Ám ảnh kinh hoàng từ những khu đô thị “ma” ở TQ

Quá trình xây dựng dồn dập, không tính toán ở những vùng tây bắc Trung Quốc thay vì tạo ra một nền tảng kinh tế vững chắc lại đang tích đầy “túi nợ khổng lồ” cho khu vực.

Ám ảnh kinh hoàng từ những khu đô thị “ma” ở TQ - 1

Khu đô thị Lan Châu Tân Khu hoang vu giữa vùng đồi núi tây bắc Trung Quốc

Lan Châu Tân Khu nằm ở vùng tây bắc Trung Quốc giữa những vùng đồi núi khô cằn. Đây được coi là giấc mơ Trung Hoa điển hình mà Bắc Kinh từng ấp ủ. Tuy nhiên, trái với dự định biến Cam Túc  thành bệ phóng cho khu vực tây bắc nghèo nàn và phục hồi con đường tơ lụa cổ đại, Lan Châu Tân Khu trở thành nỗi thất vọng quá lớn của người dân địa phương.

Thành phố Lan Châu Tân Khu được xây dựng trên diện tích 815km2 sau khi phá tan hàng trăm ngọn đồi ở cao nguyên Hoàng Thổ. Những tòa cao ốc mọc lên nhanh chóng nhưng hiện nay vẫn trong tình trạng trống trơn, không người ở.

Ám ảnh kinh hoàng từ những khu đô thị “ma” ở TQ - 2

Đường cắt ngang cao nguyên Hoàng Thổ

Ông Rodney Jones, sáng lập Công ty Tư vấn kinh tế vĩ mô Wigram Capital Advisor nhấn mạnh Lan Châu Tân Khu là một sai lầm trong chính sách ở Trung Quốc khi “tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đầu tư vào các dự án không hiệu quả”.

Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc ban đầu là muốn giảm bớt sự bất bình đẳng trong phát triển kinh tế giữa những vùng miền đông giàu có, trù phú với khu vực miền tây hoang vu, hẻo lánh. Tiền của được đổ vào đây để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Dự án Lan Châu Tân Khu ngốn chừng 10 tỉ USD và được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hết sức ủng hộ.

Ban đầu, kế hoạch nhằm tạo ra thành phố hơn 1 triệu dân vào năm 2030, tập trung vào các ngành như sản xuất ô tô, trang thiết bị, y học cổ truyền và hóa dầu.

Đáng buồn là sự thật không như những gì được kỳ vọng. Phó bí thư Lan Châu Tân Khu khẳng định có 150.000 dân sống ở đây tuy nhiên những cảnh tượng vắng vẻ đến rợn người không cho thấy điều đó.

Dù cam kết giá đất rẻ, hỗ trợ lớn, giảm thuế thì Lan Châu Tân Khu vẫn rất khó khăn để thu hút nhà đầu tư và người dân tới ở. Tỉ lệ lấp đầy phòng trống được phó bí thư thành phố thừa nhận là “có vấn đề”.

Sau khi thất bại nhãn tiền xảy đến, các chuyên gia kinh tế cho rằng sai lầm ở thành phố Cam Túc chính là đầu tư vào công nghiệp nặng trong bối cảnh toàn cầu dư thừa. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng ngốn tiền của không ít càng tăng thêm gánh nặng nợ nần. Nhiều giáo sư cho rằng đây chỉ là “sự sao chép lại mô hình cũ”.

Ám ảnh kinh hoàng từ những khu đô thị “ma” ở TQ - 3

Một góc phố Lan Châu Tân Khu, bóng người rất thưa thớt

Việc xây dựng Cam Túc thành một đặc khu kinh tế được cho là lấy ý tưởng từ khu Phố Đông rất thành công ở Thượng Hải. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà hoạch định không tính toán tới bối cảnh riêng của thành phố, Rodney Jones từ Wigram nói.

Tạp chí khoa học Nature năm 2014 từng cảnh báo về tác động môi trường của việc phá núi xây đô thị. Chưa kể, việc xây dựng nhà máy lọc dầu tại vùng đất khô cằn như Cam Túc chỉ khiến tình hình ô nhiễm thêm tồi tệ.

Theo số liệu của công ty Wigram Capital Advisors, nợ của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đã ở mức 280% GDP so với 135% năm 2009. Nợ xấu, nợ mới gia tăng cộng gộp vào các khoản nợ cũ khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang trong nguy cơ vỡ nợ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN