Bàn cách “xoay” vốn cho Ngân hàng chính sách

Là ngân hàng được ra đời với mục tiêu phục vụ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, sau 13 năm, ngân hàng chính sách đã giúp hàng triệu hộ thoát nghèo. Đi tìm nguồn vốn cho ngân hàng có cơ hội giúp người nghèo hơn nữa là bài toán cả Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đều đang trăn trở.

Cần tăng ủy thác vốn cho NHCS

Sau hơn 13 năm hoạt động, với mạng lưới trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được hơn 152,5 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến 31/5 đạt 147.819 tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78%.

Tại buổi làm việc với NHCS ngày 16/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao hệ thống NHCSXH từ trung ương đến cơ sở đã tập trung huy động nguồn vốn lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần thay đổi tư duy của hộ nghèo, đồng bào DTTS về quan hệ tín dụng “có vay - có trả”; đồng thời, góp phần làm giảm tín dụng đen tại các địa phương.

Bàn cách “xoay” vốn cho Ngân hàng chính sách - 1

‘Vốn vay ưu đãi chương trình GQVL từ NHCSXH đã thu hút  tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.

Bên cạnh , NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập; bộ máy điều hành được thiết lập gọn nhẹ, hiệu quả, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.

“Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và hơn 9.000 cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống, còn có sự đóng góp tích cực của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Thay mặt Chính phủ, tôi đánh đánh giá rất cao hoạt động của NHCSXH thời gian qua…” - Phó Thủ tướng nói

Đối với các chương trình tín dụng chính sách thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo người dân như chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo…, Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH và các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu cơ chế tạo lập nguồn vốn, để “cái khó ló cái khôn, chứ không để cái khó bó cái khôn”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đồng thời phải gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Bàn cách tìm nguồn cho NHCS

Theo Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng, vấn đề căn bản nhất là làm sao huy động được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thống đốc Hưng nhấn mạnh, thời gian tới NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách để bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH theo Chiến lược phát triển đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc ủy thác vốn từ ngân sách địa phương cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn.

Trong bối cảnh áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, việc thực hiện các giải pháp cho mục tiêu giảm nghèo có những thay đổi thì cần có đánh giá tổng thể về tín dụng chính sách để có những điều chỉnh phù hợp,  Thống đốc Hưng cho rằng: thời gian tới, NHCSXH cần phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ rà soát, đánh giá chính sách tín dụng để hoạch định cơ chế phù hợp hơn cho công tác giảm nghèo đối với từng vùng.

Phát biểu tại Hội nghị vừa qua, rất nhiều đại diện các bộ, ngành, và Ban chỉ đạo 3 Tây đều đánh giá cao hoạt động của ngân hàng suốt thời gian qua đồng thời đề xuất cần mở rộng hơn nữa về địa bàn cũng như tăng hạn mức tạo điều kiện cho người dân, bà con dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để làm ăn, thoát nghèo.

Thời gian tới, các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, NHNN, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bố trí nguồn vốn để NHCSXH thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 10%/năm); bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH theo quy định tại Chiến lược phát triển NHCSXH; UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN