Bất ngờ với tỉ giá cuối năm

Nếu từ đầu năm, người nào bán USD để gửi tiết kiệm và đến nay mua lại USD thì họ đã sinh lời kép bởi hưởng được lãi suất ngân hàng và phần chênh lệch do tỉ giá giảm.

Đầu năm 2017, tỉ giá VNĐ/USD được cơ quan điều hành, các tổ chức trong và ngoài nước nhận định có thể tăng 2%-3%. Tuy nhiên, diễn biến thị trường ngoại tệ trong thời gian gần đây lại không như vậy, nhiều lúc giá USD gần như không tăng, thậm chí giảm.

Cung hơn cầu

Ngày 1-11, Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm 22.468 đồng/USD, tăng 310 đồng so với mức đầu tháng 1-2017 là 22.158 đồng/USD. Tuy nhiên, tại các NH thương mại, tỉ giá được giao dịch 22.750 đồng/USD (bán ra) thấp hơn 10 đồng so với mức giá ngày 3-1 là 22.760 đồng. Như vậy, trong 10 tháng qua, tỉ giá trung tâm tăng khoảng 1,5%, trong khi giá bán USD tại các NH thương mại lại giảm.

Riêng giá bán USD thị trường tự do khoảng 22.800 đồng, giảm khoảng 1.000 đồng/USD so với đầu năm 2017 là trên 23.000 đồng/USD. "Nếu từ đầu năm, người nào bán USD để gửi tiết kiệm và đến nay họ mua lại USD thì đã sinh lời kép bởi hưởng được lãi suất NH và phần chênh lệch do tỉ giá giảm" - chủ một điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM tính toán.

Bất ngờ với tỉ giá cuối năm - 1

Tỉ giá VNĐ/USD đã diễn biến tích cực từ đầu năm đến nay Ảnh: TẤN THẠNH

Theo giới kinh doanh, tỉ giá tăng hay giảm luôn phụ thuộc vào cung cầu ngoại tệ, tỉ giá trung tâm, tâm lý của người dân… Tuy tỉ giá trung tâm tăng nhưng do tình trạng đầu cơ, nhu cầu USD của doanh nghiệp không cao cùng với chính sách điều hành hợp lý nên thị trường ngoại tệ biến động tích cực, trái chiều so với mọi dự báo.

Nhiều NH nhìn nhận từ đầu năm đến nay, tỉ giá khá ổn định, thậm chí nhiều thời điểm cung USD nhiều hơn cầu. Điều này thể hiện khá rõ khi NH Nhà nước đã thu mua từ các NH thương mại khoảng 6 tỉ USD. Thế nhưng, vào giữa tháng 10-2017, NH Nhà nước lại giảm giá thu mua từ 22.725 đồng/USD xuống 22.710 đồng/USD rồi giữ nguyên cho đến nay nhưng vẫn cao hơn 20 đồng so với giá mua vào của các NH thương mại. Như vậy, chứng tỏ NH Nhà nước tiếp tục thu mua USD. Tuy nhiên, với mức giá này, các NH lại ngưng bán USD cho NH Nhà nước do lãi thấp. Từ đó, cung cầu USD khá cân bằng khiến tỉ giá trong các ngày gần đây biến động không đáng kể.

Điều hành linh hoạt

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi đánh giá những điều chỉnh trong điều hành chính sách tỉ giá của NH Nhà nước phù hợp với thực trạng cung - cầu ngoại tệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động hơn. Trước xu hướng USD giảm giá, NH Nhà nước chủ động mua vào một lượng lớn để tăng dự trữ quốc gia, đồng thời tăng khối lượng tín phiếu NH Nhà nước với kỳ hạn dài hơn để hút bớt tiền đồng đã đưa ra, không tạo áp lực cung VNĐ.

"Đây không phải lần đầu tiên NH Nhà nước xử lý tình huống thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền. Cái khó là thời điểm cuối năm, cung tiền thường tăng cao, nếu xử lý không khéo lại tạo áp lực lên lạm phát. Do đó, NH Nhà nước khéo léo chọn lựa công cụ, theo sát diễn biến lạm phát để bơm - rút tiền một cách nhịp nhàng. Điển hình như việc nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày với khối lượng khá linh hoạt theo lượng ngoại tệ mua vào để bảo đảm không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỉ giá" - TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá.

Thực tế cho thấy ngày 10-10, lần đầu tiên NH Nhà nước giảm giá thu mua USD đánh dấu sự khác biệt của diễn biến tỉ giá năm nay so với nhiều năm trước. Động thái này kéo dài trong 3 ngày tiếp theo và được các chuyên gia đánh giá như một công cụ mới để điều hành tỉ giá.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định việc can thiệp hoặc điều tiết thông qua việc hạ giá mua USD cho thấy sự linh hoạt hơn của nhà điều hành trong ứng xử với tỉ giá. Từ đó, nhiều thời điểm tỉ giá tại các NH thương mại không tăng hoặc phải giảm, trái ngược với diễn biến các năm trước - tỉ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, trưởng phòng kinh doanh tiền tệ một NH thương mại lớn đánh giá việc NH Nhà nước liên tiếp giảm giá mua USD như một cảnhh báo với các NH thương mại rằng tỉ giá sẽ đi xuống, nếu ai găm giữ phải đối mặt với rủi ro. Vì thế, vị này cho rằng từ nay đến cuối năm 2017, mọi dự báo xu hướng của tỉ giá như đầu năm đều không có cơ sở. Bởi lẽ, với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường, dự trữ ngoại hối tăng thêm hàng tỉ USD, NH Nhà nước sẽ quyết định tỉ giá VNĐ/USD.

Thêm công cụ điều hành

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối quý III/2017 đã đạt mức kỷ lục là 45 tỉ USD, tăng thêm 6 tỉ USD so với cuối năm 2016. Sự thặng dư của cán cân vốn nhờ dòng vốn FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) và FII (đầu tư nước ngoài gián tiếp) đóng vai trò chính yếu giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2017. Giải ngân vốn FDI đạt 12,5 tỉ USD, trong khi vốn FII tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam với khoảng 1,4 tỉ USD. Ngoài ra, nguồn kiều hối được nhận định vẫn duy trì ở mức khả quan, trong đó về TP HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 3,3 tỉ USD, tạo điều kiện thuận lợi để NH Nhà nước tăng cường mua vào USD.

BVSC nhận xét mức kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối sẽ giúp cho NH Nhà nước có thêm công cụ điều hành tỉ giá hợp lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ - Phương Lan (Người lao động)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN