Hà Nội: Hoang phí 150 căn hộ 10 năm không ai ở

Những cao niên thường xuyên tới khu nhà tái định cư ở KĐT Sài Đồng, Long Biên tập thể dục đã bức xúc, vì khu nhà bị bỏ hoang hàng thập kỷ gây lãng phí tiền của Nhà nước. Những hộ dân lân cận đã cuốc luống, xếp thùng trồng rau để tạo quang cảnh và giữ an toàn cho khu nhà.

Hà Nội: Hoang phí 150 căn hộ 10 năm không ai ở - 1

Toàn cảnh khu nhà tái định cư HANCO3. Ảnh: B.Loan

Xót xa vì sự lãng phí

Dự án nhà tái định cư tại KĐT Sài Đồng, Long Biên được triển khai từ những năm 2001 – 2006, do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) làm chủ đầu tư. Dự án gồm 3 toà nhà (No2, No3, No4) với khoảng 150 căn hộ. Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa của quận Long Biên, có hệ thống giao thông thuận lợi, xung quanh là những khu đô thị mới có lượng dân cư sinh sống khá đông đúc. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm hoàn thiện, khu nhà tái định cư (gọi tắt là khu nhà TĐC HANCO3) vẫn trong cảnh “vườn không nhà trống”.

Do lâu ngày bị bỏ hoang nên 3 toà nhà đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, xung quanh là cỏ hoang mọc tràn đến chân cửa kính. Cầu thang, sàn nhà đều phủ bụi, bong tróc, các khoá sắt cửa thì hoen rỉ, tối màu. Tầng 1 các khu nhà thì được tận dụng làm nơi chứa hàng, chứa thùng rác. Ngay cả văn phòng của Ban quản lý dự án đặt tại tầng 1 của khu nhà cũng bị cây dại mọc kín lối vào. Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở tại Thủ đô đang rất cao thì nhiều người đã tỏ ra xót xa, tiếc nuối vì khu nhà bị bỏ hoang quá lâu. Nhưng hơn cả là sự bức xúc của người dân vì sự lãng phí tiền của, lãng phí quỹ đất hơn 10 năm qua. Để góp phần đảm bảo an ninh khu vực cũng như quang cảnh của khu nhà, nhiều hộ gia đình sinh sống tại các toà nhà kế bên đã xếp thùng, cuốc luống trồng rau. Các bậc cao niên thì tranh thủ đạp xe từ nơi xa đến đây tập thể dục và tập thiền dưỡng sinh.

Ngày nào cũng đi xe máy gần 5km từ phố Sài Đồng đến khu nhà tái định cư HANCO3 để tập thể dục, ông Nguyễn Văn V (60 tuổi) không khỏi xót xa: “Do điều kiện sinh hoạt không thể đáp ứng được nhu cầu nên người dân không dọn đến đây sinh sống. Chính vì sự bỏ hoang lâu ngày nên nhiều năm qua, chủ đầu tư đã tận dụng tầng 1 của toà nhà No4 để làm nơi sản xuất, lắp ráp khung nhôm, cửa kính phục vụ cho cư dân khu vực”.

Cũng từ nơi xa đến khu nhà tái định cư để tập thể dục, bà Nguyễn Thị Nga (74 tuổi, ở phố Mai Phúc, phường Phúc Đồng) cho biết: “Chúng tôi chọn khu nhà này làm nơi đi bộ dưỡng sinh, ngày nào cũng phải nhìn cảnh nhà hoang thấy quá lãng phí. Xây dựng mà không có tính toán, có tầm nhìn mới gây nên cơ sự này”.

Bà Nga thông tin: “Nhiều năm trước, khu nhà được cắt cỏ, dọn dẹp thường xuyên nhưng khoảng 3 năm trở lại đây thì tôi không thấy ai vệ sinh nữa, có chăng chỉ là những người dân cao tuổi ở khu vực thỉnh thoảng dọn dẹp để đảm bảo quang cảnh cũng như sự an toàn của khu dân cư bên cạnh mà thôi”.

