“Doanh nghiệp có quan hệ, chống lưng có lãi nhanh hơn..."
"Doanh nghiệp nào có quan hệ, có chống lưng thì doanh nghiệp đó có lãi nhanh hơn khi đầu tư vào khoa học công nghệ, nguồn nhân lực”, TS Lê Đăng Doanh nói tại diễn đàn “Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam”.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng 43,22% GDP cả nước (trong đó doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP, còn phần lớn là kinh tế hộ cá thể chiếm gần 32% GDP).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, trong tổng số 388.232 doanh nghiệp, có hơn 200.000 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng (chiếm 52,42%), chỉ có 5.161 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 200 tỉ đồng (chiếm 1,28%). Xét theo quy mô lao động, số lượng doanh nghiệp trong nước sử dụng dưới 9 lao động là 298.903 đơn vị (chiếm 66,84%), số doanh nghiệp sử dụng từ 200 lao động trở lên chỉ chiếm 1,15%.
TS. Lê Đăng Doanh
Nhìn về thực trạng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng đừng lạc quan tếu và không nên đưa ra bức tranh sai sự thật bởi thực tế có không ít doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn.
TS. Lê Đăng Doanh cho biết, kinh tế hộ gia đình sử dụng trên 10 lao động phải đăng ký nhưng có trường hợp ông biết, hộ kinh tế gia đình có hàng trăm lao động nhưng nói doanh nghiệp bé lắm, không đăng ký hóa ra họ quan hệ rất tốt với quận, phường. Họ chủ động toàn bộ chi phí chiêu đãi phường, quận do đó không nộp thuế.
“Chúng ta phải nhìn thấy bức tranh này, chuyển những hộ kinh doanh chủ yếu dựa vào mối quan hệ, dựa vào chuộc lợi”, TS. Doanh nói.
Bên cạnh đó, ông lưu ý, phải đặt kinh tế tư nhân trong giai đoạn cách mạng công nghiệp. Yếu tố, động lực phát triển của thế giới hiện nay là công nghệ chứ không phải đất đai, không nên đánh giá quá cao đất đai, coi đất đai là nguồn lực vô tận.
“Sáng tạo khoa học mới là điều quan trọng nhưng với thể chế hiện nay, doanh nghiệp nào có quan hệ, có chống lưng thì doanh nghiệp đó có lãi nhanh hơn khi đầu tư vào khoa học công nghệ, nguồn nhân lực”, ông Doanh chỉ ra.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải cải cách thể chế. Mặc dù thể chế có nhiều tiến bộ, cải cách nhưng cũng đang tồn tại nhiều khiếm khuyết như bội chi ngân sách lớn, thu chính thức lớn, bên cạnh đó là các DN kêu ca về chi phí không chính thức.
Lấy dẫn chứng về việc này, TS Lê Đăng Đăng Doanh đưa ra con số đáng báo động: “Một container từ Hồng Kông về Hải Phòng mất 50 USD, từ Nhật Bản về Hải Phòng mất 290 USD, từ Châu Âu về Hải Phòng mất 350 USD nhưng cũng container ấy từ Hải Phòng về Hà Nội có doanh nghiệp phải chi 475 USD. Một lái xe đã cho tôi biết đi qua đâu thì phải đưa cho ai bao nhiêu tiền. Họ còn nói với tôi “đi ban đêm, các anh ấy ngủ thì bọn em vẫn phải nộp phong bì đầy đủ, nếu phát hiện xe qua mà không có phong bì thì gay to”.
Ông Doanh cũng cho biết, theo điều tra của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp muốn kiếm 1 đồng lãi thì phải đút lót 0,72 – 1,2 đồng.
“Như thế thì doanh nghiệp làm sao lớn lên được, làm sao doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ được”, TS Doanh nhấn mạnh.
Ông cho biết, hiện nay trung bình doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào khoa học công nghệ chỉ 0,02% trong khi đó doanh nghiệp ở Hàn Quốc đã đầu tư 40%.
Theo ông, nếu doanh nghiệp không đầu tư vào vào khoa học công nghệ thì chỉ có chết, sắp tới đây làm sao cạnh tranh được.
“Khi thực hiện cam kết trong cộng đồng kinh tế ASEAN chúng ta đã thấm đòn, nhập siêu lớn, trong khi xuất sang ASEAN ngày càng kém, sản phẩm hàng Thái Lan tràn ngập. Do đó, phải đặt kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh. Muốn sống sót phải cạnh tranh, tìm cách vượt lên, phải có những doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn dân tộc, thay đổi chính sách dựa quá nhiều, ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp nước ngoài”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần phải bớt chi tiêu, công khai minh bạch quá trình bổ nhiệm cán bộ bởi nếu để tình trạng “thương mại hóa cán bộ” thì chẳng có ai có tâm trí, lòng dạ để phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước.
TS. Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, thách thức do cơ chế, chính sách hỗ trợ còn thiếu tính đồng bộ, hệ thống và đôi khi có sự xung đột. Một số chính sách thiếu quy định cụ thể áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách còn mang nặng tính khuyến khích và chung chung. Vì vậy tuy đứng đầu về số lượng nhưng kinh tế tư nhân có năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất không cao, quy mô doanh nghiệp nhỏ bé; trình độ công nghệ thấp…