Có thể bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh gas
Nỗi lo về vấn đề số lượng vỏ bình, diện tích bồn chứa, dự trữ lưu thông… của các doanh nghiệp kinh doanh gas quy mô nhỏ và vừa có thể sớm được tháo gỡ.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí để trình Chính phủ.
Bỏ nhiều điều kiện kinh doanh
Trong tờ trình kèm theo dự thảo, Bộ Công Thương cho rằng việc quy định điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 đối với LPG (khí thiên nhiên hóa lỏng), 60.000 m3 đối với LNG, có số lượng chai LPG với tổng dung tích chứa tối thiểu 3,93 triệu lít... tại Nghị định 19/2016 là quá lớn. “Các điều kiện kinh doanh trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tham gia thị trường. Các DN này muốn tiếp tục kinh doanh buộc phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng” - tờ trình nêu nhận định. Do đó, với tinh thần nhà nước không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN, đặc biệt không quy định điều kiện liên quan đến quy mô DN, Bộ Công Thương đề xuất bỏ các điều kiện về quy mô kinh doanh như cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu, số lượng chai chứa LPG.
Hình minh họa
Nội dung thứ hai được bộ đề xuất bỏ là yêu cầu DN phải sở hữu cầu cảng, trạm nạp, trạm cấp khí bởi quy định này không chỉ chưa phù hợp với tinh thần của Luật DN mà còn gây khó khăn và lãng phí cho DN. DN hoàn toàn có thể tự chủ và đi thuê cầu cảng đã có sẵn để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình được thuận lợi, không nhất thiết phải có cầu cảng. Quy định tạo sự phân biệt và gây khó khăn cho các trạm nạp, cấp khí đã tồn tại độc lập và họ có nguy cơ phải đóng cửa hoặc bán lại trạm cho các DN xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối khí.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hướng không quy định nhiều tầng nấc như trước mà tinh giản tối đa các loại hình thương nhân kinh doanh khí. Khi đó, sẽ chỉ còn lại các loại hình thương nhân sau: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; sản xuất chế biến khí; kinh doanh mua bán khí và cửa hàng bán lẻ LPG chai. Đồng thời, đề xuất bỏ quy định DN kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối và phải dự trữ lưu thông mặt hàng khí.
“Ông lớn” buồn?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngay sau khi bản dự thảo nghị định được đưa ra, ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Công ty Hoàng Ân, cho rằng các đề xuất mới của Bộ Công Thương có điểm phù hợp nhưng cũng có điểm không phù hợp. “Quy định về số lượng vỏ bình hay yêu cầu bồn chứa là buộc phải có. Khi chưa áp dụng điều kiện này, những trạm chiết lậu nhiều như nấm vậy, chịu không nổi. Cứ nói là cho xây, còn chuyện bán lậu có cơ quan bảo vệ pháp luật người ta lo nhưng mà chẳng lo nổi” - ông Nhân nêu ý kiến. Giải thích cho điều này, ông Nhân cho rằng trạm chiết nào có dưới 100.000 vỏ, tức một tháng bán dưới 300 tấn. Với mức bán hàng như thế thì nhiều khả năng là buôn lậu mới sống được, còn không chắc chắn sẽ không tồn tại được bởi chi phí cao.
Ở góc độ bảo vệ DN nhỏ và vừa, giới chuyên gia đánh giá cao sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá dự thảo đáp ứng đúng mong muốn của DN khi đã bỏ đi những quy định trái với Luật Đầu tư 2014. Theo ông, DN làm ăn đàng hoàng sẽ tồn tại, không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ và cũng không thể lấy điều kiện về quy mô để đánh giá chất lượng. Đại diện một DN kinh doanh gas nhỏ chia sẻ từng nghĩ đến việc sáp nhập hoặc bán lại công ty do sợ không đáp ứng được điều kiện. Nếu các đề xuất trên được thông qua, DN nhỏ có thể được cứu.
Góp ý thêm, ông Nhân cho rằng bản thân Nghị định 19/2016 đã tháo gỡ tương đối nhiều điều kiện so với Nghị định 107/2009 trước đó. Đến giờ, chỉ cần nới lỏng thêm quy định về các mặt hàng để thị trường lựa chọn và đào thải, nhà nước không cần can thiệp quá sâu nữa. Ngoài ra, ông Nhân cũng nhất trí hoạt động dự trữ lưu thông không phải việc cơ quan nhà nước phải lo mà DN sẽ tự quyết tùy theo quy luật và nhu cầu của thị trường. Theo đó, DN bắt buộc tồn trữ ở mức phù hợp, không thì sẽ mất khách hàng.