Độc đáo ngân hàng cho vay tiền, nhận trả nợ bằng...rác
Tại một số “ngân hàng rác” trên cả nước Indonesia, chủ tài khoản có thể lấy rác đổi trực tiếp ra gạo, thẻ điện thoại hoặc hóa đơn tiền điện.
Trong ngân hàng với những chiếc ghế sofa xiêu vẹo, những người dân nghèo ở miền đông Indonesia có thể mượn tiền và sau đó trả nợ bằng rác. Chuyện tưởng như không thể này đã thành hiện thực tại TP Makassa thuộc đảo Suwalesi, Indonesia.
Chia sẻ với hãng tin Bloomberg, giám đốc Suryana của ngân hàng Mutiara Trash Bank ở thành phố đang phát triển nhanh Makassar thuộc đảo Sulawesi (Indonesia) cho biết: “Chương trình này khởi nguồn từ người dân, được quản lý bởi người dân và có các phần thưởng dành cho chính người dân. Từ góc độ kinh tế, chương trình đem lại kết quả”.
Ý tưởng ngân hàng độc đáo trên không chỉ xuất hiện tại các khu phố ở Indonesia, mà còn hiện hữu ở nhiều thị trường mới nổi khác thuộc châu Á và châu Phi. Người dân địa phương xem “ngân hàng rác” như một cách để làm giảm áp lực gia tăng lên các bãi chôn rác, cho phép những người nghèo nhất có cơ hội tiết kiệm.
Những miếng bìa các-ton đã được phân loại ở Ngân hàng Central Trash Bank Ảnh: Dimas Ardia/Bloomberg.
Vấn đề ở thành phố Makassar cũng là câu chuyện chung của nhiều đô thị châu Á khác. Mỗi ngày, thành phố 2,5 triệu dân này thải ra 800 tấn rác. Hầu hết trong số chúng đến bãi rác cao bằng năm tầng lầu và rộng gấp đôi diện tích sân bóng đá, nơi nhiều người, trong đó có trẻ em, kiếm sống hằng ngày.
“Ngân hàng rác” ra đời từ đó. Cư dân ở Makassar mang rác thải hay phế liệu như chai nhựa, giấy và bao bì đến các điểm thu mua được gọi là ngân hàng. Tại đây, rác sẽ được cân và định giá. Giống như một nhà băng bình thường, khách hàng đến với Mutiara Trash Bank có thể mở tài khoản, gửi và rút tiền theo định kỳ. Số tiền là giá trị của số rác chuyển sang đồng rupiah, nội tệ Indonesia.
Chính quyền thành phố cam kết mua rác đúng theo giá niêm yết tại nhà băng, đảm bảo bình ổn giá. Số rác này sau đó được bán cho những người mua bán rác thải - những người vận chuyển chúng đến nhà máy giấy và nhựa trên đảo Java.
Tại một số “ngân hàng rác” khác trên cả nước Indonesia, chủ tài khoản có thể lấy rác đổi trực tiếp ra gạo, thẻ điện thoại hoặc hóa đơn tiền điện. Ở Mutiara Trash Bank, một số chủ tài khoản đăng ký chương trình làm bài tập về nhà. Các sinh viên sẽ hỗ trợ con em chủ tài khoản làm bài tập và nhận tiền lương từ chính ngân hàng.
Khách hàng của Mutiara Trash Bank, hầu hết là phụ nữ đi nhặt rác bán thời gian, thường tiết kiệm được khoản tiền rất nhỏ, khoảng 2.000 đến 3.000 rupiad (từ 15 đến 23 cent), mỗi tuần. Những người chăm chỉ làm việc thì tiết kiệm được nhiều hơn. Nhiều chị em cũng vay tiền, thường thì để mua gạo, khi chờ khoản lương mà chồng họ đem về vào cuối tuần.
Giám đốc Suryana nói về các khách hàng vay tiền từ ngân hàng: “Chưa ai vỡ nợ. Vì thế nên miễn là người dân vẫn sống ở đây, họ sẽ trả tiền. Họ chỉ cần đem đến nhiều rác hơn thôi, cuối cùng thì số rác này dù gì cũng ở khắp mọi nơi”.
Đối với những khách hàng như Sitanah (chủ sở hữu một cửa hàng bán đồ tạp hóa ở gần ngân hàng thu mua rác) thì những ngân hàng này là nơi mà họ có thể đến vay tiền một cách nhanh nhất. Trên tay cầm 50.000 Rupiah vừa mới rút ra từ tài khoản tại ngân hàng rác, cô phấn khởi cho biết: “Trước đây, tôi rất nghèo khó nhưng giờ đây, tôi đã có quỹ tiết kiệm và dùng bất cứ khi nào mình muốn”.
Mỗi ngày, những chiếc xe tải của chính phủ đưa rác từ Ngân hàng Murtiara Trash Bank về phân loại tại Ngân hàng Central Trash Bank trước khi bán lại cho lái buôn.
Suryana (phải) đưa tiền cho Sitanah - một thành viên của ngân hàng Ảnh: Dimas Ardia/Bloomberg
Ary Budianto, một thương lái “mối” thu mua rác tái chế từ Central Trash Bank, cho biết: “Đây là một phương án đơn giản nhưng tuyệt vời. Giữa lúc thị trường rác biến động lên xuống, chính phủ tại đây lại bảo đảm giữ múc giá thu mua ổn định. Chất lượng rác thu mua tại đây rất tốt, và họ lại không hề gian lận với bạn”.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Indonesia, mỗi năm nước này thải ra 64 triệu tấn rác và hơn 70% chúng được đưa đến bãi rác.
Mutiara là một trong số hơn 200 ngân hàng rác ở thành phố Makassa. Những ngân hàng thế này cần phải được học hỏi và áp dụng trên toàn thế giới. Năm ngoái, Indonesia có tổng cộng 2.800 ngân hàng thu mua rác hoạt động tại 129 thành phố trong cả nước với 125.000 chủ tài khoản.
Ông Sanjay K. Gupta - chuyên gia quản lý rác thải tại Công ty cố vấn Skay ở Thụy Sĩ, người nghiên cứu những dự án trên tại Indonesia và những nơi khác - cho biết: “Sự hỗ trợ của chính phủ chính là nhân tố thiết yếu làm nên thành công của những ngân hàng kiểu mới này. Những ngân hàng này không thể hoạt động khi không có sự hỗ trợ của chính quyền. Phải cần có mặt bằng và cơ sở vật chất, bạn không thể thực hiện việc thu mua ngoài trời được.”