Chưa có tiền lệ đấu giá máy bay vô chủ
Dự kiến, tốn kém nhất trong việc thanh lý máy bay Boeing 727-200 bỏ rơi 10 năm ở sân bay quốc tế Nội Bài là chi phí vận chuyển vì nó nặng tới 80 tấn.
Chiếc máy bay Boeing 727-200 bỏ rơi ở sân bay Nội Bài không phải máy bay vô chủ đầu tiên ở Việt Nam nhưng lại là tài sản công đầu tiên được tổ chức đấu giá, thanh lý theo quy định của pháp luật.
Ẩn số thẩm định giá
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho biết ông có nghe nói đến việc chuẩn bị thanh lý máy bay Boeing 727-200 vô chủ ở sân bay Nội Bài. "Từ trước đến nay, chưa có máy bay thương mại nào được đấu giá, thanh lý nên chưa có ví dụ để nói đến. Nhưng đấu giá bất kỳ tài sản nào cũng phải tuân thủ quy định thẩm định giá" - ông Thỏa nói.
Cũng theo ông Thỏa, định giá máy bay có đặc điểm riêng, không phải như nhóm tài sản là phương tiện giao thông hay máy móc, thiết bị khác. Quan trọng là thẩm định viên phải đến trực tiếp khảo sát tài sản, xem tình trạng ra sao, đánh giá từ chi tiết đến tổng thể xem còn bảo đảm hoạt động được không, từ đó đưa ra phương pháp đánh giá. Vì chiếc Boeing 727-200 đã bị bỏ rơi 10 năm nên phải đánh giá xem máy bay còn hoạt động được hay không, tình trạng pháp lý của máy bay, đặc điểm kinh tế kỹ thuật ra sao để có cách tiếp cận phù hợp.
Chiếc Boeing727-200 bị bỏ rơi tại sân bay quốc tế Nội Bài 10 năm, hiện đang đỗ tại vị trí khẩn nguy cuối đường lăn S1A. Ảnh: Nguyễn Hà
Có 2 phương pháp thẩm định giá đối với chiếc Boieng 727 là cách tiếp cận chi phí và cách tiếp cận thị trường. Cách tiếp cận thị trường là so sánh máy bay đó với chiếc cùng loại, cùng đời, cùng tuổi đang hoạt động. Nếu tình trạng chiếc Boeing 727-200 còn tốt hơn chiếc so sánh thì cộng vào, còn kém hơn thì trừ đi. Cách tiếp cận chi phí là tính theo giá trị máy bay sản xuất mới 100% và trừ hao mòn của máy bay cần định giá. Tùy từng trường hợp, thẩm định viên cũng có thể áp dụng cùng lúc cả 2 phương pháp nêu trên để kiểm tra chéo.
Trường hợp máy bay Boeing 727 không còn được sử dụng trên thế giới, chiếc máy bay ở Nội Bài trở thành độc nhất thì thẩm định viên phải tiếp cận theo giá trị phi thị trường.
Bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn chung về định giá máy móc, thiết bị khác, máy bay là tài sản có đặc điểm kinh tế kỹ thuật riêng, còn phải chú ý đến các yếu tố công suất, tiêu hao nhiên liệu, tuổi thọ...
Trên cơ sở trực tiếp quan sát, thẩm định viên sẽ đưa ra chứng thư thẩm định giá đúng với hiện trạng của tài sản. Đây là cơ sở để chủ sở hữu máy bay đưa ra giá đấu nhằm thanh lý máy bay Boeing 727 và hoàn toàn chịu trách nhiệm về mức giá khởi điểm được công bố.
Ai có nhu cầu mua?
Vì đây là lần đầu tiên tổ chức thanh lý máy bay cũ nên các bên liên quan cũng chưa lường được sức mua của thị trường. Từ trước đến nay, tại Việt Nam chỉ có thị trường mua bán xác máy bay quân sự cũ hỏng, không còn nguyên vẹn như tại làng Quan Độ (Bắc Ninh). Mục đích mua chủ yếu là để lấy phế liệu kim loại, còn linh phụ kiện máy bay gần như không có đầu ra và cũng không còn đủ tiêu chuẩn an toàn để được lưu hành. Còn đối với máy bay Boeing 727 vô chủ ở Nội Bài, đến nay chưa thể quyết định đấu giá nguyên chiếc toàn bộ tài sản hay đấu giá từng phần theo giá trị phụ tùng máy bay, chỉ khi có kết quả thẩm định giá mới hé lộ các khả năng nói trên. Boeing 727-200 không còn được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ở trong nước, tất cả hãng hàng không của Việt Nam đều không khai thác dòng máy bay Boeing 727 nên khả năng mua làm phụ tùng thay thế là rất thấp. Tuy nhiên, trong đời sống, chiếc máy bay cũ có khả năng trở thành ngôi nhà, quán cà phê, văn phòng...
Một chuyên gia trong ngành hàng không cho biết cho dù có đấu giá thành công hay không thì tốn kém nhất trong thương vụ này là chi phí vận chuyển. Theo tài liệu kỹ thuật, chiếc Boeing 727-200 nằm ở Nội Bài nặng 80 tấn nên chi phí di dời với điều kiện giữ nguyên trạng là khá lớn.
Tháng 2-2017, Cục Hàng không Việt Nam đã có phương án di dời chiếc Boeing 727 đang đỗ tại vị trí cuối đường lăn S1A ra bãi đất cách đó vài trăm mét để trả lại mặt bằng phục vụ cho phương án khẩn nguy. Đường lăn S1A nằm trong phạm vi canh gác an ninh và thường được sử dụng bố trí linh hoạt cho máy bay đến dự hội nghị quốc tế lớn. Muốn di dời máy bay phải thực hiện đổ đường, đặt con lăn, dùng các loại kích 50 tấn và tời điện 5 tấn để di chuyển máy bay đến vị trí mới. Chiếc Boeing 727-200 nặng 80 tấn, cần vị trí đỗ rộng 55 m x 40 m trên nền đất cấp phối đá dăm dày 30 cm, đầm chặt và cào bóc nền nguyên thổ dày 30 cm để chống lún. Ước tính quá trình di chuyển này tốn kém cả tỉ đồng. Do đó phương án chuyển máy bay ra vị trí mới đã không được thực hiện, chờ đến khi có kết quả đấu giá, thanh lý mới thực hiện để tiết giảm chi phí liên quan.
Trong trường hợp đấu giá thành công, người mua sẽ phải chịu toàn bộ chi phí di chuyển Boeing 727. Nếu tháo dỡ các bộ phận, việc di chuyển sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn. Nhưng nếu muốn giữ nguyên trạng và kéo một chiếc máy bay 80 tấn ra khỏi sân bay thì gần như là bất khả thi vì phải cần đến các thiết bị giao thông siêu trường, siêu trọng với hàng loạt giấy phép và chi phí lớn chưa thể tính toán được.
Chi phí bãi đỗ gần 13 tỉ đồng Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA - Campuchia) đã bỏ chiếc Boeing 727-200 ở sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5-2007, sau một chuyến bay thường lệ đến Hà Nội và bị trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng. Sau khi Cục Hàng không Việt Nam làm các thủ tục thông báo tìm chủ sở hữu của chiếc Boeing 727 nhưng không có người nhận nên trở thành tài sản của nhà nước. Từ thời điểm RKA thanh toán chi phí khai thác, bãi đỗ lần cuối, đến cuối năm 2014 (thời điểm xác nhận Boeing 727-200 là máy bay vô chủ), chi phí bãi đỗ của chiếc máy bay này đã lên đến hơn 605.800 USD, tương đương gần 13 tỉ đồng. |
Theo các chuyên gia hàng không, chiếc Boeing 727 bị “bỏ rơi” 10 năm ở Nội Bài không thể phục hồi để cất cánh trở lại.