Doanh nghiệp thua vì thủ tục, cách nào tháo gỡ?
“Chậm một ngày đã khiến DN như ngồi trên đống lửa, nhiều lúc họ phát khóc chỉ vì một yêu cầu giấy tờ thủ tục. Họ thất bại đau đớn không phải vì thị trường hay vì kém thông minh mà đôi khi chỉ vì không làm được thủ tục đúng thời gian”, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra nỗi khổ của DN.
Phát khóc vì thủ tục
Lãnh đạo viện CIEM nhận xét, nói đến quản lý cần phải tính đến phương pháp quản lý nào rẻ nhất, ít tác động đến chi phí của doanh nghiệp và tiết kiệm về mặt thời gian chứ không phải quản lý vì phải quản lý. Ông chia sẻ câu chuyện mà chính bản thân ông chứng kiến rằng doanh nghiệp cảm thấy chật vật như thế nào khi đi làm các thủ tục cấp phép. Có chủ doanh nghiệp còn khóc trong cuộc hội thảo khi nhắc đến vấn đề này.
Ảnh minh họa.
“Chậm 10 ngày đối với chúng ta không có ý nghĩa gì, thậm chí mất 30 ngày để xin một giấy phép thì cơ quan Nhà nước vẫn chưa hình dung sẽ như thế nào. Nhưng tôi khẳng định, một sản phẩm làm ra 30 ngày không bán ra thị trường mà đối thủ cạnh tranh có, thị trường bị chiếm lĩnh có thể dẫn đến phá sản. Chậm một ngày đã khiến họ như ngồi trên đống lửa, nhiều lúc họ phát khóc chỉ vì một yêu cầu giấy tờ thủ tục. Thất bại cho doanh nghiệp một cách đau đớn không phải vì thị trường hay vì họ kém thông minh mà đôi khi thất bại chỉ vì không làm chủ được thủ tục đúng thời gian”, ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu đánh giá, cần phải hình dung cái giá cho mỗi quy định rất đắt đỏ. Một chữ viết ra có thể gây ra chi phí hàng tỷ đồng cho xã hội, chính vì thế cần phải giảm chi phí để tuân thủ các quy định này cho doanh nghiệp.
“Ngay cả khi chúng ta chưa sửa luật, chưa gạch bỏ điều kiện kinh doanh ở trong luật thì cũng phải có tư duy làm thế nào để có thủ tục hành chính nhanh hơn, ít gây tác động mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp” – ông Hiếu bày tỏ và nhấn mạnh, việc cởi trói cho DN bằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chính là thay đổi phương thức quản lý Nhà nước.
“Hiện tại có 500.000 doanh nghiệp nhưng con số này tương lai lên tới 2 - 3 triệu doanh nghiệp nên việc kiểm soát 100% cả tiền và hậu kiểm là điều không thể. Vì vậy, theo tôi phương pháp quản lý rủi ro tính đến 2 yếu tố: Hiệu lực và hiệu quả. Hiệu lực là quy định đặt ra phải đảm bảo thực thi. Còn tính hiệu quả là phải phù hợp với lợi ích xã hội mang lại, việc bỏ ra một chi phí quá lớn mà mang lại lợi ích quá nhỏ là không hiệu quả”, ông Hiếu nói.
Còn cắt giảm được nữa
Mặc dù động thái cắt giảm gần 700 điều kiện kinh doanh mà bộ Công Thương đưa ra được đánh giá khá tích cực, tuy nhiên không ít ý kiến nghi ngại cắt giảm chỗ này lại “mọc” ra chỗ khác, hoặc chuyển từ điều kiện kinh doanh sang quy chuẩn, tiêu chuẩn. Liên quan đến lo ngại trên, thông tin với PV, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Công Thương thừa nhận “cắt giảm thuộc vấn đề chất lượng nhiều hơn là số lượng”.
Theo ông Tân trước hết cần phải phân biệt rõ các điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, tiêu chuẩn. Ông Tân lý giải: “Bản thân những điều đó sẽ sắp xếp lại để đưa vào đúng bản chất của điều kiện kinh doanh. Điều kiện kinh doanh theo nghĩa rộng nhất có cả tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo luật mà Quốc hội ban hành có ý nghĩa rất lớn giải quyết vấn đề về lợi ích công cộng lợi ích xã hội, lợi ích chung”.
Bên cạnh đó, trong 27 lĩnh vực kinh doanh mà bộ Công Thương quản lý vẫn còn 10 lĩnh vực mà Bộ chưa cắt giảm điều kiện kinh doanh, điều này cũng gây ra nhiều thắc mắc trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như dư luận. Trao đổi về vấn đề này, ông Tân cho hay qua quá trình rà soát 675 điều kiện cắt giảm lần này có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. “Có đến 90% nằm trong 16 - 17 ngành nghề mà chúng tôi đề xuất cắt giảm nhưng không phải chỉ dừng lại ở 16 lĩnh vực, bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình rà soát. Trong 27 ngành nghề bộ Công Thương quản lý chắc chắn sẽ rà soát và có thể cắt giảm thêm”, vị này nói.
Ông Tân cũng cho biết sẽ có đánh giá tác động rất cụ thể. “Ở đây không phải cắt giảm một cách tùy tiện mà có cơ sở về mặt thực tiễn, đáp ứng các lợi ích mà tôn chỉ là đảm bảo lợi ích công, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng” – ông Tân khẳng định.
Hiện tại, trong phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, bộ Công Thương đã giảm tới 55% điều kiện kinh doanh, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng còn có thể cắt giảm sâu hơn tới 70% -80% các điều kiện kinh doanh. Về việc này, đại diện bộ Công Thương cho hay tùy vào từng điều kiện cụ thể sẽ cắt giảm hoặc đơn giản hóa. Điều kiện nào không phù hợp thì cắt, quan trọng là không hạn chế việc tiếp cận thị trường của doanh nghiệp.