Lãi suất chuyển biến tích cực

Một số ngân hàng đã rục rịch hạ lãi suất tiền gửi, trong khi lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh. Ba yếu tố này có thể làm cho lãi suất cho vay giảm trong thời gian tới

Hàng loạt ngân hàng (NH) lớn như Sacombank, Eximbank, ACB, VPBank… vừa giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động dao động 4,5%-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm.

Vốn huy động nhiều hơn cho vay

Lãnh đạo NH Tiên Phong cho biết lãi suất vay vốn NH bạn (liên NH) xuống còn 1,2%/năm đối với kỳ hạn qua đêm, kỳ hạn 1 tuần xuống còn 1,5%/năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NH giảm nhẹ lãi suất huy động tiền gửi.

Lãi suất chuyển biến tích cực - 1

Lãi suất đang diễn biến theo hướng có lợi cho người vay Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, theo đại diện Sacombank, NH giảm nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn là để cơ cấu lại nguồn vốn nhằm hạ giá thành vốn đầu vào, làm cơ sở duy trì lãi suất thấp với các gói cho vay. Thế nhưng, lãnh đạo Eximbank nhận định nhiều tháng trước, không ít NH đưa ra lãi suất cao dẫn đến vốn huy động nhiều hơn cho vay nên phải mua trái phiếu Chính phủ. Do lãi suất trái phiếu giảm nên các NH phải giảm lỗ bằng cách giảm lãi suất huy động.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong tháng 5-2016, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã giảm 0,25%. Còn dư nợ cho vay đến cuối tháng 4-2016 tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt gần 4%), trong khi huy động vốn đạt trên 4,5%.

Lãi suất trái phiếu có thể giảm tiếp

Thị trường ghi nhận 4 NH thương mại nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn

Do huy động nhiều hơn cho vay gần 1% nên giới phân tích cho rằng hệ thống NH đang thừa vốn, báo hiệu xu hướng giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm.

Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất khó giảm thêm do từ nay đến cuối năm, kinh tế tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh, đòi hỏi các NH phải duy trì hoặc tăng lãi suất đầu vào để huy động được nhiều vốn phục vụ nền kinh tế.

Mặt khác, do chênh lệch giữa lãi suất huy động với cho vay khá thấp nên lợi nhuận của các NH rất yếu. Trong khi đó, NH luôn bị ám ảnh bởi “bóng ma” nợ xấu từ nhiều năm trước và phải sử dụng lợi nhuận để xử lý. Do đó, để bảo đảm có lãi, NH khó có thể giảm lãi suất cho vay.

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Trung tâm Nghiên cứu BIDV dự báo lãi suất trái phiếu Chính phủ trong tháng 6-2016 tiếp tục giảm bởi tín dụng chưa vào mùa vụ giải ngân mạnh, dao động quanh mức 4,5%-4,8% đối với kỳ hạn 1 năm, 4,7%-5% đối với kỳ hạn 2 năm, 5,2%-5,5% đối với kỳ hạn 3 năm và 5,9%-6,2% cho kỳ hạn 5 năm.

Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất vay

Theo Chỉ thị 04 của Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016, các NH thương mại chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Mặt khác, Chỉ thị 04 cũng lưu ý các NH thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng nhưng bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NH Nhà nước thông báo, bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN