"Các đại gia nhảy vào nông nghiệp là đáng mừng"
Trao đổi với PV, bà Phạm Chi Lan cho rằng, những đại gia tham gia đầu tư vào nông nghiệp gần đây như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hòa Phát, Him Lam… là điều đáng mừng, có thể kích thích sự phát triển, mở đường cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực này.
Những doanh nghiệp mới tham gia đầu tư vào nông nghiệp gần đây như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hòa Phát, Him Lam… thì phải hiểu không phải họ chuyển hướng sang nông nghiệp mà đây chỉ là một lĩnh vực đầu tư của họ thôi. Các Tập đoàn này vốn là Tập đoàn đầu tư đa ngành, và cái đầu tư vào nông nghiệp của họ cũng chiếm không đáng kể so với các lĩnh vực khác.
Phải có những tập đoán lớn có quy mô, có tiềm lực vốn và kinh nghiệm thương trường dày dạn đầu tư thì nông nghiệp mới mong có được sự bài bản, nông nghiệp mới có thể phát triển theo hướng chúng ta đang mong muốn là quy mô lớn, cơ giới hóa, chất lượng cao, được kiểm soát từ đầu đến cuối. Từ đó, hình thành chuỗi cung ứng, trong đó có sự tham gia của các công đoạn, các doanh nghiệp nhỏ và người nông dân tham gia. Theo đó, những sản phẩm thu được sẽ là sản phẩm cao cấp hơn so với từ trước đến nay vẫn làm.
Có làm được điều đó thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được với bên ngoài, nhất là thời gian tới bước vào hội nhập. Tôi rất kì vọng vào sự tham gia của những doanh nghiệp này, bởi sự tham gia của họ có thể kích thích sự phát triển, cạnh tranh của những doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp từ trước và tạo cảm hứng, mở đường cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo bà, nếu các đại gia nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp thì người nông dân sẽ gặp những rủi ro gì?
Khi doanh nghiệp đầu tư canh tác vào hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp đồng nghĩa với việc hàng nghìn hộ gia đình mất đất, sẽ dôi dư ra rất nhiều lao động. Các doanh nghiệp lớn đầu tư sẽ cơ giới hóa, canh tác bằng máy móc là chính nên họ sẽ không có nhu cầu sử dụng nhiều nhân công trên diện tích đất đó như trước, số nhân công dôi dư sẽ đối mặt với vấn đề việc làm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Nhìn từ bài học của các khu công nghiệp trước đây, khi các công ty lớn đầu tư vào địa phương, lấy đất của nông dân họ cũng hứa sẽ đưa người của địa phương vào làm trong các khu công nghiệp. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ vào làm được trong các nhà máy sản xuất là không nhiều.
Người nông dân chỉ có đất là tư liệu sản xuất từ đời này qua đời khác, nếu mất đất thì không chỉ đời này mà đời sau nữa cũng không còn đất làm. Mà nông dân đã bán đất cho doanh nghiệp thì không thể lấy lại được, còn Nhà nước cũng không thể đứng ra can thiệp lấy lại đất cho nông dân khi nông dân không hài lòng với doanh nghiệp. Khi đó, chả doanh nghiệp nào muốn làm.
Như vậy, nếu nông dân không được đào tạo thì nguy cơ thất nghiệp, quay lại ngày tháng khó khăn là nhãn tiền.
Theo đó, câu chuyện giải quyết lao động dôi dư thì Nhà nước phải có tính toán, có thể kết hợp với doanh nghiệp để giải quyết tình trạng này. Rủi ro về công ăn việc làm cho nông dân là rủi ro khá lớn trước khi bắt tay vào đầu tư. Đây là bài toán không dễ giải quyết.
Xưa nay vẫn thế, người thiệt thòi nhất thì vẫn là nông dân, người được hưởng lợi ít nhất cũng là nông dân. Tái cơ cấu có thể chúng ta sẽ phát triển được nhiều ngành, một số doanh nghiệp thành công nhưng người nông dân có khá hơn hay không thì cần có sự chung tay quan tâm của cả Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư. Nông nghiệp được cho là lĩnh vực nền tảng và có sự phát triển, nhưng đối tượng dễ thiệt thòi nhất vẫn là nông dân.
Tất nhiên còn nhiều rủi ro khác về thị trường, về thiên nhiên… mà chính doanh nghiệp cũng không lường trước được. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã chịu đầu tư vào nông nghiệp thì đây là tín hiệu đáng mừng, chứ nhiều doanh nghiệp nước ngoài họ cũng không mấy hào hứng đầu tư vào nông nghiệp nước ta.
Theo bà, Nhà nước cần phải có vai trò, trách nhiệm với người nông dân như thế nào khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp?
Nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp họ làm và tạo điều kiện cho người nông dân tham gia vào trong chuỗi với lợi ích cao nhất. Nhà nước phải bảo vệ được lợi ích của người nông dân cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
Khi Nhà nước đứng ra hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn làm nông nghiệp thì nên khuyến khích để nông dân dồn điển đồi thửa, để có được mảnh đất lớn. Nhà nước đứng ra là vai trò quy hoạch, chứ hiện nay mỗi nhà có một mảnh ruộng ở cách xa nhau thì hiệu quả không cao. Khi mảnh đất lớn hơn thì giá trị thương mại cũng cao hơn, khi đó, nông dân tham gia vào doanh nghiệp cũng ở vị thế cao hơn.
Khi doanh nghiệp nhắm đến vùng nào đó để canh tác thì Nhà nước đứng ra thu xếp đất đai giữa nông dân và doanh nghiệp thì mới thuận lợi và nhanh chóng được. Chứ để một ông doanh nghiệp làm việc với cả nghìn hộ dân thì rất khó khăn và mất thời gian. Vì đất đai trong dân manh mún nên doanh nghiệp đàm phám với cả nghìn người dân để lấy được nghìn héc ta đất triển khai canh tác sẽ cực kì nhiêu khê.
Nhà nước tham gia vào nhưng Nhà nước phải đứng ở vị thế công bằng chứ không được gây thua thiệt cho nông dân. Tôi cũng rất sợ Nhà nước thiên vị thì nông dân sẽ khổ. Tâm lý chính quyền háo hức với các doanh nghiệp nên lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp như cách làm với các doanh nghiệp bất động sản là không ổn. Tâm lý người dân bị mất đất, thua thiệt sẽ không lường được hậu quả. Phải quan tâm đến lợi ích của người dân.
Nhà nước cũng cần sớm tuyên truyền, đào tạo cho người dân hiểu những lợi ích, rủi ro khi tham gia vào mô hình làm việc. Phải đào tạo cho người dân những kĩ thuật, kĩ năng canh tác để người nông dân có thể hòa nhập trong môi trường canh tác khác hẳn môi trường canh tác truyền thống, tuân thủ mô hình chung, giúp cho người nông dân hiểu về quy trình sản xuất, thông tin về thị trường… Nhà nước có thể nâng cao vị thế của nông dân trước các doanh nghiệp thì đó là điều tốt nhất.
Người nông dân thường ở vị thế hạn chế hơn so với các doanh nghiệp, hạn chế về vốn, về trình độ, về khả năng đánh giá thị trường nên dễ thua thiệt hơn. Nếu có thể, Nhà nước cũng nên có bảo hiểm cho người nông dân vì đây là đối tượng dễ bị thiệt thòi nhất.
Nhà nước cũng phải tăng cường giám sát các doanh nghiệp trong quá trình thực thi để xem họ làm có nghiêm túc hay không? tránh tình trạng doanh nghiệp xin đất để canh tác nông nghiệp nhưng phần lớn trong đó lại dùng làm khu du lịch sinh thái, dùng sai mục đích.
Tất nhiên, giám sát phải thực hiện theo cả hai mặt, thấy khó khăn vướng mắc thì Nhà nước chung tay giải quyết. Mặt khác, giám sát làm sao cho các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với Nhà nước, mang lại quyền lợi cho người nông dân. Đó là chuyện uy tín, minh bạch của doanh nghiệp và của cả Nhà nước. Lợi ích có được phải chia sẻ cho người dân.
Trong chuyện tổ chức sản xuất, đầu tư nông nghiệp thì doanh nghiệp hơn hẳn nông dân, cho nên rất cần vai trò của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần sự hợp tác của người nông dân nên hai bên cần thực hiện theo đúng cam kết, kế hoạch, chứ không mỗi người nông dân lại thực hiện theo một kiểu thì điều đó rất đáng e ngại về hiệu quả.