Hàng vạn căn nhà xây 'chuồng cọp: Thách thức chính quyền?

Tình trạng người dân tự bịt đường thoát hiểm bằng việc dựng lên lồng sắt, rào sắt, “chuồng cọp” kiên cố được lực lượng Cảnh sát PCCC và các cơ quan cảnh báo nhiều lần, nhưng người dân chưa thấy bất kỳ động thái mạnh mẽ nào từ các cấp chính quyền.

Những song sắt ngăn cách sự sống

Phát biểu tại Hội nghị, giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo Thành ủy - HĐND -UBND thành phố với các quận huyện thị xã sáng 25/9, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 626 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về người (18 người chết, 9 người bị thương), 9 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản (khoảng 400 tỷ đồng). Trong đó có vụ vừa xảy ra tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) làm 2 chị em gái tử vong.

Ông Định nêu rõ những lo ngại liên quan đến khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn. Theo ông Định, việc người dân tự làm hàng rào, lồng sắt, chuồng cọp trên những vị trí thoát hiểm sẽ tiềm ẩn những thiệt hại nặng nề về người và của nếu xảy ra hỏa hoạn.

Trong thời gian qua, liên tục những vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội, mà nguyên nhân do những “chuồng cọp” người dân cơi nới. Đơn cử như vụ cháy tại một nhà dân rạng sáng ngày 25/9, tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Phát hiện hỏa hoạn, chủ nhà vội lao ra ban công tầng 3 nhưng bị kẹt lại bởi lan can đã bị quây kín bằng chuồng cọp kiên cố. Trao đổi với PV, Trung úy Nguyễn Văn Tiến (SN 1990), chiến sĩ đội CSGT số 12 (Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội) cho biết, để cứu được người trong căn nhà cháy vô cùng khó khăn. Anh phải bám góc tường rồi dùng bình cứu hỏa đập phá khung sắt “chuồng cọp”. Phía trong, nam chủ nhà cùng hỗ trợ, bẻ cong thanh sắt tạo lỗ hổng để đưa 5 người mắc kẹt ở tầng 3 ra ngoài.

Hàng vạn căn nhà xây 'chuồng cọp: Thách thức chính quyền? - 1

Chuồng cọp bủa vây tập thể Thành Công. Ảnh: Như Ý.

Cũng liên quan đến “chuồng cọp”, sáng sớm ngày 19/7, tại số nhà 48 ngõ 41, phố Vọng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy khiến 2 mẹ con tử vong. Nhiều người dân quanh đó vẫn chưa thể quên được hình ảnh cánh tay với ra ngoài khung sắt cầu cứu. 

Nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ từ những “chuồng cọp” đã được chỉ ra trong nhiều buổi họp của HĐND TP. Thế nhưng, “chuồng cọp” lại là thứ đi đâu cũng gặp ở Hà Nội. Mật độ dày nhất có thể kể đến các khu tập thể cũ như: Z4, K9 Bách Khoa, các tòa A, B, C Khu tập thể Thành Công… hay cả những khu tái định cư mới được xây dựng từ gần chục năm nay như N5C, N5D, N4A, N4B…

Khi được hỏi, chị Tạ Minh Ngọc (khu đô thị Trung Hòa) cho biết, ngay từ khi dọn về, hầu như các nhà đã dựng, hàn song sắt kiên cố bao quanh ban công. Các “chuồng cọp” có nhiều tác dụng như: Chống trộm, tránh trẻ con ngã xuống dưới… Bên cạnh đó, đây được coi là khoảng không để trồng cây leo, để các chậu cây… làm xanh cho ngôi nhà.

Hiện nay, người dân sống ở các nhà riêng lẻ cũng cho xây rào sắt dọc ban công từ tầng 2 trở lên. Với thiết kế kiểu này mục đích không phải để mở rộng “đất” sinh hoạt mà chủ yếu để chống trộm. Thường ở những khu dân cư, các căn nhà ống dựng “lồng chim” sát kề nhau, nhà này nằm cạnh nhà kia.

Rủi ro hiện rõ, cơ quan chức năng bất lực?

Tình trạng người dân bịt đường thoát hiểm bằng rào sắt sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề khi xảy ra hỏa hoạn là điều đã được lực lượng Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng, UBND quận, huyện nêu ra nhiều lần tại các hội nghị. Tuy nhiên, kể từ năm 2015 cho đến nay, chưa có phương án xử lý nào đối với hàng chục nghìn “chuồng cọp”, lồng sắt ban công đang tồn tại, mặc dù rủi ro là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Cơ quan được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ quản lý, tham mưu, phòng chống cháy nổ trên địa bàn là Cảnh sát PCCC chưa đưa ra được những biện pháp xử lý hữu hiệu, còn chính quyền địa phương lại đổ lỗi cho lực lượng Thanh tra xây dựng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, hiện nay chưa có thống kê nào về số lượng “chuồng cọp” trên địa bàn. Tuy nhiên, mật độ “chuồng cọp” tập trung lớn nhất vẫn là các khu tập thể cũ, tồn tại lâu năm do đó việc xử lý rất khó khăn. Cách tốt nhất hiện nay là chờ các khu tập thể này được xây mới, cải tạo lại toàn bộ thì mới mong xử lý triệt để được hiện tượng “chuồng cọp” như hiện nay.

Đại diện Phòng quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm cho biết, chúng tôi chỉ là cơ quan cấp phép lực lượng đi kiểm tra xử lý là Thanh tra xây dựng. Mất an toàn từ các “chuồng cọp” cũng là điểm nóng của TP hiện nay. “Chúng tôi đã giao các phường rà soát an toàn PCCC theo chức năng, sẽ sớm có báo cáo tổng hợp”, đại diện quận Bắc Từ Liêm thông tin.

Với lực lượng Cảnh sát PCCC, thay vì  thực hiện rà soát và kiến nghị chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, cơ quan này chỉ đưa ra những giải pháp tình thế khiến người dân chưa thể yên tâm. Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp với các địa phương để tập huấn về công tác PCCC. Với những tập thể, chung cư có “chuồng cọp” tồn tại lâu năm, lực lượng PCCC khuyến cáo người dân thiết kế “cửa chuồng cọp”. “Cửa này có diện tích đủ cho người chui ra, có khóa, chìa khóa để ở chậu hoa, chậu cây gần đó, những nơi dễ tìm. Như vậy vừa đảm bảo nhu cầu của người dân mà vẫn tạo được lối thoát nạn tạm thời, đảm bảo hoạt động cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy nổ”, vị này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Thành - Hiểu Minh (Tiền phong)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN