Giải mã giá USD tăng bất thường

Hơn một tuần nay, giá USD trên thị trường tăng vọt. Tỷ giá VND/USD tăng nhanh và khả năng sẽ đứng ở mức cao khiến cả người dân và doanh nghiệp lo lắng. Đáng chú ý khi giá USD ngân hàng công bố đột nhiên đắt hơn bên ngoài tự do.

Nhiều diễn biến lạ

Sáng 22/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tăng 4 đồng, lên mức  22.235 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.902 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.567 VND/USD. Lần đầu tiên trong năm 2017,  tỷ giá VND/USD đang hướng gần đến mức trần biên độ, kể từ sau đợt biến động cuối 2016...

Cùng thời điểm, tại Vietcombank giá USD đứng yên ở mức mua vào 22.790 đồng, bán ra 22.860 đồng/USD. Tương tự, VietinBank giao dịch USD mua vào - bán ra: 22.800 - 22.870 đồng/USD như mức giá đóng cửa phiên hôm trước. Còn tại BIDV, giá mua vào - bán ra ở mức cao hơn hẳn: 22.810-22.880 đồng/USD, tăng 20 đồng.

Giải mã giá USD tăng bất thường - 1

Tỷ giá từ sau Tết đến giờ liên tục tăng.

Điều đáng nói, đây đã là ngày thứ 2 giá USD tại các ngân hàng thương mại được niêm yết cao hơn giá USD tự do. Và tỷ giá tại nhóm các ngân hàng TMCP không có vốn Nhà nước chi phối luôn được điều chỉnh nhanh hơn và tăng cao hơn 1 chút so với nhóm ngân hàng quốc doanh trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại nhóm ngân hàng cổ phần, ACB tăng 10 đồng, giao dịch ở mức: 22.790-22.880 đồng. Eximbank 22.770-22.870 đồng. Đông Á đang mua vào 22.800 đồng/USD và bán ra 22.880 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, giá USD tại một cửa hàng thu đổi ngoại tệ trên phố “đô la” Hà Trung báo giá mua USD là 22.830 đồng và bán ra là 22.850 đồng. Liên lạc với một đại lý, nghe báo giá là 22.820 đồng/USD bán ra. Về hiện tượng giá USD trên thị trường ngân hàng “đắt” hơn giá chợ đen, chủ đại lý này cho biết, mức giá niêm yết thế nào thì báo như thế.

Bản phân tích thị trường tiền tệ của các công ty chứng khoán cả tuần nay đều cho thấy, diễn biến tăng giá USD trên thị trường Việt Nam những ngày này có thể do đón xu hướng tăng giá USD trên thế giới và FED tăng lãi suất.

Tăng vì nhập siêu?

Thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2017 (từ 1/2 đến 15/2/2017) đạt hơn 14.22 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 của tháng 2 này thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, điều này cũng đồng nghĩa chỉ riêng nửa đầu tháng 2, nhập siêu đã đột nhiên tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái là xuất siêu.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện tượng nhập khẩu nửa đầu tháng 2 cao bất thường, dẫn đến nhập siêu hơn 2 tỷ USD cũng có thể là nguyên nhân tác động lên cầu tỷ giá. “Nếu đúng vậy, nhiều khả năng là doanh nghiệp sợ giá USD tăng mạnh thời gian tới nên tiến hành nhập đón trước, bình thường, nhập siêu chỉ tăng mạnh trước Tết”, ông Độ nói.

Còn theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn thì ngoài tác động từ nhập siêu, thị trường quả có hơi “bất thường” ở chỗ giá USD tự do rẻ hơn ngân hàng. “Nhìn trên trạng thái thì thấy doanh nghiệp cũng không có cầu lớn”, vị này nói. Tháng 11/2016, tỷ giá có lần tăng tới 1,8% trong hai tuần. Hiện tỷ giá trung tâm của NHNN cũng tăng đều và khó có thể dừng. Thời điểm này, NHNN đã bán ngoại tệ cho các NHTM có nhu cầu hay chưa? Phụ trách nguồn một ngân hàng nhỏ cho biết, do ngưỡng giá bán USD của NHNN vẫn đang cao hơn giá giao dịch liên ngân hàng, cho nên các nhà băng có nhu cầu đang mua bán lẫn nhau cho rẻ hơn.

Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) cho biết, hai tuần trước Tết, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, nhiều ngân hàng thiếu thanh khoản cục bộ, có một thời điểm, giá USD đột nhiên giảm mạnh, NHNN phải mua vào chống giá rơi. Rất có thể những ngân hàng đó đã chọn giải pháp tạm thời bán USD tiền gửi lấy VND thanh toán thay vì phải vay mượn lãi suất cao trên liên ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN