"Chạy" theo 362 giấy phép con, doanh nghiệp kêu trời
Để xin giấy phép nhập khẩu lô hàng về doanh nghiệp phải mất ít nhất từ 30 ngày, thậm chí lên đến nửa năm khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên cao.
Ảnh: Minh họa
Đây là một trong những kiến nghị được các doanh nghiệp nêu lên tại Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng - Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam" do Diễn đàn Kinh tế tư nhân phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRAP) tổ chức chiều 4/4 tại Hà Nội.
Vẫn quá nhiều giấy phép con
Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) ý kiến: Mặc dù hiện nay Cổng thông tin điện tử Quốc gia hầu hết đã có các bộ tham gia nhưng việc kiểm tra chuyên ngành thực hiện trên cổng vẫn còn rất hạn chế, vì thế các DN khi nhập khẩu hàng về vừa phải mất thời gian đi lại và chờ xin giấy phép, và hàng buộc phải lưu kho mặc dù lô hàng được chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng.
“Phía Hải quan cũng đã rất nỗ lực trong công tác kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn có nhiều vướng mắc ở các bộ, thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% nhưng lại bị vướng thủ tục ở các bộ”, đại diện cuả EurroCham cho biết.
Giám đốc một công ty XNK hàng điện tử viễn thông đưa ra dẫn chứng: “Doanh nghiệp chúng tôi thường xuyên có hàng nhập khẩu về, phần lớn là các lô hàng thuộc diện hàng biếu, tặng có giá trị thấp và không nằm trong mục đích thương mại. Tuy nhiên khi hàng về Việt Nam, do quy định về hàng phi mậu dịch chưa được nhất quán nên có lúc chúng tôi đã gặp vướng mắc ngay trong vấn đề nộp thuế, vì mỗi cơ quan thuế lại giải đáp 1 cách khác nhau không có sự thống nhất”.
Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này thì, trong quá trình nhập khẩu hàng về doanh nghiệp này phải xin rất nhiều giấy phép. “Dù quy định là không quá 7 ngày nhưng lô hàng của chúng tôi phải chờ quá 30 ngày mới xin được giấy phép. Trong thời gian chờ xin giấy phép thì hàng phải lưu kho, chúng tôi vừa trả tiền lưu kho khiến chi phí phát sinh nhiều, nhưng quan trọng là việc chờ đợi quá lâu, có những lô hàng phải mất 6 tháng mới hoàn tất thủ tục”.
Không riêng gì thủ tục và thời gian cấp phép quá lâu, ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết thêm, việc kiểm tra chuyên ngành hiện còn nhiều bất cập.
Ông Thành dẫn chứng cụ thể, các DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hiện đang phải làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại 2 cơ quan, nếu thức ăn cho cá, tôm thì đăng ký với Tổng cục Thủy sản, thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y. Điều này gây trở ngại và làm mất thời gian của DN do đó, ông Thành đề nghị mỗi 1 nhóm hàng hóa chỉ cần 1 cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
80% thủ tục hành chính đến từ các bộ, ngành
Giải đáp những vướng mắc và kiến nghị của DN, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cũng thừa nhận những ý kiến trên của doanh nghiệp rất xác đáng.
“Hiện nay có nhiều văn bản 1 Bộ ban hành nhưng khi thực hiện lại có nhiều đơn vị, ngành quản lý chồng chéo. Một lô hàng nhập khẩu về phải chờ 7 ngày mới xin được giấy phép, DN lại phải chịu phí lưu kho bãi từ 3-4 ngày. Đây rõ ràng là gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Phan khẳng định.
Tuy nhiên, ông Ngô Hải Phan cũng cho biết, một trong những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ là cải thiện 10 chỉ số môi trường kinh doanh, như giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội từ 540 giờ xuống dưới 168 giờ vào năm 2017. Giảm thời gian xuất khẩu từ 108 giờ xuống còn 70 giờ…
Để thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã giao nhiệm vụ chung của các bộ, ngành, địa phương cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cải cách việc giải quyết thủ tục hành chính… để loại bỏ “lợi ích nhóm” cũng như các rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về phía cơ quan hải quan, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thực tế hiện nay, các thủ tục liên quan hải quan giảm xuống còn 20%. Còn các bộ ngành vẫn chiếm đến 80% các thủ tục hành chính.
“Giấy phép con của các bộ ngành còn tới 362 văn bản, hải quan muốn đơn giản hoá thủ tục cũng khó, vì phụ thuộc vào các bộ ngành khác. Do đó các bộ ngành cần tiếp tục rà soát thủ tục, thay đổi cách thức quản lý, đặc biệt là nhanh chóng rà soát lại các danh mục hàng hóa cần kiểm tra chuyên ngành… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hải đề nghị.
Đánh giá về hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho biết, đây là lĩnh vực khá quan trọng song hiện tại nhiều cơ quan quản lí đang lúng túng khiến DN gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
“Nếu công tác quản lí và kiểm tra chuyên ngành tốt sẽ tạo nên cơ chế thuận lợi toàn diện và dài hạn cho hoạt động kinh doanh, giúp nhiều doanh nghiệp ổn định và phát triển mặt hàng, phương thức kinh doanh, tham gia thuận lợi vào chuỗi cung ứng trên thị trường trong nước và thế giới. Hiện nay, Diễn đàn Kinh tế tư nhân cũng đã xây dựng lộ trình rà soát, đánh giá từ đó đưa ra những giải pháp cải cách trong năm 2017 với những vấn đề ưu tiên, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Giám nói.