Bộ trưởng TN&MT: Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới, đất tăng giá cấp số nhân
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho rằng, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì việc huy động theo hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi….
Nêu quan điểm xung quanh việc Hà Nội dự kiến thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng là 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, tại buổi họp báo quý 3 chiều 20/9, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho rằng, hình thức đầu tư BT (xây dựng- chuyển giao) là rất tốt khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có nhiều hạn chế.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và đất tăng giá cấp số nhân.
Tuy nhiên, ông Chính chỉ ra điểm vướng, đó là khi mở gói thầu về công trình hạ tầng thì phải cho nhà đầu tư biết họ sẽ được bao nhiêu đất, tuy nhiên phải chờ khi nào xây dựng hạ tầng xong thì chúng tôi mới định giá đất cụ thể được.
“Nhà đầu tư luôn muốn biết sẽ được bao nhiêu đất. Luật Đất đai lại quy định khi nào xây dựng xong mới được quy ra đất, khi đó mới có giá”, ông Chính cho hay.
Vì thế, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, nếu tính toán đúng giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được những tồn tại trên để xây dựng được cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, khi nguồn lực của đất nước, Chính phủ khó khăn thì việc huy động được hình thức BT sẽ có thêm nhiều công trình thành công, người dân cũng được hưởng lợi.
“4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất. Đây là chủ trương đúng đắn, bởi ở Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá.
Trước đó, trao đổi với báo chí về việc huy động nguồn vốn xây dựng các cây cầu, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 12/9, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, hiện thành phố Hà Nội đang chỉ đạo thực hiện triển khai 5 cầu là: cầu Tứ Liên, cầu Đuống, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Giang Biên và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Tổng mức vốn đầu tư các dự án này quá lớn, ngân sách thành phố không làm được mà phải mời đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT.
Ông Tuấn cho biết, thành phố sẽ giao hàng trăm ha đất cho các nhà đầu tư để đối ứng. Để đảm bảo thực hiện các dự án này, thành phố đã rà soát, bố trí quỹ đất để cho nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án đối ứng, thu hồi vốn theo quy định của pháp luật.
Theo ông Tuấn, với các khu đất này, nhà đầu tư có thể đầu tư các công trình, khu đô thị đảm bảo theo đúng quy hoạch của thành phố đã duyệt. Hiện tổng quỹ đất này đang được nghiên cứu, chưa chính thức giao cho bất cứ nhà đầu tư nào.
Về phía Sở Giao thông Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở khẳng định, việc đổi đất lấy dự án, tất cả các khu đất phải tuân theo quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt. Các dự án xây dựng khu nhà ở, khu đô thị quan điểm xuyên suốt là cũng phải đầu tư xây dựng hoàn thiện về hạ tầng trước sau đó mới đến các dự án khác. Việc xây dựng các cây cầu này đều nằm trong quy hoạch và sẽ giảm được ách tắc giao thông.