50% thị dân sẽ không dùng tiền mặt

Đó là một trong những nội dung tại quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Mục tiêu nêu trên được đặt ra trong bối cảnh bùng nổ các kênh mua sắm trực tuyến, ngân hàng (NH) thương mại đẩy mạnh ứng dụng NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) nhưng muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, người dân phải cảm thấy yên tâm khi giao dịch, nhất là gần đây xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản qua mạng.

Năm 2020, doanh số thương mại điện tử đạt 10 tỉ USD

Theo chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp - DN với khách hàng) tăng 20%, đạt 10 tỉ USD và chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngoài ra, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức không dùng tiền mặt. Đặc biệt, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Chính phủ cũng mong muốn 100% dịch vụ công của bộ, ngành trung ương được cung cấp trực tuyến; 100% thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…

50% thị dân sẽ không dùng tiền mặt - 1

Để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, vấn đề an toàn tài khoản phải được quan tâm hơn nữa Ảnh: TẤN THẠNH

Lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận mục tiêu 50% thị dân ở các TP lớn sẽ thanh toán không dùng tiền mặt có thể đạt do hiện nay, các dịch vụ NH điện tử bùng nổ, nhất là ứng dụng NH trên di động (Mobile Banking) đang phát triển mạnh mẽ.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương, đến năm 2015, cả nước có 48 triệu người dùng internet và 35 triệu người dùng smartphone (điện thoại thông minh). Báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử 2015 cho thấy có 27% người dùng từng mua hàng qua điện thoại và thanh toán chủ yếu bằng thẻ NH, 45% người dùng tìm kiếm thông tin mua hàng qua điện thoại nhiều hơn 1 lần/ngày. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước có tỉ lệ sử dụng smartphone tăng trưởng nhanh nhất cùng với công nghệ thanh toán trên di động không ngừng phát triển.

Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường thẻ NH cũng cho thấy xu hướng phát triển của các kênh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, 45 NH đã cung cấp dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và 25 NH triển khai ứng dụng Mobile Banking. Theo số liệu thống kê của Hội Thẻ NH Việt Nam, đến cuối năm 2015, cả nước có gần 82 triệu thẻ các loại, trong đó khoảng 90% là ghi nợ nội địa (ATM). Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ, doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ cũng tăng trưởng không ngừng. Toàn thị trường hiện có khoảng 16.573 máy ATM và gần 220.000 máy POS.

Phải tiện dụng, an toàn

Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng của thị trường thương mại điện tử trên nền tảng NH điện tử là rất lớn nhưng với điều kiện người dùng yên tâm trong vấn đề an toàn. Đặc biệt, gần đây xảy ra liên tiếp các vụ chủ thẻ khiếu nại, phản ánh đến NH về tình trạng mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho rằng DN thương mại điện tử, DN kinh doanh hàng hóa và dịch vụ hiện chưa chú trọng tới thương mại di động. Ít nhất 11,3 triệu khách hàng đã đặt hàng qua thiết bị di động nhưng tỉ lệ website có phiên bản dành cho smartphone của DN lại chỉ chiếm 15%.

Công cụ thanh toán trực tuyến phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng. Trong khi đó, tâm lý người dùng vẫn chưa quen việc mua sắm và trả tiền qua mạng do lo ngại về chất lượng hàng hóa, vấn đề an ninh và lo thanh toán trực tuyến không an toàn, gây thiệt hại...

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2015 cũng cho thấy hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử chưa đáp ứng được sự phát triển của thương mại điện tử. Trong khi đã phát hành gần 82 triệu thẻ các loại, độ phủ của các máy POS lại chưa cao và chủ yếu tập trung tại các TP lớn.

Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia NH, mục tiêu 50% thị dân ở các TP lớn sẽ thanh toán không dùng tiền mặt là rất khó do còn nhiều rào cản và cơ sở hạ tầng cho kênh thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn thiện. Ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp… vẫn có những dịch vụ mà khách hàng phải trả bằng tiền mặt.

“Thói quen tiêu dùng tiền mặt trong dân hiện vẫn còn, kể cả ở các TP lớn nên mục tiêu trong 4 năm tới, một nửa thị dân thanh toán không dùng tiền mặt là không dễ. Ngoài ra, một số điểm cung cấp hàng hóa dịch vụ vẫn tính phí cà thẻ 2,5%-3% trên hóa đơn khiến khách hàng ngại trả tiền qua thẻ” - ông Minh phân tích.

Muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không chỉ thay đổi thói quen của người dùng, đẩy mạnh các kênh thanh toán trực tuyến mà nhà nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân thuận tiện sử dụng. Đồng thời, vai trò của nhà nước rất quan trọng, không chỉ tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử mà cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí…

Khuyến khích ủy thác thanh toán qua ngân hàng

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần có hội sở tại TP HCM nhận xét gần đây, một số dịch vụ công cộng như điện, nước… đã ủy thác cho NH thu hộ phí thay vì phải nuôi bộ máy nhân viên đến từng nhà thu tiền. Chỉ cần có tài khoản NH, khách hàng có thể ủy thác cho NH thanh toán các khoản chi phí sinh hoạt, từ học phí đến điện, nước, truyền hình cáp… Việc khuyến khích người dân trả tiền dịch vụ qua kênh trực tuyến, NH thu hộ cũng đang góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN