Lãi vay của EVN sẽ được tính vào giá điện
Lãi khoản vay 7.000 tỷ đồng của EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) tại PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) sẽ được hạch toán vào giá điện hằng năm. Điều này cũng có nghĩa người tiêu dùng phải “gánh” lãi vay của EVN vào giá điện…
Bộ Công Thương ngày 10.9 cho biết, đối với khoản nợ của EVN tại PVN, tổng số khoản tiền nợ đến cuối năm 2011 là 9.650 tỷ đồng. EVN đã thanh toán cho PVN 2.650 tỷ đồng trước 31.12.2013.
Số tiền nợ 7.000 tỷ đồng còn lại của EVN được chuyển thành khoản nợ vay dài hạn tại PVN theo hợp đồng vay nợ. Lãi tiền vay phát sinh của số tiền nợ này được phép hạch toán vào giá thành điện hàng năm theo kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng đã ký. Kỳ hạn trả nợ và lãi suất vay theo Biên bản làm ngày 17.9.2013 và ngày 21.8.2013 được ký giữa EVN và PVN.
Số tiền nợ 7.000 tỷ đồng còn lại của EVN được chuyển thành khoản nợ vay dài hạn tại PVN theo hợp đồng vay nợ (Ảnh minh họa)
Thời điểm hiện tại, EVN đã thanh toán xong 4.000 tỷ đồng nợ gốc. Bộ Công Thương cho biết, số nợ gốc vay còn phải trả là 3.000 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến EVN sẽ phải thanh toán dứt điểm cho PVN trong năm 2015.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lo lắng: Nếu các khoản lãi trên được tính vào giá điện cộng với các khoản lỗ do tỷ giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng của các tập đoàn điện, than, khí cũng được tính vào giá điện thì người dân sẽ phải chịu cảnh giá điện tăng lên đáng kể.
Trước đó, ông Ngô Sơn Hải - phó tổng giám đốc EVN - đã “kêu” chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng đến lĩnh vực điện rất lớn, riêng ngành than lỗ khoảng 1.200 tỉ đồng. “Nếu cộng tất cả các con số mà cả ngành than và dầu khí lỗ do tỷ giá thì có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỉ đồng” - ông Hải nói trên báo chí.
Ông Hải nhấn mạnh EVN đang thống kê số liệu để báo cáo Bộ Công thương nhằm có hướng giải quyết và cảnh báo “nếu tất cả các đơn vị điện của than, khí đưa hết lỗ tỷ giá vào giá điện sẽ tác động rất lớn tới bức tranh tài chính của EVN”.
Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khi đó cũng phân tích rằng, theo quy định, các khoản lãi vay hay khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá sẽ được đưa vào chi phí sản xuất, các khoản này được phân bổ trong nhiều năm. Nhưng hạch toán các khoản này vào giá điện như thế nào thì vẫn phải được Bộ Công thương và Bộ Tài chính xem xét phê duyệt cụ thể.