"Không được vay vốn ODA, có khi lại tốt cho Việt Nam"

“Vốn vay ODA không phải là bữa trưa miễn phí” - TS Võ Đại Lược.

Trong vài năm tới, nếu ODA kết thúc thì đó là điều tốt”. TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương,  nêu quan điểm xung quanh câu chuyện tới đây Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA ưu đãi nữa.

"Không được vay vốn ODA, có khi lại tốt cho Việt Nam" - 1

TS Võ Đại Lược, Tổng Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương

ODA không phải là cho không

. Phóng viên: Bộ Tài chính vừa cho biết từ tháng 7-2017 Việt Nam có thể sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA, chuyển sang vay theo điều kiện thị trường, tức vay thương mại. Theo ông, điều này có đáng lo ngại?

+ TS Võ Đại Lược: Tôi cho rằng điều này không đáng lo ngại. Riêng từ năm 2003 đến 2012, Việt Nam đã nhận khoảng 80 tỉ USD viện trợ ODA và giải ngân được khoảng 66%. Tuy vậy, ODA có nhiều mặt trái. Chúng ta phải nhớ một nguyên tắc, không ai cho không ai cái gì. ODA cũng vậy. Những nước viện trợ ODA chắc chắn phải được lợi về mặt chính trị hoặc kinh tế.

Một quốc gia, đứng về mặt lợi ích cũng giống như một công ty, phải tìm kiếm lợi nhuận. Quốc gia cấp ODA cho một nước khác thường sẽ kèm theo điều kiện để các công ty của nước họ thực hiện các công trình sử dụng nguồn vốn đó. Chẳng hạn ở dự án Lạch Huyện, Hải Phòng mọi thứ từ thiết kế, giám sát, xây dựng… đều do công ty nước ngoài đảm nhận.

Rồi, lương chuyên gia nước ngoài ở dự án ODA có khi lên tới 500 triệu đồng/tháng. Hay giá xây dựng một số con đường cao tốc ở Việt Nam, như báo chí đã từng nêu, lên tới 12 triệu USD/km trong khi ở Mỹ chỉ vào khoảng 5 triệu USD.

Đó là chưa kể một số quan chức, công ty của Việt Nam tham gia vào ODA cũng có chuyện kiếm chác. Điển hình như vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Công ty Tư vấn Thái Bình Dương trong dự án đại lộ Đông-Tây tại TP.HCM.

. Nhưng khi vay thương mại, lãi suất có thể tăng gấp hai, ba lần và phải trả nợ nhanh. Điều này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam?

+ Nếu vay thương mại, chắc chắn lãi suất cao. Còn nếu phát hành trái phiếu trong nước hay quốc tế thì lãi suất cũng khá cao. Song điều đó có thể còn lợi hơn khi vay ODA. Bởi lẽ lãi suất ODA thời gian qua thấp và thời gian vay dài thật nhưng nếu cộng các chi phí tiêu cực, thất thoát, rồi các điều kiện nước cho vay áp đặt… thì có lẽ lãi suất còn cao hơn vay thương mại rất nhiều. Ấy là chưa kể đến sự biến động của tỉ giá.

Vì thế tôi cho rằng trong vòng vài năm tới, nếu ODA cho Việt Nam kết thúc thì đó có khi là điều tốt cho Việt Nam!

"Không được vay vốn ODA, có khi lại tốt cho Việt Nam" - 2

Cầu Nhật Tân (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 13,6 ngàn tỉ đồng, sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JIBIC) và vốn đối ứng của Việt Nam. Ảnh: PHI HÙNG

Tranh thủ vốn ODA nhiều quá

. Cơ chế sử dụng vốn ODA lâu nay chủ yếu dựa vào cấp phát đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ví dụ: Trung ương cấp phát vốn nên nhiều địa phương ỷ lại, sử dụng vốn kém hiệu quả và nảy sinh cơ chế xin-cho. Theo ông, chúng ta có cần thay đổi cách thức sử dụng ODA không?

+ Thực ra chúng ta có hai phương thức cấp vốn ODA. Thứ nhất là cấp phát trực tiếp cho các địa phương. Thứ hai là cho vay lại. Khi các địa phương vay lại thì phải tính đến chuyện hoàn trả. Dĩ nhiên, trong ODA luôn có một tỉ lệ khoảng 20% là không hoàn lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn phải trả nợ phần lớn chứ ODA không phải là “bữa trưa miễn phí”.

. Hiện nay chúng ta vẫn đang vay ODA, vậy phải làm thế nào để sử dụng hiệu quả?

+ Hiện nay chúng ta đang dàn trải vốn ODA quá nhiều nơi. Người ta tranh thủ vốn ODA nhiều quá. Đáng lẽ Việt Nam ít tiền, có nguồn vốn ODA thì phải tập trung phát triển ở những nơi có thể sinh lời nhiều nhất. Tôi đã từng kiến nghị phải tập trung phát triển hai vùng trọng điểm là khu vực Hà Nội và TP.HCM trước, để sinh lời nhiều nhất; nhưng chúng ta lại dùng vốn ODA để phát triển dàn trải từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

. Có một thực tế nếu không cấp phát đều cho các tỉnh, thành thì họ sẽ kêu ca, phân bì, thưa ông?

