Giao dịch tiền ảo tràn lan: Chuyên gia nói gì?
Hàng loạt các trang giao dịch tiền ảo Bitcoin được lập ra tại Việt Nam trong một thời gian ngắn. Tỷ số giao dịch trao đổi Bitcoin biến động theo từng ngày, từng giờ và nhiều người coi đây là một cơ hội để làm giàu từ việc đầu tư lướt sóng tiền ảo. Vậy, xử lý hiện tượng này như thế nào?
Lấy tiền thật mua... tiền ảo
Câu chuyện trang web Liberty Reserver bị cơ quan An ninh Mỹ đánh sập với những dính líu liên quan đến tội phạm rửa tiền và đồng tiền điện tử LR mất giá trị ngay lập tức sau đó vào hồi tháng 5 vừa qua vẫn còn chưa hết tính thời sự. Ở Việt Nam những người trót sở hữu và đầu tư vào loại tiền này để sinh lời cũng đã rơi vào cảnh tay trắng khi các đầu mối giao dịch đều trong tình trạng không liên lạc, không chịu trách nhiệm... thì gần đây, loại tiền ảo Bitcoin lại đang làm mưa làm gió trên các trang giao dịch trực tuyến. Các giao dịch tiền ảo với tỷ giá lên tới hơn 22 triệu đồng/1Bitcoin làm dấy lên không ít quan ngại cho những người quan tâm đến tội phạm rửa tiền.
Tiền ảo có thể trở thành phương tiện cho tội phạm rửa tiền.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp, mua bán, trao đổi loại tiền ảo này. Chúng tôi lần theo một địa chỉ được giới thiệu là một kênh trung gian trao đổi Bitcoin giữa những người dùng Bitcoin ở Việt Nam tại địa chỉ ExBitcoin.Com. Nhà cung cấp này đưa ra một loạt điều khoản với người tham gia giao dịch như độc lập cung cấp dịch vụ và toàn quyền quyết định tỉ giá trao đổi Bitcoin. Theo niêm yết tại thời điểm chúng tôi truy cập, giá mua vào là 18,89 triệu đồng/1 Bitcoin, giá bán ra là 22,22 triệu đồng/1 Bitcoin. Trong phần rủi ro, nhà cung cấp không chấp nhận mua, bán, chuyển đổi Bitcoin từ bất cứ cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đang vận hành hệ thống Bitcoin. Và, trách nhiệm của nhà cung cấp kết thúc ngay sau khi người dùng nhận được Bitcoin từ nhà cung cấp.
Để thực hiện được giao dịch, khách hàng cần vào đăng ký tài khoản và được cấp một cái ví (wallet), sau đó chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào để mua Bitcoin. Theo tìm hiểu của PV, cho đến nay vẫn có rất ít nơi chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin (chủ yếu loại tiền ảo này có giá trị thanh toán nhiều ở sòng bạc trực tuyến).
Anh Phạm Văn Hòa, cựu sinh viên ĐH Giao thông vận tải cho biết, việc “kiếm” được Bitcoin chủ yếu dựa vào hệ thống máy tính tham gia vào công đoạn “khai mỏ”, bởi sự kết nối của một hệ thống máy tính nối mạng toàn cầu. Việc “khai mỏ” cũng chỉ có thể thực hiện bởi những người có hiểu biết kha khá về máy tính, công nghệ và không thiếu thời gian. Tuy nhiên với người bình thường, ít ai nghĩ đến chuyện dùng máy tính tham gia vào công đoạn “khai mỏ” Bitcoin. Họ dùng cách đơn giản hơn là mua nó thông qua một số trang chuyên cung cấp, trao đổi loại tiền này như muabitcoin.com... Với nhiều người, việc tỷ giá Bitcoin tăng giảm từng giờ không khác nhiều các loại tiền tệ chính thống là cơ hội để họ có thể làm giàu!
