Góp ý "sốc", "chê đứng chê ngồi" về dự luật Hỗ trợ DN nhỏ
"Các vị cứ làm luật như làm văn, không khả thi đâu. Giả sử có sửa cũng không làm được. 7 lĩnh vực hỗ trợ trong dự thảo cứ như 7 món trong nồi lẩu thập cẩm..."là các góp ý thẳng thắn gây sốc về dự luật này.
Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được lấy ý kiến rộng rãi và sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất của năm 2017.
Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 13/4, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng dự thảo Luật này nếu có sửa cũng… vô giá trị.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có 37 điều, trong đó gây tranh cãi nhất là Điều 29 quy định về trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNV Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết Dự thảo quy định DNNVV có nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, doanh thu không quá 300 tỷ đồng. Với hơn 600.000 DN đang hoạt động, 97% là DNNVV nên Luật Hỗ trợ DNNVV có ý nghĩa lớn, tác động đến hầu hết các DN đang hoạt động.
Theo ông Phan Đăng Tuất, trong thời đại hội nhập sâu rộng như hiện nay, nếu dùng hai chữ “hỗ trợ” sẽ khiến doanh nghiệp lao đao khi quan hệ thương mại với quốc tế. WTO và các Hiệp định thương mại tự do đều cấm kỵ hai chữ “hỗ trợ” bởi nó tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Ông Tuất lấy ví dụ về chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc thời cựu Tổng thống Park Chung Hee, chính sách này chỉ gói gọn trong 8 chữ: “Doanh nghiệp lớn không làm chi tiết nhỏ”. Kết quả là chỉ sau 3 năm Hàn Quốc đã có hàng vạn doanh nghiệp nhỏ công nghệ cao cung ấp linh kiện cho Samsung, Hyundai, Daewoo…
Tại Nhật Bản, Luật về linh kiện điện tử của họ chỉ có 3 trang mà cứu được cả nền công nghiệp Nhật Bản. Trong khi Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có tới 37 điều mà chẳng bảo vệ được ai.
“Đọc luật này tôi buồn lắm, nó là một loại văn mẫu mà người ta cứ làm cho có. Oai, hoành tráng thật, nhưng bất khả thi. Các vị cứ làm luật như làm văn, bài văn này không đáng chấm điểm, nó không có giá trị. Nó không khả thi đâu. Giả sử có sửa cũng không làm được đâu,” ông Phan Đăng Tuất thẳng thắn góp ý.
Là người có nhiều năm hoạt động trong ngành công thương, ông Phan Đăng Tuất bày tỏ lo ngại về chuyện hỗ trợ doanh nghiệp.
“Các FTA cực kỳ kỵ chữ hỗ trợ. Các nước phải giấu hai chữ hỗ trợ đi. Không hiểu sao hội nhập rồi mà ai cũng thích dùng chữ hỗ trợ. 7 lĩnh vực hỗ trợ trong dự thảo cứ như 7 món trong nồi lẩu thập cẩm. 7 món này đều nằm dưới 7 luật chuyên ngành nên... vô dụng. Làm sao qua được Luật Tín dụng, Luật Đất đai và các luật khác?”
Ông Phan Đăng Tuất (trái) và ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, tại Hội thảo.
Đứng về phía doanh nghiệp, ông Tuất cho rằng doanh nghiệp chân chính không cần hỗ trợ, họ mong muốn được kinh doanh sòng phẳng. Doanh nghiệp cần sòng phẳng, cần làm nghiêm túc và có trách nhiệm với đất nước. Thứ doanh nghiệp cần không phải là hỗ trợ mà họ cần được bảo vệ.
“Nếu có thể thì hãy đổi thành Luật Bảo vệ DNVVN, đó mới là luật xác đáng mà chúng tôi cần. Tôi có một DN bé tí mà bị hành là chính… Do vậy tôi nghĩ doanh nghiệp cần được bảo vệ hơn là được hỗ trợ”, ông Phan Đăng Tuất nói.
Đồng tình với ông Tuất, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, do vậy không nên nghĩ đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo như nếp nghĩ cũ.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho rằng rất khó phân biệt Điều 29 của Dự thảo là sự phát sinh sáng tạo hay lobby chính sách.
Điều 29 này thay mặt cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam, nhưng có quá nhiều Hiệp hội thuộc đủ mọi ngành nghề khác nhau, vậy các DN không tham gia vào Hiệp hội DNNVV có được hỗ trợ hay không?
Ông Đệ cho rằng mỗi một tổ chức Hiệp hội đều có điều lệ riêng. Luật không thể đi vào cuộc sống nếu giữ nguyên Điều 29. Đặc biệt sẽ không thể hấp thụ được ở các tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện có 640 nghìn doanh nghiệp đăng ký thuế, gần 2 nghìn doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ. Ông Bảo cho biết, sau Luật Hỗ trợ DNNVV, sẽ có sự điều chỉnh Luật về thuế để hỗ trợ tối đa DNNVV.