Biên chế cứ 'phình' ra, sao giảm chi thường xuyên được?
“Biên chế cứ "phình" ra, thì không thể cơ cấu lại ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Sáng 12/6, phát biểu thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Xuân Hàm (Phú Thọ) cho hay, nhiều năm nay, quyết toán ngân sách chưa phản ánh đúng số thu, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách.
Nguyên nhân được xác định do quyết toán hoàn thuế GTGT theo dự toán không phải theo số thực tế phải hoàn. Những năm gần đây, Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa triệt để do không thể dự toán chính xác tuyệt đối số hoàn thuế.
Ông Hàm đề nghị cần đổi mới công tác quyết toán thu theo 2 cách: Thứ nhất, kịp thời trình Quốc hội điều chỉnh dự toán hoàn thuế theo đúng thực tế để quyết toán chính xác số thu ngân sách. Thứ hai, chỉ đưa vào thu ngân sách số thu ngân sách nhà nước thực sự được hưởng là số thu sau khi đã trừ hoàn thuế, số hoàn thuế và số thu tương ứng để hoàn thuế thực hiện ngoài cân đối, không đưa vào quyết toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, trong thời gian tới nhu cầu vốn vay còn rất lớn, song nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí như thời gian qua thì hệ quả sẽ không chỉ dừng ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà còn gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ông Tiến đề nghị Chính phủ cần có cơ chế phân bổ vốn đầu tư, đảm bảo tính minh bạch, có cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí các dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cũng theo ông Tiến, về chi thường xuyên, vẫn còn tình trạng lãng phí chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích một số khoản chi chưa đạt dự toán. Chi thường xuyên năm 2015 tăng 1,5% so với dự toán, vượt 11.500 tỷ đồng, năm 2016 theo báo cáo kết quả thực hiện ngân sách chi thường xuyên vẫn là 64,45%.
Ông Tiến đề nghị Chính phủ có biện pháp thu hẹp khoảng cách giữa chi thường xuyên và chi phát triển, không để khoảng cách này "ngày càng nới rộng".
“Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cần ưu tiên ngân sách cho các khoản chi thật sự cần thiết về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Tăng chi đầu tư phát triển nhưng cần chọn lọc, kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết đối với những công trình, dự án chưa thực sự cấp bách”, ông Tiến nhấn mạnh.
Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian vừa qua đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quá nhanh, từ 25% xuống 22%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%. Để khuyến khích đầu tư đã có nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn 4 năm, giảm 9 năm. Rồi rất nhiều chính sách để miễn, giảm, những vùng kinh tế khó khăn. Thuế thu nhập cá nhân cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu.
“Từ những chính sách này, chúng ta đã giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ộ trưởng Dũng, sau khi thông qua dự toán về ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hàng năm, nhưng việc cắt giảm ngân sách cũng không đơn giản, nên phải đi vào các giải pháp sâu hơn, căn cơ hơn, chính là phải tập trung tiết kiệm chi.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Dũng cũng cho rằng, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, đặc biệt chi thường xuyên. Cùng với đó là sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì mới giải quyết được vấn đề về tiền lương.
“Bây giờ có cắt cái gì thì vẫn cắt nhưng biên chế cứ phình ra, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên”, ông Dũng cho hay.