Doanh nghiệp "bị ghét nhất Việt Nam" liệu có thành "hàng hot"?
Với thị phần cung cấp xăng dầu lớn nhất trên cả nước, dễ hiểu khi Petrolimex bị gắn với biệt danh "doanh nghiệp bị ghét nhất Việt Nam" mỗi khi có thông tin tăng giá xăng dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng là doanh nghiệp luôn gây dư luận trái chiều khi lúc thì công bố lãi khủng ngàn tỷ, lúc lại kêu không tăng giá xăng thì lỗ nặng.
Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần nhập khẩu và phân phối xăng dầu trong nước, sẽ được niêm yết cổ phiếu trên sàn Tp.HCM với mã chứng khoán PLX trong khoảng đầu tháng 4 tới.
Cổ phiếu có hot như giá xăng?
Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo trả lời Reuters rằng sẽ lên sàn trong khoảng thời gian từ 10-12/04, mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn cũng sẽ sát với giá trên thị trường OTC. Giá cổ phiếu PLX đã tăng mạnh từ khoảng 30.000 đồng lên khoảng 45.000 đồng/cổ phiếu trong 3 tháng qua. Theo đó, vốn hóa thị trường của Tập đoàn là 58.226 tỷ đồng, tương đương 2,554 tỷ USD.
Hai cổ đông lớn của Petrolimex bao gồm: Bộ Công Thương nắm 75,87% cổ phần; Đối tác Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy Corporation nắm 8% cổ phần trong tổng số 1.293,9 triệu cổ phiếu được niêm yết. Trong số 208,6 triệu cổ phần còn lại, Petrolimex nắm giữ 155 triệu là cổ phiếu quỹ. Do đó, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thực tế sau niêm yết chỉ là 53,6 triệu đơn vị, tương đương 4,14% tổng số lượng cổ phiếu được niêm yết.
Với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng như trên, so với mức 0,87% đối với Habeco và 3,4% đối với Sabeco, có thể thấy giá cổ phiếu sau niêm yết có thể sẽ có những biến động tương tự như diễn biến của hai cổ phiếu Habeco và Sabeco. Cụ thể là do thiếu người bán, đẩy giá cổ phiếu tăng trong những phiên đầu.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn – đơn vị tư vấn niêm yết cho Petrolimex- bày tỏ tự tin khi cho rằng PLX sẽ thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư, nhờ tiềm năng tăng trưởng cũng như quản trị tốt của doanh nghiệp.
Ngành nghề kinh doanh chính của Petrolimex là kinh doanh các sản phẩm xăng dầu và liên quan đến xăng dầu với 2.352 trạm xăng trên cả nước, đồng thời sở hữu hệ thống khoảng 2.800 đại lý xăng dầu. Petrolimex cũng tham gia lĩnh vực vận tải xăng dầu, bán lẻ khí hóa lỏng, kinh doanh sản phẩm hóa dầu và bảo hiểm.
Các công ty con hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến xăng dầu của Petrolimex đã niêm yết bao gồm: CTCP Vận tải xăng dầu đường thủy Petrolimex (PJT), CTCP Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO), CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP), CTCP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (PTS), CTCP Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội (PJC), Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), Tổng Công ty Gas Petrolimex (PGC), và Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI).
Theo chủ trương thoái vốn nhà nước tại các DNNN, Bộ Công thương có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại PLX xuống 65% sau niêm yết. Mặc dù ở thời điểm hiện tại chưa có thời gian thực hiện cũng như cách thức thoái vốn cụ thể. Với giả định Bộ Công thương sẽ giảm sở hữu thông qua phát hành sơ cấp giúp công ty tăng vốn, số lượng cổ phiếu phát hành sẽ là khoảng 215 triệu cổ phiếu.
Tháng 5/2016, Petrolimex đã bán 8% cổ phần, tương đương hơn 103,5 triệu cổ phiếu cho NĐT chiến lược nước ngoài là công ty JX Nippon Oil & Energy Việt Nam, với giá 39.017 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn điều lệ của Petrolimex tăng lên 11.388 tỷ đồng, tương đương 517 triệu USD. Số cổ phiếu này không được chuyển nhượng trong vòng 5 năm cho đến năm 2021.