Trước lo ngại về tình hình an ninh trật tự khu vực, bà Trần Thị D (65 tuổi) – cư dân sinh sống tại toà nhà bên cạnh tiết lộ: “Mặc dù chưa bao giờ nghe đến sự có mặt của những ổ nhóm tệ nạn nhưng vì sự an toàn, an ninh của khu vực nên một số hộ gia đình đã tận dụng khoảng sau khu nhà để trồng rau, vừa có nguồn cung cấp thực phẩm sạch lại vừa giữ quang cảnh cho khu nhà”.

Đập bỏ để tránh lãng phí quỹ đất kéo dài

Hà Nội: Hoang phí 150 căn hộ 10 năm không ai ở - 2

Khoảng sân sau khu nhà được các hộ dân sinh sống lân cận tận dụng làm nơi trồng rau.

Trước thông tin chủ đầu tư đã có đơn kiến nghị đập bỏ tòa nhà để xây dựng khu nhà thương mại, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư lập phương án cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội hoặc phá bỏ để xây dựng quỹ đất mới, nhiều người dân khu vực cho rằng, phương án cải tạo, sửa chữa sẽ rất khó khả thi bởi 3 toà nhà cao 6 tầng lại không có thang máy, đường xá đi lại không thuận tiện.

Bà Trần Thị D cho biết: “Mấy năm trước có người đến vệ sinh nhà No2 để cho thuê làm văn phòng nhưng sau không hiểu vì sao không thấy ai đến sử dụng. Với việc để hoang hóa như hiện tại khiến tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng tôi đồng ý với phương án đập bỏ để tránh kéo dài sự lãng phí quỹ đất. Tuy nhiên, cần xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan trong việc gây lãng phí quỹ đất của thành phố Hà Nội trong từng ấy năm trời”.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Sỹ Liêm – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Dân ở đâu được điều tiết đến ở khu nhà tái định cư Sài Đồng thì không biết, nhưng nếu từ Thanh Xuân hay Hà Đông mà phải di sang Sài Đồng sinh sống thì quá xa, có khi, căn hộ (tái định cư) có diện tích một gấp đôi chưa chắc người dân đã đoái hoài”. Ông Liêm cho rằng: “Khu nhà tái định cư HANCO3 đã bỏ hoang hơn 10 năm, trong khi đó, khu đất này lại nằm ở vị trí khu đô thị đang phát triển, chính vì vậy, thông tin một số nhà thầu đề nghị được giao đất để lên phương án giải phóng mặt bằng, xây mới nhà thương mại là hoàn toàn hợp lý”.

“Với hình thức thương mại, khu nhà mới sẽ đáp ứng được nhu cầu người dùng và tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này. Bởi để hoang như hiện nay thì quá vô duyên và đây là một thất bại lớn của việc tái định cư” – ông Liêm thẳng thắn.

Nhà tài định cư khi không còn phù hợp mà phải phá bỏ là sự lãng phí rất lớn. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV khi xây dựng 3 tòa nhà này, Handico3 là doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, cần làm rõ số tiền xây dựng nhà tái định cư chủ đầu tư đã được thành phố bù trừ nghĩa vụ tài chính hay chưa? Nếu đã bù trừ rồi thì số tiền xây dựng 3 khu nhà này là tiền ngân sách. Vậy việc để thất thoát hàng tỷ đồng tiền xây dựng 3 tòa nhà này thuộc trách nhiệm của ai?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: “Để tiết kiệm vốn, nhiều dự án tái định cư đẩy người dân ra xa khu nội thành, mặc dù có mức giá rẻ hơn nhiều lần nhưng lại khó khăn về điều kiện sinh hoạt. Ví dụ như điều kiện học hành của con cái là một trong những khó khăn mà các gia đình phải suy tính. Tôi đã nhiều lần phát biểu là phải có chính sách tái định cư cho giải phóng mặt bằng, bởi từ chính sách này, người dân có thể mua lại một căn hộ trên thị trường với mức tiền tương đương nhưng phù hợp với nhu cầu, điều kiện cuộc sống”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Loan (Gia đình & Xã hội)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN