Đủ chiêu đua lãi suất trái thông lệ
Trước Tết Nguyên đán, thị trường mới ghi nhận mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%, đến nay, lãi suất mới đã vượt 8%/năm. Việc các ngân hàng đang “co kéo” khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi bằng đủ các chiêu thức trái với thông lệ mùa vụ (hết Tết) khiến nhiều người đặt dấu hỏi về thanh khoản hệ thống và lo lãi suất cho vay sẽ tăng.
Người dân sẽ đặt dấu hỏi về thanh khoản hệ thống và lo lãi suất cho vay sẽ tăng. Ảnh: Như Ý.
Đua các kỳ hạn
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lãi suất với mức tăng bình quân 0,1 - 0,2%/năm. Trong khi các ngân hàng lớn không tăng lãi suất đầu vào thì một số ngân hàng nhỏ vẫn ráo riết chạy các chương trình nhằm thu hút tiền gửi của khách hàng.
Hiện các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đang bỏ khá xa lãi suất của các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1,5 đến1,8%/năm ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, tại Vietcombank, khung lãi suất còn niêm yết ở mức thấp hơn (lãi suất 1 tháng chỉ ở mức 4,5%, 2 tháng là 4,6% và 3 tháng là 4,8%)/năm).
Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), ngoài việc nâng lãi suất kỳ hạn dài từ 12-36 tháng lên tới 8%/năm, OCB còn liên tục điều chỉnh bảng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất ở kỳ hạn 3-5 tháng đã tăng kịch trần 5,5%. Đối với tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng với mức lãi suất lần lượt 5,3-5,4%, nếu gửi tiết kiệm trực tuyến (online) khách hàng còn được cộng thêm 0,1%/năm.
Tại ngân hàng Quốc dân (NCB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến cũng tăng 5,5%/năm ở các kỳ hạn ngắn. Tương tự, Ngân hàng Nam Á (NamABank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng niêm yết là 5,4%, còn lãi suất trực tuyến đồng loạt tăng 5,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn 1-5 tháng.
Theo TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính), những biểu hiện này tuy chưa đến mức để gọi “chạy đua”, nhưng không loại trừ khả năng một số ngân hàng đang đẩy lãi suất lên cao, chủ yếu để thu hút sự chú ý với khách và nắm giữ thị phần nhiều hơn. “Các ngân hàng đã đẩy lãi suất lên cao, người gửi tiền kỳ hạn dài có lợi. Chưa kể với mức lạm phát đang ở mức 1%, gửi ngắn hạn được hưởng 5% đâu phải là thấp. Vấn đề là, khi lãi suất cao, doanh nghiệp trong nước sẽ phải vay với lãi cao”- chuyên gia này lý giải.
Lo lãi vay tăng 1-2%
Quan sát trên thị trường tài chính, giới phân tích chứng khoán đã chỉ ra sự “nóng” lên của cuộc đua lãi suất huy động hoàn toàn không chỉ do yếu tố mùa vụ (Tết). Nguyên nhân sâu xa của vấn đề lãi suất trong hệ thống ngân hàng là từ việc khó khăn trong phát hành trái phiếu Chính phủ.
Diễn biến năm 2015 cho thấy, Chính phủ đã cấp tập phát hành trái phiếu chính phủ trong quý IV. Nếu như 3 quý đầu năm 2015 chỉ mới phát hành được 96.470 tỷ đồng (chỉ bằng 38% kế hoạch năm là 250.000 tỷ đồng), thì đến cuối năm 2015 đã hoàn tất mục tiêu phát hành với trị giá 256.200 tỷ đồng (nghĩa là Chính phủ đã huy động khoảng 160.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng cuối năm).
Ngoài ra, kể từ khi đồng USD tăng giá mạnh hơn 20% (từ tháng 9/2014 đến nay), dòng vốn quốc tế đã chuyển hướng từ các thị trường mới nổi và cận biên trở về lại Hoa Kỳ, tạo sự căng thẳng nguồn vốn ở các thị trường bị rút vốn, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 (14/3) do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức, TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiều ngân hàng đang phải huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ; còn lãi cho vay (là tiền thật) thì mới chỉ ghi nhận dự thu chứ chưa thu được. Cụ thể hơn, TS Thành chỉ ra: Các ngân hàng vẫn đang phải nuôi nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được tiền. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang phải chịu áp lực trang trải lãi tiền gửi cho người dân.
Cũng trong buổi hội thảo này, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho rằng, thị trường đang tồn tại sự mất cân đối giữa huy động và cho vay tiền đồng, giữa huy động và cho vay đồng USD. “Dù lãi suất huy động ngoại tệ chỉ bằng 0%, nhưng vẫn không làm cho người dân chuyển ngoại tệ sang gửi tiền đồng vào ngân hàng. Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay. Điều này chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên, việc đưa lãi suất USD về 0% cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường”, ông Thúy nói.
Cũng theo ông Lê Đức Thúy, áp lực thanh khoản đang có hiện tượng tăng. “Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán của chúng tôi, có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy không thể đơn giản nói rằng, doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường như năm 2015”, vị này nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt dự đoán cuộc đua lãi suất có dấu hiệu nóng lên trong cục bộ một số ngân hàng và ít nhiều đang chịu ảnh hưởng từ dự thảo Thông tư 36. |