Bóc mẽ “cỗ máy in tiền trọn đời”, không làm cũng giàu!

Sự kiện: Kinh doanh đa cấp

Những ngày gần đây, trên thị trường xuất hiện những thông tin liên quan đến phần mềm được quảng cáo là “Cỗ máy in tiền trọn đời” và “Cỗ máy in tiền khi ngủ”.

Bóc mẽ “cỗ máy in tiền trọn đời”, không làm cũng giàu! - 1

“Cỗ máy in tiền” được RBI tung ra tại các hội thảo

Theo đó, người mua cỗ máy này không cần làm gì, không cần hiểu biết về thị trường ra sao… tiền vẫn tự động về.

Kiếm tiền tỷ trong khi ngủ (!?)

Tại Hà Nội, mới đây đã diễn ra buổi giới thiệu “Cỗ máy in tiền thần kỳ” do Công ty Đầu tư tài chính và phát triển thương mại Hoàng gia (RBI) tổ chức. Cỗ máy in tiền này thực chất là phần mềm có tên gọi AMM-V6 sẽ đem lại lợi nhuận cả đời cho người mua mà không phải làm gì, cũng không cần hiểu gì. Nghĩa là cỗ máy này đầu tư rất ít nhưng sinh lời nhiều nhất. Giá mỗi phần mềm này được đưa ra là 1.000 USD (tương đương 22 triệu đồng). Tuy nhiên, chờ mãi không có ai mua nên người đại diện RBI đã rút chỉ vàng ra khuyến mại. Mặc dù vậy, cũng chỉ có hai người, mà hai người này không dự trong hội trường đặt mua. Để có thêm những người mua thực sự, người đại diện cho RBI tại buổi thuyết trình này đã hạ giá chiếc máy từ 22 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng. Ngay lập tức, mọi người kéo lên mua thì chiếc máy kiếm tiền bạc tỷ ấy lại được giảm còn 500 nghìn đồng.  

Đến ngày 9/10 thì website http://rbi.org.vn của RBI không truy cập được nữa. Tuy nhiên, trên các trang mạng, công ty này vẫn đang tuyển người làm với mức lương từ 7-10 triệu đồng. Lời giới thiệu về RBI khá hấp dẫn, RBI được bảo trợ chính bởi ba tổ chức lớn và uy tín của Việt Nam và Campuchia... mang lại các giá trị cho doanh nhân như phong cách sống hoàng gia, kết nối kinh doanh, xây dựng mối quan hệ VIP, từ thiện, gia tăng giá trị tài chính 16,8 -26,4%/năm...

Còn tại TP.HCM, một khóa đào tạo với chủ đề “In tiền tự động trong khi ngủ phiên bản hoàn toàn tự động độc quyền trên thế giới - lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam” cũng thu hút hàng trăm người tham gia. Đơn vị tổ chức không ai khác là RBI. Vẫn là những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn, với cỗ máy này, chỉ cần kích chuột, nhà đầu tư có thể kiếm tiền một cách đơn giản, siêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, buổi đào tạo này không giống như ở Hà Nội là bán máy, bán phần mềm mà thu tiền đào tạo.

Trong vai một nhà đầu tư, phóng viên đến văn phòng RBI tại lầu 4, tòa nhà Happyland, 67 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1 để tìm hiểu thực hư. Tại đây, hai nhân viên nhiệt tình tư vấn về khóa học bao gồm các phần: Học hoàn thiện bản thân con người, học làm thế nào để trở thành doanh nhân, cách thứcđầu tư chứng khoán tự động, làm sao để sử dụng “cỗ máy in tiền” có tên AMM-V6. Để hiểu cách vận hành cỗ máy in tiền này, chỉ cần chi ra 1.000 USD để tham gia khóa đào tạo do RBI tổ chức. Sau khi hoàn tất khóa học hai ngày, học viên sẽ được tặng miễn phí thiết bị đầu cuối AMM-V6 hay còn gọi là cỗ máy in tiền (là phần mềm dùng để cài vào điện thoại hoặc máy tính) để đầu tư chứng khoán một cách tự động. Nhân viên tư vấn còn tính toán: “Chỉ cần bỏ 22 triệu đồng (1.000 USD), mỗi tháng tự động lời được 10%, tương đương 2,2 triệu đồng/tháng và khoảng 26,4 triệu đồng/năm. Mà lợi đấy là lợi nhuận thấp nhất được tính, hơn đứt các kênh đầu tư khác...”.

Một dạng đa cấp biến tướng

Trao đổi PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia chứng khoán cho biết, “cỗ máy in tiền” được quảng bá thực chất là một dạng phần mềm được cài đặt sẵn lệnh mua và bán tự động. Phần mềm này trên thế giới đã được ứng dụng thử nhưng không thành công. Tại Việt Nam đã từng có công ty sử dụng phần mềm này nhưng cũng thất bại. Ông Huy phân tích: “Phần mềm được lập trình tự động, thấy giá thấp thì mua, cao thì bán một cách tự động. Tuy nhiên, trong chứng khoán, các yếu tố thị trường, tâm lý, chính sách, các điều kiện khác... phần mềm lập trình này không biết làm sao có thể đem về lợi nhuận cao. Chưa kể tất cả những “nhà cái”, hay nói đúng hơn là các công ty chứng khoán, những tay đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các đơn vị quản lý quỹ... đều có thể nhìn vào giao dịch đó và biết đó là phần mềm robot tự động thực hiện. Từ đó, họ sẽ có cách làm các giao dịch tự động kia thua”. Từ đây, ông Huy khẳng định: “Phần mềm không thể thay thế con người để chơi chứng khoán, kiếm tiền khi ngủ mà lợi nhuận cao được”.

Tương tự, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh nhân định: “Không bàn đến chuyện lợi nhuận, chỉ riêng việc dạy khóa học thu 1.000 USD là không bình thường”. Cũng theo ông Khánh, cho dù RBI chỉ bán khóa học nhưng thực chất lại hoạt động như mô hình kinh doanh đa cấp. Chỉ cần có 10 người học, thì RBI sẽ thu về số tiền kếch xù là 10.000 USD, tương đương 220 triệu đồng quá dễ dàng.

“Vậy nên, không loại trừ khả năng doanh nghiệp đang huy động tiền của học viên rồi kinh doanh những ngành nghề khác như bất động sản, chứng khoán. Nếu kinh doanh tốt thì có thể trả được tiền hoa hồng, nhưng ngược lại khi phá sản thì người tham gia sẽ mất hết…”, ông Khánh nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Báo giao thông)
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN