Đấu giá số điện thoại, biển số xe đẹp: Nên sung quỹ công ích

Sự kiện: Tin ngắn

iệc đặt vấn đề về dự thảo đấu giá biển số xe đẹp sung công quỹ và làm những việc thiện nguyện có ích đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Không chỉ cơ quan quản lý mà xã hội, người dân đều ủng hộ.

Đấu giá số điện thoại, biển số xe đẹp: Nên sung quỹ công ích - 1

Nhiều ý kiến cho rằng tiền thu được từ đấu giá biển số xe đẹp nên dùng làm từ thiện (ảnh minh họa)

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, số điện thoại, biển số xe đẹp cũng là tài sản, và phải xác lập quyền của nhà nước với tài sản đó. Theo ông Thắng, dự thảo Luật Tài sản công (do Bộ Tài chính xây dựng) có chia tài sản công thành 5 nhóm. Sau khi được Quốc hội thông qua luật, Chính phủ giao, Bộ Tài chính mới cụ thể hóa trong các nhóm tài sản công đó gồm những tài sản gì và hoạch định cơ chế quản lý số tài sản đó.

Trao đổi với Tiền Phong, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng, nên đưa số điện thoại, biển số xe đẹp vào diện tài sản nhà nước để quản lý và bán đấu giá công khai. Vì theo ông, dù số điện thoại và biển số xe thế nào là “đẹp” vẫn chưa rõ ràng, nhưng lâu nay vẫn diễn ra tình trạng mua bán số đẹp. 

“Thậm chí, do lâu nay không được quản lý, nên hoạt động mua bán số đẹp trở thành miếng đất cho tham nhũng, lợi dụng để trục lợi cá nhân”, ông Thái nói. Thay vì để như vậy, ông Thái đồng thuận nên đấu giá số điện thoại và biển số xe đẹp. Tuy vậy, việc đấu giá phải được làm công khai, có hội đồng định giá theo giá thị trường không phải vài người tự định giá để bán cho nhau, nếu không lại mua đi bán lại, thành chuyện tham nhũng.

Không nên đưa vào ngân sách Nhà nước

Về khoản tiền thu được từ bán đấu giá số điện thoại và biển số xe đẹp, theo vị chuyên gia này chỉ nên dùng chi cho mục đích an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... “Không nên hòa chung khoản này vào ngân sách, rồi sau đó chi cho các nhiệm vụ khác, như dùng xây trụ sở... Luật cần ghi rõ tiền thu được sẽ dùng vào mục tiêu gì, không thể mập mờ, chung chung”, ông Thái nói. Như câu chuyện ngân sách trung ương phân bổ về địa phương 2% cho khoa học công nghệ, 1% cho môi trường, nhưng địa phương được quyền quyết định chi nên nói là những nhiệm vụ đó chưa cấp thiết, mượn tạm những khoản đó dùng chi cho việc khác.

Với những số không được xem là đẹp, nhưng người dùng có nhu cầu được tự chọn số, như số trùng ngày sinh, ngày kỷ niệm của bản thân... theo ông Thái, cũng cho phép được chọn số nhưng phải trả phí. Số phí thu được cũng được dùng như tiền đấu giá số đẹp.

Theo ông Trần Đức Thắng, tham khảo kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, nơi cũng bán đấu giá biển số xe đẹp, cá nhân muốn có biển số dễ nhớ, trùng với ngày sinh hay một ngày kỷ niệm nào đó thì được chọn nhưng phải trả cho cơ quan cấp biển số một khoản tiền. Các nước không đưa số tiền bán đấu giá biển số đẹp vào ngân sách nhà nước, mà dùng làm từ thiện hay thực hiện công tác xã hội. Nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có quy định nào về đấu giá hay thu phí với số điện thoại, biển số xe đẹp, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, để sau khi Luật Quản lý tài sản công được ban hành sẽ tính tới câu chuyện này. “Tôi thấy các nước làm như trên rất phù hợp, tiền thu được dùng làm từ thiện hay hoạt động xã hội, không nên đưa vào ngân sách nhà nước”, ông Thắng nói.

Riêng với số điện thoại đẹp, theo ông Thắng, hiện kho số do các doanh nghiệp viễn thông quản lý và khai thác. Nhưng việc cấp số do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, nên vẫn do nhà nước quản lý.

Kinh nghiệm một số nước, số tiền thu được từ bán đấu giá số điện thoại, biển số xe đẹp được đưa vào các quỹ công ích, dùng làm từ thiện, không đưa vào ngân sách nhà nước. Các chuyên gia và nhà quản lý cũng nghiêng về phương án nên đấu giá số điện thoại, biển số xe đẹp và sung quỹ công ích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN