Học cách làm giàu của nữ tỷ phú Nhật Bản đầu tiên
Trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Nhật Bản khi đã 82 tuổi, câu chuyện khởi nghiệp và làm giàu của bà Yoshiko Shinohara khiến ai cũng phải trầm trồ thán phục.
Trang CNBC đưa tin, bà Yoshiko Shinohara đã chính thức trở thành nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi giá cổ phiếu của công ty Temp Holdings do bà sáng lập tăng 11,5% vào tháng trước. Bà đã gia nhập vào “đội ngũ” 26 nữ tỷ phú tự thân châu Á và được Tạp chí Fortune vinh danh là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất trong kinh doanh toàn cầu. Trước khi trở thành “cây đại thụ” của kinh tế Nhật, bà Shinohara từng li dị chồng và phải mất tới gần 40 năm để gây dựng, chèo lái doanh nghiệp của mình từng bước vượt qua sóng gió.
Bà Yoshiko Shinohara
Sẵn sàng mạo hiểm
Cảm thấy những công việc hiện có ở Nhât Bản lúc bấy giờ vô cùng tẻ nhạt, không phù hợp với bản thân, Yoshiko Shinohara di chuyển tới châu Âu, và đây chính là nơi khởi nguồn cho ý tưởng startup của bà. Tại châu Âu, lần đầu tiên bà Shinohara được biết tới khái niệm “nhân viên thời vụ”, bà đã nảy ra ý định mở một công ty cung ứng lao động theo hợp đồng ngắn hạn và thực hiện ngay khi trở về Nhật năm 1973.
Tuy nhiên, thời điểm đó, tại đất nước mặt trời mọc, việc cung ứng nhân viên thời vụ là bất hợp pháp. Bà Shinohara kể lại: “Gắn bó suốt đời với một công việc là chuẩn mực ở Nhật Bản, khi đó, các công ty cung ứng nhân sự tạm thời bị Luật pháp Nhật cấm, vì thế mà tôi thường xuyên bị các nhà chức trách triệu tập… Tôi đã từng thường tự hỏi rằng nhà tù là nơi như thế nào? Phòng giam lớn ra làm sao? Có nhà vệ sinh hay cửa sổ không nhỉ”. Thế nhưng thay vì thay đổi ý tưởng kinh doanh, bà Shinohara mạo hiểm tiếp tục theo đuổi công việc mình đã chọn. Cuối cùng, luật pháp cũng thay đổi và doanh nghiệp của bà được hợp pháp hóa.
Bà sẵn sàng mạo hiểm để làm giàu
Chưa bao giờ có ý định trở thành tỷ phú
Khác với các tỷ phú tự thân khác, bà Shinohara chưa bao giờ có ý định bước vào hàng ngũ 1% những người giàu có nhất thế giới. Thay vào đó, bà muốn làm một việc gì đó để “đóng góp cho xã hội từ việc kinh doanh”. Mục tiêu khởi nghiệp của bà đơn giản chỉ vì muốn có một thương hiệu riêng được thế giới biết đến.
Quyết định ly hôn khi cảm thấy không hạnh phúc
Bà Shinohara từng khiến cả gia đình sửng sốt vì quyết định ly hôn chồng. Bà nói: “Không lâu sau khi cưới, tôi nhận ra rằng mình chẳng hề muốn kết hôn và đây không phải người phù hợp với tôi. Vì thế, tôi đã quyết định ly hôn càng sớm càng tốt… Sau khi ly hôn, tôi tự nhủ phải làm gì đó cho bản thân mình”. Mặc dù bị mẹ và anh trai phải đối kịch liệt, bà Shinohara vẫn giữ nguyên ý kiến, ly dị người chồng mới cưới và bắt tay vào công việc kinh doanh. Shinohara cho biết, bà quyết định phải làm nhiều hơn cho bản thân, vì cuộc sống của mình chứ không cam chịu như hầu hết mọi người phụ nữ tại thời điểm đó.
Lựa chọn ly hôn khi cảm thấy không hạnh phúc thay vì cam chịu
Mang lại cơ hội việc làm cho phụ nữ
Chia sẻ với Tạp chí Forbes, bà Shinohara cho biết, thời điểm bà thành lập công ty, phần lớn phụ nữ Nhật có rất ít cơ hội về việc làm. Sau khi kết hôn, họ chỉ ở nhà làm nội trợ, sinh con và chăm sóc con cái. Với mong muốn mang lại cơ hội việc làm cho mọi người, đặc biệt là những phụ nữ bị thua thiệt trong chế độ trọng nam khinh nữ thời đó, bà đã dốc lòng xây dựng công ty và tạo điều kiện hết sức có thể cho nhân viên của mình. Cho tới những năm 1980, công ty của bà chỉ toàn phụ nữ.
Trao cả cơ hội cho nam giới
Chỉ tuyển dụng nhân viên nữ gần như đã trở thành “luật bất thành văn” của công ty do bà Shinohara sáng lập. Tuy nhiên, khi nhận thấy sự sụt giảm về doanh số, bà đã nảy ra ý tưởng về việc đưa cả nam giới vào làm công việc thời vụ. Theo bà, phụ nữ Nhật thường làm việc theo khuôn mẫu, luôn ở thế phòng ngự chứ không tấn công, vì thế khó khiến công ty phát triển mạnh mẽ như mong đợi. Mặc dù vấp phải nhiều sự phản đối, bà Shinohara vẫn quyết định tuyển nhân viên nam giới và thật bất ngờ, doanh số tăng vọt, tạo thành bước ngoặt lớn của công ty