Đau đầu vì...dư tiền
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đang tiếp tục giảm.
Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, từ nhiều tuần nay, mạch giảm của lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tính riêng từ ngày 29-8 đến 2-9, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục theo chiều hướng giảm về mức thấp nhất trong lịch sử: Dưới 0,8%/năm ở các kỳ hạn. Trong khi hồi đầu năm 2016, lãi suất liên ngân hàng dao động quanh mốc 5%/năm. tính đến cuối tháng 8, lượng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước đang lưu hành đã lên mức khoảng 58.000 tỉ đồng.
Những chỉ số trên cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản tại hệ thống của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lên.
Tiền loanh quanh trong ngân hàng
Điều đáng nói là ngân hàng dư tiền nhưng người kinh doanh lại đang thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết tính đến cuối tháng 8-2016, vốn huy động từ hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng khoảng 11% so với đầu năm trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại, ước chỉ khoảng 9,2%.
Bình luận về con số này, TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định: “Đúng là tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào. Điều đó chứng tỏ đầu ra tín dụng đang bị co hẹp lại, tức vốn dư thừa, huy động được nhiều tiền nhưng cho vay lại ít”.
Lãi suất cho vay vẫn còn cao trên thị trường liên ngân hàng. Ảnh: HTD
Chính vì nghẽn đầu ra nên nhiều ngân hàng bỏ tiền vào trái phiếu chính phủ hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo an toàn vốn. Nói cách khác một lượng tiền không nhỏ chỉ loanh quanh chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác mà không “chảy” vào sản xuất, kinh doanh, không đi vào nền kinh tế thực.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM thừa nhận đang đau đầu về chuyện tìm khách hàng để cho vay tiền. Bởi nhóm doanh nghiệp (DN) hoạt động tốt, có tiềm lực tài chính lành mạnh thì được các ngân hàng săn đón với lãi suất cho vay thấp nhưng nhóm này lại không có nhu cầu vốn nhiều. Còn nhóm DN nhỏ, kinh doanh không mấy sáng sủa, không có tài sản thế chấp thì đa số các ngân hàng e ngại.
“Tìm kiếm khách hàng để cho vay trong thời buổi cạnh tranh này vô cùng khó. Những khách hàng tiềm năng, tài sản đảm bảo tốt, kế hoạch kinh doanh ấn tượng thì họ luôn muốn được hưởng lãi suất ưu đãi. Nếu mình không đáp ứng thì họ chạy sang ngân hàng khác ngay. Ngay cả những DN vừa và nhỏ mà có dự án đầu tư tốt cũng thích chọn những ngân hàng lớn.
Chính vì vậy để tăng trưởng dư nợ tín dụng, ngoài việc mua trái phiếu chính phủ, đầu tư tài chính, ngân hàng phải liên tiếp đưa ra các gói khuyến mãi, chương trình lãi suất ưu đãi cho vay mua xe hơi, cho vay tiêu dùng” - vị tổng giám đốc này nói.
Đây không phải là ngân hàng duy nhất than khó vì thừa tiền. Theo báo cáo tài chính hợp nhất sáu tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Eximbank bị âm đến 4,62% so với đầu năm. Cũng trong thời gian trên, tăng trưởng tín dụng của SHB chỉ tăng xấp xỉ 6,51%, Sacombank chỉ tăng 7,27%.
Lãi suất cho vay vẫn cao
Mặc dù lãi suất tín phiếu và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cùng giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu giảm để người vay dễ thở hơn. Trong khi thông thường khi vốn vào nhiều, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay để vốn không ứ đọng.
Lý giải nghịch lý này, TS Bùi Quang Tín nói: “Lý do chính khiến hệ thống ngân hàng chưa thể giảm lãi suất cho vay do việc xử lý nợ xấu chậm chạp hoặc nợ xấu gia tăng khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng”.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhấn mạnh việc giảm lãi suất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nợ xấu, lãi suất huy động, chi phí hoạt động... Ví dụ, lãi suất huy động đầu vào trong suốt thời gian vừa qua gần như không giảm mà còn có xu hướng tăng lên nên khó giảm lãi suất đầu ra.
Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, nhận định: “Với mặt bằng lãi suất và tình hình thị trường hiện nay, trong vòng 1-2 tháng tới lãi suất có thể giảm một ít hoặc ít nhất cũng là giữ ổn định. Nhưng nếu Chính phủ đẩy mạnh chi tiêu, kích thích tiêu dùng thì lãi suất tháng có thể theo chiều hướng ổn định và tăng nhẹ”.
Như vậy, DN sẽ tiếp tục phải vay vốn với lãi suất cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tuy vậy, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố thuận lợi. Chẳng hạn, thanh khoản liên ngân hàng dồi dào, áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỉ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định.
“Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm” - ủy ban này nhận định.
Thừa tiền nhưng vay không dễ Ông Lý Thành Sinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May thêu Minh Long Hưng, cho hay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay trung và dài hạn tại một số ngân hàng có giảm nhẹ 0,5%-1%. Hiện lãi suất cho vay trung và dài hạn có tài sản đảm bảo tốt đang ở mức 12%-15%/năm. Tuy vậy, ngay cả khi DN thế chấp tài sản đảm bảo là bất động sản thì ngân hàng cũng cho vay rất ít, thường chỉ bằng khoảng 40% so với giá trị thực của tài sản đảm bảo. Lý do chủ yếu do khung giá đất của TP hiện vẫn ở mức rất thấp, thấp hơn một nửa so với giá thị trường. Chẳng hạn, DN mua miếng đất trị giá 1 tỉ đồng nhưng khi đem thế chấp ngân hàng chỉ cho vay được khoảng 400 triệu đồng. “Ngân hàng thừa tiền nhưng thực tế DN muốn vay không dễ. Bởi có khi tài sản đảm bảo thì DN đã thế chấp hết rồi, còn đâu nữa mà thế chấp để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đó là chưa kể phương thức thế chấp bằng máy móc, thiết bị… lại không được ngân hàng lựa chọn” - ông Sinh nói. Một số DN khác cũng than thở họ cảm thấy mệt mỏi khi phải tìm vốn từ bạn bè, người thân, thậm chí là tín dụng đen thay vì gõ cửa ngân hàng. Bất lợi trong cạnh tranh Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhiều ý kiến nhận xét lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn quá cao so với các nước trên thế giới khiến DN thêm bất lợi trong cạnh tranh. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. |