Theo các chuyên gia, tiền ảo đã du nhập vào Việt Nam khoảng vài năm gần đây, được giao dịch trong một thế giới ngầm. Nó chẳng khác nào một đế chế tài chính với một đồng tiền riêng và một hệ thống thanh toán, giao dịch không thua kém gì một ngân hàng lớn. Đồng tiền ảo này không chỉ giúp người ta đầu cơ, ăn chênh lệch giá, mà còn giúp thanh toán trực tiếp những loại sản phẩm, dịch vụ mà chẳng một ngân hàng chính thống nào dám thanh toán như cá độ bóng đá, đánh bạc trực tuyến.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề tiền ảo không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Một trong những chuyện khôi hài là tiền ảo thực sự xuất hiện trên nhiều lãnh thổ, nhiều lĩnh vực kinh doanh và được luật pháp chấp nhận. Ví dụ như khi vào một casino ở Lasvegas (Mỹ) thì họ đâu có cho người chơi đánh bằng tiền thật. Họ phải đổi ra tiền chip. Loại tiền này sau khi đánh xong người chơi lại có thể đổi ra tiền thật. Trong lúc dùng loại tiền chip là tiền ảo thì nó không có giá trị thực về tiền nhưng người ta lại cho nó một giá trị trao đổi ngang giá trên đồng tiền đó.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Cuộc chơi may ít, rủi nhiều
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện tại, trên hệ thống internet cũng có nhiều trang mạng mua bán tiền ảo. Loại tiền này nằm ngoài những cơ chế, chế độ tiền tệ của các quốc gia và không được một cơ quan nào quản lý cả. Ở Việt Nam hiện tại cũng có các trang mạng đổi tiền thật ra tiền ảo để trao đổi mua bán rồi trở về tiền thật. Cho đến bây giờ không ai quản lý đồng tiền này. Chính vì sự không quản lý đó mà nó gây ra một số hành vi giao dịch tiêu cực của tiền ảo. Điển hình như thời gian qua có các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, sử dụng đồng tiền ảo vào nhiều mục đích xấu, ví dụ như thanh toán cho các trang cá độ, mua bán thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp hàng hóa, tống tiền, làm thẻ tín dụng giả, cá độ bóng đá... mua sắm các phần mềm, thiết bị điện tử không hợp pháp.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Xa La, Hà Đông, Hà Nội), một trong những “nạn nhân” đã trắng tay vì tiền ảo LR vì trang web chính bị đánh sập, cho biết: “Tôi và nhiều bạn bè của mình khi tham gia các giao dịch là hoàn toàn sử dụng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Tuy nhiên, gần chục triệu đồng nằm trong tài khoản lại không thể lấy được và cũng chẳng thể kêu ai”.
Một trong những tiêu cực lớn nhất, được các chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định, vì tiền ảo không được kiểm soát, nó có thể trở thành phương tiện cho các đối tượng rửa “tiền bẩn” ra “tiền sạch”. “Như chúng ta biết, tiền “bẩn” sinh ra từ các giao dịch bất hợp pháp, từ buôn lậu, ma tuý, tham nhũng. Tiền này được các tổ chức tội phạm, các cá nhân sở hữu tìm cách để rửa thành tiền sạch để có thể giao dịch được một cách chính thống. Họ có thể đem một thúng tiền đi mua nhà, mua xe ôtô nhưng họ làm như thế trước hết là báo động các cơ quan chức năng về nguồn gốc số tiền của mình. Thành ra, họ phải “rửa” bằng cách qua hệ thống ngân hàng, tiền đó thành “tiền sạch”, họ có thể thoải mái giao dịch, chuyển khoản mà không mời gọi sự dòm ngó của các cơ quan chức năng”, TS. Hiếu đánh giá.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, đoàn Luật sư Bắc Giang cho rằng, ngay trong những điều khoản của các trang web giao dịch loại tiền này cũng đã nói rõ với khách hàng những rủi ro. Đặc biệt, với một loại tiền không nằm trong hệ thống tiền tệ chính thống, không được pháp luật kiểm soát thì khi có rủi ro khách hàng phải tự chịu. Thực tế vừa qua, việc tiền ảo LR hoàn toàn mất giá trị và người sở hữu loại tiền này mất trắng là một bài học cho tất cả mọi người.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, vừa qua Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có động thái khá “mạnh tay” là cấm các chế định tài chính giao dịch tiền ảo Bitcoin. Theo cá nhân tôi thì đó là một cách hay. Và Việt Nam cũng nên xem xét việc cấm các loại giao dịch tiền ảo thành tiền thật và từ tiền thật thành tiền ảo. Không phải tất cả các giao dịch tiền ảo là giao dịch bẩn, bất hợp pháp. Tuy nhiên để có thể kiểm soát được các vấn đề tiền ảo và giao dịch trên tiền ảo có tác hại đến nền kinh tế, chính sách tiền tệ chính thống, có lẽ lúc này nên cấm giao dịch tiền ảo Bitcoin là hợp lý, để tiến đến việc có thể cấm hoàn toàn các giao dịch tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một lộ trình và một cảnh báo sớm từ các cơ quan chức năng để những người tham gia có thời gian chuẩn bị.
Trở thành phương tiện cho tội phạm “rửa tiền”? Theo chuyên gia tài chính -ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, tiền ảo có thể trở thành phương tiện cho tội phạm “rửa tiền”. Thứ hai là nó không nằm trong một hệ thống tiền tệ chính quy nên không ai kiểm soát nó cả. Tiền ảo giao dịch thế nào, vay mượn, mua bán không ai có thể kiểm soát nó được và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền tệ chính thống. |