Kỳ vọng gì sau lời hứa của Thủ tướng với cộng đồng DN?
"Lần đầu tiên một người đứng đầu Chính phủ không đưa ra lời “hứa” mà là chỉ đạo “nói và làm”, cụ thể là không được hình sự hoá quan hệ kinh tế. Ở điểm này tôi cho rằng Thủ tướng đã điểm trúng những bức xúc trong kinh doanh của DN, người dân lâu nay"
Kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, với sự tham dự của 4 Phó Thủ tướng, 10 Bộ trưởng, 63 Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại các “đầu cầu” trực tuyến, và đặc biệt là sự tham dự trực tiếp của hơn 1.000 DN... hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp (DN) diễn ra ngày 29/4 là sự kiện lớn được giới doanh nhân trông đợi và kỳ vọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị đối thoại Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp này 29/4
Với 96% DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa, Thủ tướng khẳng định, “đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi DN tư nhân là động lực của phát triển kinh tế. Đồng thời, cam kết ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Chia sẻ với Infonet ngay sau những chỉ đạo “nói và làm” của người đứng đầu Chính phủ, luật sư Trương Thanh Đức – chuyên gia trong lĩnh vực pháp chế ngân hàng bình luận, kiến nghị từ các DN, phản hồi từ các vị Bộ trưởng, cam kết của người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại hội nghị “Diên hồng” đã rõ ràng, mạnh mẽ và thực chất.
“Lần đầu tiên một người đứng đầu Chính phủ không đưa ra lời “hứa” mà là chỉ đạo “nói và làm”, cụ thể là không được hình sự hoá quan hệ kinh tế. Ở điểm này tôi cho rằng Thủ tướng đã điểm trúng những bức xúc trong kinh doanh của DN, người dân lâu nay”- ông Trương Thanh Đức nói.
Điểm khác biệt tại hội nghị này, theo ông Đức, đó là sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vốn rất hiếm khi có mặt tại các cuộc gặp gỡ với DN, cho thấy “tín hiệu thay đổi tích cực đầu tiên”.
Thực tế đang tồn tại nhiều văn bản sai, hành vi nhũng nhiễu gây cản trở ghê gớm quá trình sản xuất kinh doanh của DN. Muốn thay đổi thực sự, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, phải bắt tay ngay vào thay đổi hệ thống pháp luật, giống như Hiến pháp đã mạnh dạn ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, DN.
Cũng như luật sư Trương Thanh Đức, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chung nhận xét, người đứng đầu Chính phủ đã rất thẳng thắn và “bắt trúng bệnh” đang là lực cản phát triển của DN. Nhưng điều vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội quan tâm, chỉ đạo “trúng, đúng” này sẽ được thực thi ra sao tại từng bộ, ngành, địa phương cụ thể.
“Quan tỉnh, các bộ, ngành có nghe và làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng hay không? Hay chỉ dạ, vâng rồi vẫn đâu đóng đấy? Cán bộ phải thực thi nhiệm vụ, phải coi DN là tế bào, là người được phục vụ, chứ bây giờ DN kêu bị “hành” nhiều quá” – ông Vũ Vĩnh Phú nói.
Dẫn dụ thực tế từ chính câu chuyện quán cà phê “Xin chào” thời gian qua khiến dư luận bức xúc buộc người đứng đầu Chính phủ phải ngay lập tức có chỉ thị, yêu cầu không được hình sự hoá quan hệ kinh tế, ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm: Chuyện quán cà phê Xin chào đã bêu xấu môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thể chế đang mắc phải một nút thắt lớn, đòi hỏi sự công khai minh bạch, triệt tiêu nhóm lợi ích... Sức cạnh tranh của DN không có, nguồn lực phân bổ sai.
Lúc này, cần nhất là tháo nút thắt đó. Bằng cách nào, chính là cởi trói thủ tục hành chính, cởi trói chi phí bôi trơn, chi phí DN... như vậy mới tạo được niềm tin cho DN, nâng cao năng suất lao động.
“Không gỡ được nút thắt này, chúng ta đi xe đạp còn họ sẽ đi xe máy và khoảng cách sẽ ngày càng xa” – ông Vũ Vinh Phú ví von.
Nhắc lại một lần nữa quan điểm của mình, ông Phú thẳng thắn, “Thông điệp, lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ đã rất rõ ràng, hy vọng việc tổ chức thực hiện để hiện thực hoá thông điệp này sẽ được làm “tới nơi tới chốn”. Tăng trưởng sẽ là vô nghĩa nếu môi trường đầu tư xuống cấp. Không “quét” được tham nhũng lãng phí, thủ tục “hành” dân, DN... thì mọi cố gắng cũng “vứt” hết” – ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức thì bày tỏ, “không cần phải đưa ra chính sách ưu đãi quá đà, hay giảm lãi suất... chỉ cần làm “chuẩn”, xử lý ráo riết, loại bỏ ngay những giấy phép con (hiện đang tồn tại 6000 – 7000 giấy phép con –PV) hành tỏi DN là DN sẽ sống, sẽ phát triển”.
Ông Đức cũng hy vọng, “thông điệp đã rõ ràng, nhưng cần sự “lăn xả” vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để. Nếu không quyết tâm thay đổi về nhận thức, mà theo cách làm cũ thì loanh quanh “sửa suốt đời”.