+ Đó là một thực trạng chúng ta cần suy nghĩ. Cấp phát ODA cho các địa phương ít nhiều cũng có hiệu quả nhưng xét về hiệu quả tổng thể thì không lớn bằng việc phát triển hai vùng kinh tế trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM. Chẳng hạn, chỉ cần xây dựng hai hệ thống đường sắt cao tốc 250 km Hà Nội - Hải Phòng và TP.HCM - Vũng Tàu. Tối đa chi phí sẽ chỉ vào khoảng 10 tỉ USD, trong khi tác động kinh tế, xã hội lại rất lớn, chi phí vận tải với hàng hóa sẽ giảm đi đáng kể.

Nhật Bản chỉ phát triển về phía đông, còn bờ biển phía tây lại ít phát triển. Hay như Trung Quốc, khi phát triển các vùng duyên hải như Thượng Hải, Thiên Tân ổn định, họ mới bắt đầu chiến dịch đại khai phá miền Tây.

Lấy tiền đâu trả nợ?

. Các khoản nợ đến hạn phải trả của Việt Nam trong năm nay, theo Bộ Tài chính, có thể chiếm khoảng 24% tổng thu ngân sách, tương đương 150.000 tỉ đồng. Theo ông, chúng ta lấy tiền đâu để trả nợ trong điều kiện ngân sách đang gặp không ít khó khăn, thậm chí thu không đủ chi?

+ Báo cáo của Chính phủ vẫn nói rằng thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tổng chi vẫn quá cao. Nợ công gắn với chi tiêu và đầu tư công. Việt Nam là nước nghèo nhưng có một bi kịch mà chúng ta nói đến nhiều đó là việc chi không hiệu quả, dàn trải, lãng phí. Trong khi đó chúng ta thu nhiều quá, vắt kiệt sức doanh nghiệp, sức dân. Nói đơn giản như giá xăng, báo chí thông tin riêng thuế phí đã chiếm tới 54,7%.

Giải pháp trước mắt là lại phải vay để đảo nợ. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải tính kế lâu dài. Cụ thể Chính phủ có thể đình chỉ những khoản đầu tư công không cần thiết. Những công trình, dự án, trụ sở… đang định xây dựng cần phải xem xét, đánh giá lại tính hiệu quả.

Cách đây không lâu, nhiều địa phương, bộ ngành đã được cấp phát kinh phí để xây dựng cơ bản, xây trụ sở. Thậm chí có những viện nghiên cứu, trụ sở còn rất tốt nhưng đã được cấp phát kinh phí xây trụ sở mới. Điều này có xuất phát từ lợi ích quốc gia hay không, chúng ta cần phải xem xét, đánh giá lại.

Ngoài ra, cắt giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy công quyền tinh gọn thì sẽ tiết kiệm thêm được những khoản ngân sách lớn hơn nữa. Thêm nữa, Chính phủ nên tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách, giảm tính bao cấp của Nhà nước trong việc sử dụng vốn vay nước ngoài. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, đội vốn và đầu tư tràn lan.

Nếu không làm được điều này thì con đường vay nợ mới của nước ngoài để trả nợ cũ là không thể tránh khỏi. Cần nói thêm, nợ công của Việt Nam nếu tính theo chuẩn của thế giới thì đã vượt ngưỡng quá xa.

Chúng ta cần phải có một bàn tay quyết liệt trong vấn đề này. Tôi nghĩ nếu làm được điều này sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn tỉ đồng. Còn nếu không,  nguy cơ về nợ công sẽ là rất lớn.

Quyền hạn cấp phát ngân sách quá lớn

Câu chuyện chạy đầu tư công là một thực tế tại Việt Nam. Chính Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh và một số lãnh đạo đã đề cập đến việc này. Một cơ chế như thế sẽ xảy ra lãng phí, tham nhũng ngay từ đầu.

Tôi nghĩ tất cả khoản đầu tư công của Việt Nam cần phải được Quốc hội xem xét. Mọi khoản đầu tư đã đụng đến ngân sách nhà nước thì đều phải đưa ra Quốc hội thảo luận chứ nếu quy định như hiện nay, những khoản đầu tư từ 20.000 tỉ đồng mới phải đưa ra Quốc hội thì không ổn. Người ta còn có thể “chẻ” dự án ra để không phải trình ra Quốc hội như chúng ta từng thấy. Ở Mỹ, những khoản đầu tư vài chục triệu USD Quốc hội đã phải thảo luận.

Hiện nay chúng ta còn thấy những khoản chừng vài trăm tỉ đồng ngân sách chỉ một người quyết định được. Quyền hạn cấp phát ngân sách quá lớn thế này cũng cần phải xem xét lại.

TS VÕ ĐẠI LƯỢC

TS Võ Đại Lược, nguyên thành viên Nhóm cố vấn cho Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; chuyên gia tư vấn cho Tổng Bí thư Đỗ Mười và là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN