Bỏ chạy khỏi ngân hàng vì sếp trọng dụng con cháu

Môi trường trọng dụng "con cháu", "quan hệ gửi gắm", áp lực doanh số khủng khiếp, những vụ án phanh phui liên quan cho vay ngày càng nhiều, nhưng nhiều khi vẫn phải nhắm mắt làm liều để đạt chỉ tiêu... khiến nhiều sếp và nhân viên tín dụng bật bãi.

Từng giữ chức Phó phòng của một Chi nhánh ngân hàng lớn ở Hà Nội nhưng nhiều người cũng bất ngờ khi anh Hà quyết định xin nghỉ việc.

Anh Hà cho biết, với lương Phó phòng tại một chi nhánh ngân hàng, thu nhập của anh tầm 20 triệu đồng/tháng nhưng anh quyết nghỉ việc, chuyển ra làm kinh doanh vật liệu xây dựng với mức lương hiện tại chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng.

“Nếu hỏi tôi có yêu ngân hàng không thì chắc chắn là có, có yêu nghề không chắc chắn có, nhưng môi trường làm việc khiến tôi không muốn tiếp tục, áp lực và rủi ro vì thế nếu ai nghĩ làm ngân hàng là sướng thì không hẳn vậy, ngành ngân hàng không còn là thiên đường”, anh Hà tâm sự.

Theo anh, công việc ngân hàng rất áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, thời gian dành cho gia đình không có.

“Gần 10 năm làm ngân hàng tôi hầu như không biết đến ngày nghỉ lễ là gì. Có năm nghỉ Tết dương nhưng 23h30 đêm chúng tôi mới rời khỏi văn phòng”.

Cũng theo anh, nỗi lo khủng khiếp của nhân viên ngân hàng chính là áp lực về chỉ tiêu, doanh số: “Ví dụ chỉ tiêu năm 2015, doanh số cho vay chỉ 100 tỉ nhưng sang 2016 là tăng lên gấp 3 lần, lương không tăng nhưng chỉ tiêu tăng. Ngân hàng trả lương theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh nên nếu ai không đáp ứng được thì lương không đảm bảo”.

Chính vì chỉ tiêu cao nên có trường hợp nhân viên phải liều lách quy trình để cho vay, tăng trưởng nguồn vốn nhằm đạt chỉ tiêu.

“Rất khó để cân bằng giữa thực hiện đúng quy định và thực hiện chỉ tiêu. Nếu làm đúng quy định sẽ rất khó để có khách hàng đáp ứng đủ điều kiện. Nếu không chấp nhận rủi ro thì rất khó đạt được chỉ tiêu. Ngành tín dụng rất nguy hiểm, những vụ án liên quan đến cho vay được phanh phui ngày càng nhiều nên ai làm trong lĩnh vực này đều hiểu, bút sa gà chết”, anh Hà tâm sự.

Bên cạnh đó, theo anh trong môi trường làm việc trọng dụng "con ông cháu cha" rất phổ biến cũng là điều khiến anh quyết định từ bỏ ngân hàng để chuyển sang kinh doanh vì mình phải cố gắng gấp 5 gấp 10 những đồng nghiệp "hàng gửi" thì mới có cơ hội thăng tiến.

“Từ vị trí khá nhiều người mơ ước, tôi chuyển ra ngoài làm kinh doanh tự do, hằng ngày phải xuống nhà máy, tiếp xúc với công nhân, bụi bẩn… khởi đầu cũng nhiều khó khăn nhưng thấy cuộc sống thoải mái hơn nhiều”, anh Hà chia sẻ.

Làm việc gần 7 năm tại một ngân hàng top đầu nhưng chị Vi vẫn quyết định xin nghỉ việc cách đây gần một tháng.

Chị tâm sự: “Học hành cố gắng để thi được vào đây, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ sẽ có ngày nghỉ việc nhưng đúng là công việc quá áp lực, mệt mỏi”.

Chị Vi cho biết, nhiều người vẫn nghĩ làm ngân hàng là sướng, lương cao, ăn mặc đẹp, ngồi phòng lạnh, điều hòa nhưng chỉ “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.

Bỏ chạy khỏi ngân hàng vì sếp trọng dụng con cháu - 1

Nhìn báo cáo thấy lương bình quân của nhân viên ngân hàng chị mang tiếng toàn 24- 26 triệu đồng/tháng nhưng ít ai biết số tiền đấy được tính bằng cách chia đều cho tất cả các cán bộ nhân viên, gánh thêm cả lương khủng của lãnh đạo. Các lãnh đạo như Giám Đốc chi nhánh, Phó Giám đốc chi nhánh lương có thể tới trăm triệu/tháng, còn nhân viên như chị chỉ khoảng 11-12 triệu đồng/tháng.

Do chị làm ở bộ phận kinh doanh nên mức lương khá hơn các phòng khác, thực tế bộ phận hỗ trợ chỉ dưới 10 triệu đồng, như giao dịch viên có mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương hàng tháng, nhân viên như chị có thể được quyết toán theo quý, năm nhưng số tiền đó không đáng là bao.

Đặc biệt nhân viên ngân hàng chịu rất nhiều áp lực, trước hết là giờ giấc làm việc. Công việc khiến chị không còn thời gian dành cho gia đình. Sáng nào cũng phải có mặt ở ngân hàng trước 8h sáng, 8h tối mới về đến nhà nên hôm nào cũng 9h tối mới ngồi được vào bàn ăn cơm.

“Từ khi có con nhỏ đến nay, tôi chưa cho con ăn được một bữa tử tế vì về quá muộn nên tất cả đều phải nhờ ông bà”, chị kể.

Mặc dù có con nhỏ nhưng chị chỉ được ưu tiên đến muộn một chút vào buổi sáng, hay nhà có công việc cũng không thể xin nghỉ, thậm chí ốm cũng phải “lết” để đi làm.

Làm việc tại một ngân hàng thương mại cổ phần chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội), anh Long cho biết, là một chuyên viên quan hệ khách hàng với kinh nghiệm hơn 5 năm nhưng mức lương của anh cũng chỉ được 10 triệu đồng/tháng. Anh vừa được tăng  lương cách đây ít tháng, trước đó chỉ được 6- 8 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, phải sống khá chật vật ở Hà Nội khi nhà cửa mọi thứ vẫn đang đi thuê.

Chính vì thế, theo anh không nên nhìn báo cáo để đánh giá thu nhập, công việc của nhân viên ngân hàng. Đằng sau những con số “mức lương trung bình hai mươi mấy triệu” là thực tế hoàn toàn khác. Hơn nữa, làm nhân viên ngân hàng không bao giờ có “khái niệm” làm việc 8 tiếng/ngày, việc về nhà lúc 20- 21h đêm là chuyện diễn ra thường xuyên. Lương thấp nhưng thời gian dành cho công việc nhiều, áp lực với chỉ tiêu, doanh số và chưa kể cả những rủi ro luôn rình rập.

Ngoài chuyện lương, áp lực thời gian, áp lực chỉ tiêu, KPI thì chị Vi cho rằng, có rất nhiều bất cập về chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc khiến nhiều nhân viên muốn từ bỏ nghề.

Chị Vi tâm sự: “Nghề ngân hàng rất bạc, nếu làm quan hệ khách hàng, có thể 5 năm, 10 năm là nhân viên xuất sắc liên tục, đến năm thứ 11 nảy ra nợ quá hạn 100 triệu thôi, so với dư nợ giải ngân là một con số rất nhỏ nhưng coi như mình bị vết, mất hết và phải cố gắng làm lại từ đầu”.

Hoặc cả năm làm rất tốt nhưng cuối năm có thể khách hàng không hiểu ý, người nọ người kia phản ánh, dù không đúng nhưng họ cũng không cho mình cơ hội để giải thích, trình bày. Tất cả những điều trên khiến nhân viên như chị đều nản lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN