinh tế sẽ có thể được cung ứng 1,21 triệu tỉ đồng trong năm nay. Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 10,06% so với tháng 12-2016. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ được bơm gần 700.000 tỉ đồng, là mức cao so với những năm gần đây. Đáng lưu ý là cùng với việc tăng tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,5% để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, các điều kiện vĩ mô hiện nay đang thuận lợi để NHNN có thể xem xét nới lỏng tín dụng hay tăng cung tiền tệ và tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Khả năng nới tín dụng tới 20% là có thể. Quan trọng là doanh nghiệp hay nền kinh tế có khả năng hấp thụ nữa không. Nếu hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng sẽ vào được lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghiệp, chế biến. Nếu để lãi suất cao thì tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản, các phân khúc có khả năng rủi ro cao như cho vay tiêu dùng. Còn nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao như vậy thì chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo.
Nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% đồng nghĩa với một lượng tiền lớn sẽ được bơm ra nền kinh tế những tháng cuối năm Ảnh: TẤN THẠNH
Trong thực tế, nguy cơ tăng trưởng tín dụng nóng đã được giới chuyên gia cảnh báo từ sớm, khi nhà điều hành vẫn để kế hoạch ở mức 18%. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều khuyến cáo tăng trưởng tín dụng cần thận trọng hơn và chỉ nên ở mức 15%. Bên cạnh đó, tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 130% là quá lớn và gần đạt tới mức của thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô trước đây. Chu trình tín dụng của giai đoạn đó đã dẫn đến chất lượng suy giảm của các bảng cân đối ngân hàng và lạm phát tăng.
Kiểm soát chặt dòng tiền
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích mức tăng trưởng tín dụng phù hợp của nền kinh tế được tính toán bằng con số tăng trưởng GDP nhân hệ số 2,5 (vì 2,5 đồng tín dụng sẽ có được 1 đồng GDP). Đối với kinh tế Việt Nam là phép tính 6,7% x 2,5 ra kết quả 16,75%, tức là tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 17% là đủ. Do đó, chỉ tiêu đẩy tín dụng lên 21%-22% là mức rất cao. Mỗi tháng hệ thống ngân hàng phải đẩy ra thị trường tới hơn 100.000 tỉ đồng. Tín dụng chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh cần phải có độ trễ nhưng lạm phát lại có thể xảy ra ngay. "Tăng trưởng GDP 3 năm gần đây tương đối thấp, năm 2015 đạt mức 6,5%, năm 2016 đạt 6,3%. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã nhận định phải đẩy mạnh tăng trưởng bởi nếu năm 2017 tăng trưởng thấp rất có thể dẫn đến nguy cơ bắt đầu giai đoạn suy thoái kinh tế. Do đó buộc phải đẩy tín dụng tăng cao lên để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng" - chuyên gia này nhận định.
Đáng lưu ý, nhiều chuyên gia cùng nhận định nếu không có giải pháp kiểm soát, dòng tiền được bơm ra mạnh vào những tháng cuối năm có thể chảy sang các kênh đầu tư nóng như bất động sản, chứng khoán. Trong báo cáo kinh tế cung cấp kỳ tháng 5, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã cảnh báo có tình trạng các ngân hàng "lách" tín dụng bất động sản khi đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà ở vào cho vay tiêu dùng. Trong thực tế, các khoản cho vay này chiếm tới 50% tổng tín dụng cho vay tiêu dùng nhưng các ngân hàng không trực tiếp cho vay doanh nghiệp bất động sản mà chuyển sang cho người tiêu dùng vay mua nhà hoặc cho vay tài trợ vật liệu xây dựng. Nếu không bóc tách các khoản vay này, tín dụng bất động sản dễ bị đẩy lên cao, dẫn đến nguy cơ bong bóng nhà đất.
Thận trọng khi nới lỏng tín dụng Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello, cho rằng cần thận trọng với kế hoạch nới lỏng tín dụng. Cung - cầu tín dụng do thị trường điều chỉnh, nếu tăng cung mà cầu yếu, tín dụng sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác thay vì vào sản xuất kinh doanh và không loại trừ khả năng tiền được bơm thêm vào khu vực doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Trường hợp tiền tiết kiệm trong dân cư ít nhưng nhu cầu tín dụng cao sẽ dẫn đến khả năng tăng lãi suất và như vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp. "Không nên tạo cung giả tạo, tốt nhất là huy động tiền tiết kiệm trong dân cư để cho vay nền kinh tế thay vì bơm tiền ra để ép tăng trưởng" - chuyên gia Đinh Tuấn Minh nói. |