Bất bình đẳng nếu giao VAMC vừa quản lý vừa bán nợ xấu?

“Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu thì không khác gì tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán VAMC lại được bán”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu khi thảo luận về dự thảo Luật đấu giá tài sản sáng 24/10.

Bất bình đẳng nếu giao VAMC vừa quản lý vừa bán nợ xấu? - 1

Bộ trưởng Lê Thành Long

Liên quan đến việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác.

Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án Luật. Ý kiến khác cho rằng, việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án Luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Thảo luận về việc này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định về nguyên tắc đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu và giao Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá nợ xấu. Đại biểu Thành đề nghị không nên để VAMC là tổ chức đấu giá trực tiếp nợ xấu mà nên để một tổ chức độc lập thực hiện, như thế sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích, khi bán tài sản dù là nợ xấu thì cũng là tài sản của Nhà nước, nên khi bán phải thực hiện qua các tổ chức đấu giá. “Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu thì không khác gì tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán VAMC lại được bán”, đại biểu Cường nói.

Giải trình thêm về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hoạt động kinh tế thời gian qua tồn đọng nợ xấu rất lớn, đây là hiện tượng có tính chất tạm thời và cần phải xử lý.

“Trong phương án Chính phủ trình, lúc đầu định đưa vào điều khoản thi hành quy định rất nguyên tắc về xử lý nợ xấu và những việc mà VAMC có thể được làm trong xử lý nợ xấu, sau này giao cho Chính phủ quy định ở một nghị định để bảo đảm hoạt động mang tính chất đặc thù của VAMC”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay.

Về hai phương án Chính phủ trình về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, ông Long lý giải, trong quá trình góp ý đã đưa ra hai phương án và đều nằm trong định hướng Chính phủ trình. 

Theo ông Long, vấn đề cơ bản nhất là làm sao có được nguyên tắc để VAMC bán những khoản nợ xấu phù hợp với quy trình công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan nhưng cũng xử lý được hiện tượng mang tính chất tức thời, đặc thù của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN