Chưa chốt giá đấu giá thoái vốn Vinamilk: Đối tác nặng ký F&N vẫn im lặng
Hiện tại SCIC cũng cho biết chưa nhận được đề nghị của tập đoàn F&N - nhà đầu tư nước ngoài duy nhất mua cổ phần Vinamilk trong đợt thoái vốn trước.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết tại buổi họp báo công bố thông tin tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vinamilk. Theo đó, SCIC sẽ bán tiếp 3,33% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - MCK VNM) dự kiến vào ngày 10/11 sắp tới.
Phía SCIC cho biết chưa nhận được lời đề nghị của tập đoàn F&N. Trong khi đó, tại lần bán vốn cách đây 10 tháng, chỉ có hai nhà đầu tư nước ngoài đều trực thuộc tập đoàn này đăng ký mua cổ phiếu Vinamilk. Khi đó, mục tiêu bán vốn của Vinamilk chỉ đạt 60%.
Theo ông Chi, do phương pháp dựng sổ chưa được pháp luật cho phép nên SCIC đã lựa chọn chào bán cạnh tranh. Lần chào bán này, SCIC sẽ không giới hạn tỷ lệ của một nhà đầu tư tham gia mua.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC
Ông Chi cho biết, hiện chưa chốt giá khởi điểm khi đưa ra quy chế bán đấu giá. Tuy nhiên, giá khởi điểm sẽ SCIC được cập nhật, tính toán với đơn vị tư vấn. Dự kiến giá khởi điểm sẽ được công bố sát ngày chào bán (cách từ 7-10 ngày). Giá khởi điểm sẽ được tính gần với giá thị trường. "Chúng ta vẫn phụ thuộc vào cung cầu thị trường để quyết định mức giá khởi điểm. Vì vậy giá bán phụ thuộc vào thị trường tại thời điểm bán", ông Chi chia sẻ.
Liên danh tư vấn lần này chỉ gồm Ngân hàng Thụy Sỹ UBS và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Trong lần tư vấn trước, ngoài SSI còn có sự tham gia tư vấn của Morgan Stanley, Vinacapital.
Phó Tổng giám đốc SCIC, ông Nguyễn Chí Thành hiện còn 3 cụm vấn đề vướng mắc khi thoái vốn tại Vinamilk.
Thứ nhất, liên quan đến đặt cọc ký quỹ, các nhà đầu tư mong muốn đặt cọc bằng ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá. Theo đó, NHNN đã đồng ý SCIC được nhận đặt cọc từ nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ trong lần bán vốn Vinamilk. Quy trình mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện đặt theo công văn hướng dẫn số 974.
Thứ hai, liên quan đến mã giao dịch chứng khoán SCIC cũng đã báo cáo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bộ Tài chính đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép cho nợ xin cấp thủ tục mã giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, nhà đầu tư phải hoàn thiện mã này.
Thứ ba là quy định về chào mua công khai, yêu cầu phải báo cáo quá trình thực hiện chào mua với ban tổ chức và công khai trước 7 ngày về nhu cầu mua. Đối với doanh nghiệp niêm yết khác khi bán vốn được miễn chào mua công khai nhưng phải công bố thông tin với ban chào bán và công bố trước 7 ngày về nhu cầu mua.
Ông Nguyễn Đức Chi chia sẻ, tại buổi roadshow ở Singapore có 24 nhà đầu tư quan tâm, Hong Kông có 11 nhà đầu tư. Tổng cộng có 35 nhà đầu tư quan tâm tại hai thị trường này, chủ yếu nhờ các cuộc gặp mặt riêng lẻ. Đây hầu hết là nhà đầu tư mới và quỹ đầu tư lớn trên thế giới.
Buổi roadshow tại TP HCM sẽ được tổ chức tại HSX vào ngày 18/10 tới đây. SCIC sẽ công bố thông tin và dự thảo quy chế về bán cổ phần tại Vinamilk muộn nhất vào ngày 21/10. Việc mở bản chính thức sẽ được tổ chức vào ngày 10/11.