Thế mạnh và rủi ro
Với thị phần cung cấp xăng dầu lớn nhất trên cả nước, dễ hiểu khi Petrolimex bị gắn với biệt danh "doanh nghiệp bị ghét nhất Việt Nam" mỗi khi có thông tin tăng giá xăng dầu.
Trong năm 2016, Petrolimex công bố doanh thu đạt 123,1 nghìn tỷ đồng (giảm 16,2%) và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 4,67 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 71,2%) với doanh số bán hàng đạt 11,55 triệu tấn xăng (tăng trưởng 10,3%). Thực tế, việc tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đột biến này là nhờ được hưởng lợi từ Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định về các hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cụ thể là cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tính giá bán trong nước theo sát giá dầu thế giới hơn là tuân thủ các quy định của Bộ Công thương như trước đó.
Mặc dù Nghị định trên đã có hiệu lực trong quý 4/2014, nhưng năm 2015 Bộ Công thương vẫn có những quy định theo từng giai đoạn về giá bán lẻ đối với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Trên thực tế, Bộ đã ban hành tổng cộng 20 hướng dẫn trong năm 2015. Trái lại, trong năm 2016, Bộ Công thương áp dụng chính sách quản lý linh hoạt hơn, khiến cho các DN xăng dầu trong đó có Petrolimex tạo nên sự khác biệt về lợi nhuận.
Petrolimex đặt kế hoạch doanh thu năm 2017 là 163,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 32,6%) và lợi nhuận sau thuế là 4,1 nghìn tỷ đồng (giảm 12,2% so với năm 2016).
Ưu thế của Petrolimex là có thể tận dụng thương hiệu và địa điểm kinh doanh để cải thiện doanh thu trong tương. Thương hiệu Petrolimex thuộc top 10 thương hiệu tại Việt Nam nhờ có nhiều cơ hội bán chéo hàng hóa/dịch vụ. Việc tối ưu hoá mạng lưới trạm xăng dầu nhằm tăng doanh thu trên 1 m2 sẽ thúc đẩy Petrolimex chuyển dịch sang bán lẻ hiện đại với tư cách đơn vị cho thuê mặt bằng hoặc vận hành bán lẻ, hoặc cả hai.
Ngoài ra, Petrolimex còn hưởng lợi từ những xu hướng cơ bản như công nghiệp hóa, tỷ lệ sở hữu ô tô tăng và kênh bán lẻ hiện đại gia tăng, giúp cho nhu cầu đối với sản phẩm hiện tại của Petrolimex tăng lên.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Petrolimex sẽ khó có được lợi nhuận tăng trưởng đột biến từ những thay đổi chính sách như trên. Rủi ro đối với Petrolimex là 90% chi phí của tập đoàn được tính theo đồng USD, trong khi đó gần 100% doanh thu theo VND, do vậy một thay đổi nhỏ của tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của tập đoàn.
Là DNNN, Petrolimex cũng không thoát khỏi cám dỗ đầu tư ngoài ngành như nhiều ông lớn khác. Năm 2016, Thanh tra Chính phủ kết luận Petrolimex đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số tiền 2.255 tỷ đồng, và có nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định.
Trong đó, tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex 171.3 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp) mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ. Tăng vốn đầu tư 51 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Petrolimex mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương; sử dụng vốn kinh doanh 231.9 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, không đúng với Nghị quyết của HĐQT.
Petrolimex còn ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư xây dựng các công trình, dự án 414.6 tỷ đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng. Chưa thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Một số khoản đầu tư của Petrolimex đem lại hiệu quả thấp như: Đầu tư 178.5 tỷ đồng vào CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex và CTCP Bất động sản Petrolimex kém hiệu quả; đầu tư 38.8 tỷ đồng vào CTCP Thương mại Tuyên Quang, Công ty TNHH Hóa chất PTN và CTCP Đầu tư và Phát triển Vân Phong từ năm 2010 đến thời điểm thanh tra không có cổ tức.