Bác sĩ kê toa “lạ”, bệnh nhân “hoảng” không dám uống thuốc
Chỉ bị viêm họng thông thường, nhưng bác sĩ kê liền tù tì 14 ngày thuốc với nhiều loại biệt dược điều trị các triệu chứng mà bệnh nhân không mắc và quan trọng hơn, trong toa còn có những loại yêu cầu phải thận trọng với phụ nữ đang cho con bú như bệnh nhân.
Trình bày bức xúc với phóng viên, chị Trần Thị Nhung (31 tuổi, ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, vào ngày 10.10, cảm thấy hơi bị sưng họng, nhưng do cẩn thận nên chị đã đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM (số 153-155B Trần Quốc Thảo, Q.3) để khám.
“Bác sĩ đầu tiên khám nói hình như có mủ trong họng, nên chỉ định tôi đi chụp X-quang và nội soi họng. Chụp phim xong, tôi lên lầu 1 soi họng. Bác sĩ thứ hai xem kết quả X-quang bảo bình thường, không có vấn đề gì. Và sau khi nội soi, bác sĩ bảo họng hơi sưng nhưng không có mủ cũng như không có gì nghiêm trọng cả - chị Nhung kể - Tôi thấy mình không như các bệnh nhân khác mà bác sĩ phải lưu ý điều trị nhiều thứ, như vậy, bệnh tình tôi khá nhẹ”.
Không uống vẫn hết triệu chứng
Theo chị Nhung, chị tiếp tục được đưa qua một bác sĩ khác để kê toa. Trong toa thuốc, bác sĩ chẩn đoán “viêm họng/GERD” và kê 6 loại biệt dược với thời gian điều trị những 14 ngày uống thuốc. Chị phải mua ở nhà thuốc bệnh viện hết hơn 1 triệu đồng.Tuy nhiên, khi về nhà, đọc hướng dẫn sử dụng từng loại thuốc, chị Nhung mới phát “hoảng” vì có những thuốc điều trị các triệu chứng không xảy ra với chị. “Tôi đâu có viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi, sổ mũi mà bác sĩ cho thuốc Delopedil 5mg? Tôi cũng không bị loét dạ dày tá tràng lành tính hay trào ngược dạ dày - thực quản nặng mà lại cho uống Mufmix 40mg? Tôi cũng không sốt hay đau gì mà cho Panadol 500mg?”, chị bất bình.
Chị Nhung đang trình bày bức xúc với phóng viên. Ảnh: Quốc Ngọc
Chị Nhung cũng cho rằng thuốc Alfigold 500mg chỉ định chữa viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng amidan... cũng không cần thiết vì chị không bị nặng đến mức phải cho thuốc này, chiếm phân nửa số tiền mua thuốc. Còn lại, 2 loại Medovent 30mg và Bacizim plus do không có hướng dẫn, nên chị không biết điều trị triệu chứng gì?
Càng “hoảng” hơn, chị đang nuôi con nhỏ chỉ mới hơn 5 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhưng một số loại thuốc kể trên ghi rõ phải thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.
“Sợ quá, tôi không dám uống và vài hôm sau, tôi cũng tự dưng thấy hết sưng trong họng. Tôi gọi điện thoại cho bệnh viện đề nghị trả lại thuốc thì họ bảo không được. Đổi thì được chứ không được trả”, chị cho biết.
Bệnh viện sẽ chấn chỉnh
Trao đổi với chúng tôi ngày 21.10, bác sĩ Lê Trần Quang Minh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - cho rằng, việc bác sĩ kê thuốc thuộc loại “thận trọng với phụ nữ đang cho con bú” như trường hợp chị Nhung là do thiếu sự thông tin 2 chiều giữa người bệnh và bác sĩ. “Nói lỗi của ai thì hơi khó. Bệnh nhân nên cho bác sĩ biết đầy đủ thông tin về mình”, ông nói.
Toa thuốc của chị Nhung. Ảnh: Quốc Ngọc
Đại diện khoa Dược bệnh viện giải thích, các thuốc trong toa theo phân loại B tức chưa ghi nhận các tác dụng không mong muốn trên người hoặc động vật thí nghiệm, chỉ lưu ý thận trọng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Chị Nhung có thể uống thuốc sau khi đã cho con bú.Về thời gian điều trị 14 ngày, theo khoa Dược, có thể do nhu cầu của bệnh nhân ở xa hoặc tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ cho thuốc dài ngày. Toa thông thường chỉ từ 7 đến 10 ngày và không có toa nào được quá 3 tuần hoặc 1 tháng. Trong khi theo chị Nhung, chị không thuộc “diện” ở xa và tình trạng bệnh cũng nhẹ.
Các dược sĩ cũng tỏ ra đáng tiếc vì cách trả lời bệnh nhân của người trực tổng đài bệnh viện. Đối với vấn đề thuốc, việc đổi hay trả thuốc thuộc y lệnh của bác sĩ. Do đó, cần mời bệnh nhân đến bệnh viện gặp lại bác sĩ và giải quyết thỏa đáng.
Bác sĩ Minh cũng cho biết: "Thông thường, sau khi khám, nếu bệnh nhân có bất cứ vấn đề gì như dị ứng thuốc, chúng tôi sẽ cho khám lại hoặc trả lại thuốc, đổi thuốc. Chúng tôi sẽ tổ chức nhắc nhở, rút kinh nghiệm anh em trực đường dây nóng, tổng đài về vấn đề này. Không thể trả lời người bệnh như vậy được".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông thường bác sĩ tai mũi họng không cho cùng lúc thuốc Delopedil 5mg (chống viêm mũi dị ứng nước trong) và Medovent 30mg (tác dụng long đờm). Vì viêm mũi dị ứng nước trong xảy ra trong những ngày đầu của quá trình viêm. Còn thuốc long đờm, dùng cho giai đoạn đã có sự nhiễm trùng, cần tống đờm ra.Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM - lại khẳng định, việc cho cùng lúc 2 thuốc này trong viên họng vẫn phù hợp với nguyên tắc của chuyên khoa tai mũi họng.