Chi phí “bôi trơn” vẫn tăng

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế có dấu hiệu gia tăng so với năm 2014, đặc biệt ở khâu kiểm tra, thanh tra thuế. Doanh nghiệp làm đúng vẫn phải chi tiền “bôi trơn” vì sợ sẽ bị bắt bẻ.

Ngày 7-3, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo công bố kết quả khảo sát đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) năm 2016. Đây là cuộc khảo sát lần thứ 2 được ngành thuế mời các tổ chức độc lập thực hiện và công khai kết quả để làm thước đo mức độ cải cách.

Cải cách nhiều nhưng...

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết khảo sát năm nay tập trung điều tra chi tiết để làm rõ một số điểm nóng trong dư luận như thanh - kiểm tra thuế; đánh giá sự phục vụ của cán bộ, công chức thuế; việc chi trả chi phí không chính thức.

Kết quả điều tra cho thấy về cơ bản, ngành thuế đã có những tiến bộ vượt bậc khi ứng dụng rất cao thuế và nộp thuế điện tử để rút ngắn đáng kể thời gian làm thủ tục thuế. Điểm số trung bình đạt được trong cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2016 là 75/100 điểm, có cải thiện so với 71 điểm của năm 2014.

Chi phí “bôi trơn” vẫn tăng - 1

Doanh nghiệp làm thủ tục quyết toán thuế năm 2016 tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn lưu ý kết quả điều tra lại cho thấy chi phí không chính thức có dấu hiệu tăng nhẹ từ 32% tại thời điểm điều tra năm 2014 lên 34%. Chi phí “bôi trơn” phát sinh chủ yếu trong khâu thanh - kiểm tra thuế. Một số DN cho biết dù làm đúng nhưng vẫn phải có khoản phí “bôi trơn” vì sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh - kiểm tra thuế. Trong số này, 39% DN cho biết nếu không bôi trơn có thể bị phân biệt đối xử, DN có doanh thu càng cao thì mức độ lo ngại bị phân biệt đối xử càng cao. Ví dụ, DN sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, kéo dài thời gian làm thủ tục, gặp khó trong lần thanh - kiểm tra sau... Đáng lưu ý, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đối tượng phải trả chi phí bôi trơn nhiều nhất so với DN nhà nước và DN dân doanh. “DN FDI cũng đánh giá thấp nhất về thái độ của công chức thuế. Đây là vấn đề đáng lưu ý vì mức độ cung cấp dịch vụ thuế chuyên nghiệp là yếu tố để thu hút FDI trong thời gian tới” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Về thái độ phục vụ của công chức thuế, DN đánh giá tính chuyên nghiệp của công chức thuế đã được nâng cao. Tuy nhiên, DN vẫn phàn nàn ở khâu làm thủ tục, nhiều lúc có thắc mắc nhỏ nhưng cơ quan thuế không giải đáp qua điện thoại mà yêu cầu phải trực tiếp đến cơ quan thuế. Còn ở khâu thanh - kiểm tra, cán bộ thuế chủ yếu chỉ săm soi tìm lỗi của DN để xử phạt.

Chấm dứt thanh - kiểm tra tràn lan

Kết quả khảo sát cũng cho thấy mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế (chiếm 81%). Ví dụ phải quy định cụ thể thời gian nhận/trả lời hồ sơ và chấn chỉnh lại bộ phận nhận hồ sơ hoàn thuế cũng như cán bộ kiểm tra vì có tình trạng cán bộ tiếp nhận hồ sơ cố tình không đóng dấu ngày nhận lên hồ sơ, gây khó cho DN trong việc xác định thời gian hoàn thuế.

Thời gian hoàn thuế cũng rất lâu, trung bình 7 ngày kể từ khi có quyết định hoàn thuế, tiền mới về tài khoản DN, cá biệt có nhiều trường hợp lên đến 30 ngày, thậm chí mất cả năm.

Kiến nghị 12 giải pháp đến cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh do chính sách thuế có nhiều thay đổi, gây khó khăn về khả năng tuân thủ cho DN nên ngành thuế cần đồng hành, hỗ trợ, đào tạo và tập huấn thường xuyên để DN cập nhật. Khi DN làm chưa đúng, cơ quan thuế chỉ nên phạt sau 3 lần “tuýt còi” thay vì phạt ngay.

Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, chỉ ra những nút thắt trong ngành thuế như chính sách thuế có nhiều điểm chưa rõ ràng, đặc biệt là chính sách thuế thu nhập DN, kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và ngành liên quan chưa toàn diện nên DN đến một cửa mà vẫn chưa thông... Do đó, nhiều DN nước ngoài thường đánh giá các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia có chính sách thuế đơn giản và dễ thực hiện hơn Việt Nam. Ông Danh đề xuất cần tập trung cải cách chính sách thuế và tăng cường dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể là hệ thống mẫu biểu phải tiếp tục được cắt giảm về số lượng và đơn giản về nội dung, đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến cho toàn bộ các thủ tục hành chính thuế.

Tiếp thu kiến nghị của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định sẽ có chuẩn hóa các tờ khai, nội dung cũng như quy trình quản lý hoàn thuế. Nếu có phát sinh, cơ quan thuế phải thông báo ngay cho DN, chấm dứt việc đã có quyết định mà 7 ngày và cá biệt trên 30 ngày mới được hoàn thuế. Đối với công tác thanh - kiểm tra thuế cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể. “Ngành thuế phải xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để thực hiện phân loại DN và chỉ được thanh kiểm tra với DN có rủi ro cao và rất cao về thuế. Tránh kiểm tra tràn lan, tập trung vào DN không có rủi ro như báo cáo nêu” - thứ trưởng Bộ Tài chính cam kết.

Kiểm lâm đòi... kiểm tra thuế!

Theo ông Đậu Anh Tuấn, trong số các DN bị thanh - kiểm tra thuế có 9% cho biết có tiếp đón các đoàn không phải là cơ quan thuế cũng thanh - kiểm tra thuế DN. Đó là các cơ quan công an, an ninh, quản lý thị trường, kiểm toán, thậm chí có cả... kiểm lâm vào kiểm tra thuế ở DN. Do đó, cần có chính sách phối hợp để giảm chồng chéo giữa các ngành trong hoạt động của DN, các DN cho rằng chỉ nên tập trung vào cơ quan thuế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN