Đầu tư gì có lời năm 2018?
Tiếp nối chuỗi những phiên tăng điểm mạnh từ cuối năm 2017, chỉ số VN-Index đã chinh phục mốc 1.000 điểm...
Tiếp nối chuỗi những phiên tăng điểm mạnh từ cuối năm 2017, chỉ số VN-Index đã chinh phục mốc 1.000 điểm đúng như kỳ vọng của giới đầu tư. Đây là điểm sáng của thị trường tài chính đầu năm mới 2018 trong bối cảnh thị trường vàng và ngoại tệ không có nhiều biến động.
Chứng khoán sôi động, vượt mốc 1.000 điểm
Theo dõi thị trường chứng khoán ngay từ đầu phiên của ngày giao dịch đầu năm mới 2018, anh N.Đ.H. (mở tài khoản tại một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội) đã đặt lệnh mua 1.200 cổ phiếu (CP) VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và được khớp lệnh ở mức giá 42.700 đồng/CP. Anh H. cho biết, dù CP VPB đã tăng từ tuần trước song nhận định vẫn còn sóng tăng nên anh quyết định “vào tiền” ở CP này ngay trong ngày đầu năm. “Tính đến phiên này (3/1 - PV), giá CP chốt ở mức 43.350 đồng/CP sau hai phiên tăng liên tiếp, khoản đầu tư trong ngày đầu năm của tôi như vậy là cũng có chút lãi, mở hàng cho cả năm thuận lợi”, anh H. nói.
Với mức tăng đột biến 6,34% trong phiên đầu năm và phiên thứ hai thêm 1,5%, VPB là mã chứng khoán có mức tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài VPB, hàng loạt CP ngân hàng khác cũng theo đà tăng mạnh trong hai phiên đầu năm là: ACB, CTG, VCB, MBB, SHB… Nhóm CP bất động sản và xây dựng cũng nhận được sự lan tỏa khi nhà đầu tư đổ xô mua vào như: LDG, DXG, NVL, VIC, NLG, VCG, CTD, KBC…
Đáng chú ý, không phụ kỳ vọng của giới đầu tư, sau khi VN-Index vượt qua được 1.000 điểm lần thứ hai trong phiên và duy trì tới hết phiên, lượng giao dịch trên thị trường cũng lập tức tăng rất cao. Tổng giá trị khớp lệnh chỉ tính trong phiên sáng 3/1 đã lên tới 3.914,6 tỷ đồng, tăng 17% so với sáng 2/1 và là kỷ lục trong lịch sử các phiên sáng. Còn tính chung toàn phiên, giá trị giao dịch đạt 6.342,3 tỷ đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường các phiên đầu tuần này có thể tiếp tục diễn biến tích cực nhờ “hiệu ứng đầu năm mới”. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, năm 2018 sẽ là năm phát triển mạnh của thị trường chứng khoán khi bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực và khối ngoại sẽ còn đổ tiền mạnh vào thị trường Việt Nam.
Nối tiếp đà tăng năm 2017, thị trường chứng khoán được nhận định sẽ sớm tiếp cận mốc 1.000 điểm - Ảnh: Đ. Ngọc Thạch
Vàng chờ việc sửa đổi Nghị định 24
Thị trường vàng trong nước đầu năm mới tiếp tục duy trì trạng thái ổn định, tăng giá trong biên độ hẹp. Trong những ngày đầu năm mới, giá vàng SJC dao động trong khoảng 36,5-36,8 triệu đồng/lượng, tăng giảm 30-40 nghìn đồng/lượng. Trạng thái ổn định cũng đã được thị trường trong nước duy trì trong cả năm qua. Trong khi thị trường vàng thế giới tăng khoảng 9,3% năm 2017 thì giá vàng trong nước chỉ tăng khoảng 5%.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, từ nay tới Tết Nguyên đán khó có cơn sốt vàng, tuy nhiên thị trường vẫn có thể tăng giá nhẹ nhờ nhu cầu vàng trang sức tăng lên vào dịp cuối năm. Sau đó, thị trường vàng sẽ có “sóng” vào thời điểm lễ Thần Tài.
Nhận định thị trường vàng trong nước năm 2018, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể biến động nhiều hơn năm 2017 nhưng vẫn trong xu thế khá ổn định. Theo chuyên gia này, trừ khi chiến tranh trên thế giới bùng phát, thị trường vàng mới có đột biến mạnh mẽ.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, còn một yếu tố khác tác động tới thị trường năm 2018 là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nếu được thông qua và ban hành, Nhà nước sẽ độc quyền thực hiện hoạt động huy động vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản nhưng các điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức... sẽ được bãi bỏ. Khi thị trường vận hành tự do hơn, giá cả sẽ phản ánh cung - cầu thực trong nước cũng như tiệm cận với giá thế giới hơn.
Nguồn cung bất động sản sẽ tăng mạnh
Nhận định về thị trường bất động sản (BĐS) đầu năm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam đưa ra góc nhìn khá lạc quan. “Chúng tôi vừa hoàn thiện báo cáo thị trường BĐS quý IV/2017. Kết quả thống kê cho thấy, lượng giao dịch tăng mạnh so với quý III và cao nhất so với cả năm. Đáng chú ý, hiện tượng này kéo dài trong thời điểm cuối năm ngoái và chắc chắn sẽ vẫn còn sức lan tỏa sang đầu năm 2018. Thực tế, theo âm lịch, đây vẫn là thời điểm cuối năm, cũng là thời gian các hoạt động thanh khoản đang hoạt động mạnh, người Việt hay có thói quen dồn các khoản thu về đầu tư BĐS”, ông Đính phân tích và cho rằng, thị trường BĐS 2018 sẽ chứng kiến nguồn cung tăng mạnh. Mặt khác, cơ cấu trong các dòng sản phẩm BĐS được hài hòa hơn. Cụ thể, nguồn cung của dòng sản phẩm trung cấp sẽ lớn hơn dòng cao cấp nhằm đáp ứng phù hợp với nhu cầu đại đa số của thị trường. “Trong bối cảnh nền kinh tế ổn định, tăng trưởng khá tốt, sức cầu cũng tăng theo. Đặc biệt, nguồn cung mạnh cũng khiến tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Vì vậy, giá BĐS cũng không biến đổi nhiều”, ông Đính cho biết.
Tỷ giá ngược dòng, giảm mạnh Trái ngược với diễn biến trên thị trường chứng khoán, thị trường ngoại tệ lại hết sức yên ả. Trong ngày đầu năm mới 2018, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố giảm tổng cộng 20 đồng/USD trong hai ngày 2 và 3/1 về 22.045 đồng/USD. Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD cũng được điều chỉnh: Vietcombank niêm yết 22.675 - 22.745 đồng/USD, tăng 10 đồng sau khi giảm đúng 10 đồng ngày 2/1; Vietinbank cũng tăng 5 đồng sau khi giảm cùng mức này về 22.675 - 22.744 đồng/USD; BIDV tăng 10 đồng lên 22.675 - 22.745 đồng/USD sau khi giảm 15 đồng phiên trước... Trong năm qua, thị trường ngoại tệ được đánh giá là khá ổn định nhờ chính sách tỷ giá trung tâm và Ngân hàng Nhà nước mua được nhiều ngoại tệ. Trong năm 2017, Quỹ Dự trữ ngoại hối đã mua vào khoảng 13 tỷ USD, đưa tổng dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức ở mức xấp xỉ 52 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay. Hoàng Ngân |