Doanh nghiệp nhà nước: Tài sản nắm giữ nhiều, lợi nhuận không tương xứng

Sự kiện: Kinh Doanh

Nắm giữ hơn 3 triệu tỷ đồng, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có số tài sản nắm giữ tăng gần 4%, nhưng lợi nhuận, doanh thu, tỷ lệ nộp ngân sách đều giảm so với năm trước.

Thực tế này được đề cập trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 vừa được Bộ Tài chính thừa ủy quyền gửi đến Quốc hội.

PVN giảm lợi nhuận mạnh, Vinachem từ lãi sang lỗ nặng

Báo cáo cho biết: Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 doanh nghiệp do nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó  có 7 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước (không bao gồm Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam); 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp là hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015, khối các Tập đoàn, Tổng Công ty (TĐ, TCT), Công ty mẹ - con có tổng tài sản là hơn 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản.

Tuy tăng về tổng tài sản nắm giữ, nhưng tổng doanh thu của các doanh nghiệp lại chỉ đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, giảm 1%, trong đó khối 7 TĐ đạt 934.721 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2015, chiếm 62% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp giảm đến 14%, đạt 139.658 tỷ đồng, trong đó khối 7 TĐ đạt 78.870 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm 2015, chiếm 56% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.

Doanh nghiệp nhà nước: Tài sản nắm giữ nhiều, lợi nhuận không tương xứng - 1

PVN và Vinachem là 2 tập đoàn khủng hoảng nặng nề gần đây, cả về tài chính và nhân sự.

Hai tập đoàn đáng kể nhất được điểm tên về lỗ và giảm lợi nhuận mạnh là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất (Vinachem). PVN giảm đến 38%, đạt 26.517 tỷ đồng, với lý do giá dầu giảm, tỷ lệ dầu trang trải chi phí tại Liên doanh "Vietsovpetro" tăng từ 35% lên 45% áp dụng từ năm 2016 theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Nga dẫn đến lợi nhuận được chia từ Vietsovpetro giảm.

Vinachem có số lợi nhuận kế toán trước thuế âm 335 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lãi 2.134 tỷ đồng, do 4 công ty con bị lỗ: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem (các dự án, doanh nghiệp này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công thương).

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 của khối TĐ, TCT, công ty mẹ - con là 10%, giảm so với 12% của năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Tổng tài sản bình quân năm 2016 của khối TĐ, TCT, công ty mẹ - con là 4,5%, cũng giảm so với con số 5,5% của 2015.

Các doanh nghiệp đã nộp ngân sách 251.845 tỷ đồng (chiếm 24,82% tổng thu ngân sách 2016 là hơn 1 triệu tỷ đồng), giảm 7% so với 2015, trong đó khối các TĐ đạt 142.719 tỷ đồng, giảm 12%, chiếm 57% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp toàn quốc.

EVN “vươn lên” quán quân cả về doanh thu và... nợ

Trong khi các chỉ số sản xuất, kinh doanh giảm, tình hình nợ nần của các DNNN lại tăng. Theo báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT có tổng số nợ phải trả là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,22 lần (có 18 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần).

Trong số TĐ,TCT có nợ phải trả lớn, đứng đầu là EVN - nợ phải trả 486.981 tỷ đồng; “á quân” là PVN - nợ phải trả 338.586 tỷ đồng; tiếp theo là TKV - nợ phải trả 100.729 tỷ đồng và Viettel - nợ phải trả 75.111 tỷ đồng.

Báo cáo của các công ty mẹ, nợ nước ngoài là 265.298 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ - EVN nợ 206.324 tỷ đồng; công ty mẹ - PVN nợ 24.066 tỷ đồng; công ty mẹ - TKV nợ 19.276 tỷ đồng; công ty mẹ - Vinachem nợ 4.558 tỷ đồng.

Báo cáo cho biết, mặc dù theo quy định việc huy động vốn vượt quá mức 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng vẫn còn 18/91 TĐ, TCT có mức huy động vốn vượt quá mức trần huy động (3 lần vốn chủ sở hữu).

Theo báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT, công ty mô hình mẹ - con tổng doanh thu đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với mức thực hiện năm 2015. Báo cáo của công ty mẹ, tổng doanh thu đạt 842.456 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm 2015 nếu xét cùng số lượng TĐ, TCT hiện có năm 2016.

Những DNNN có mức doanh thu lớn tập trung chủ yếu ở khối TĐ, trong đó đứng đầu là EVN - 277.692 tỷ đồng; PVN - 249.402 tỷ đồng; Viettel - 225.800 tỷ đồng; TKV - 71.795 tỷ đồng; TĐ Bưu chính viễn thông VN - 53.138 tỷ đồng; Vinachem - 39.404 tỷ đồng; Mobifone - 38.419 tỷ đồng...

Một số TĐ, TCT có tổng doanh thu giảm “tương đối mạnh” (từ 20% trở lên) được điểm danh bao gồm: TCT XNK Tổng hợp Vạn Xuân giảm 53%; TCT Sông Đà giảm 41%; TCT Xăng dầu Quân đội giảm 42%; TCT Công nghiệp In – Bao bì Liksin giảm 41%; TCT Hợp tác Kinh tế giảm 25%; TCT Trực thăng VN giảm 35%; TCT Xây dựng Lũng Lô giảm 20%.

Về lỗ phát sinh, báo cáo nêu, Vinachem, Tổng Công ty Viễn thông toàn cầu Gtel, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Công ty TNHH 1TV Duyên Hải lỗ hơn 1.305 tỷ đồng. Báo cáo hợp nhất có 17 ĐT, TCT còn lỗ lũy kế 12.504 tỷ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 4.595 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Hân (CAND)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN