Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc

Nói đến vị danh tướng của lòng trung thời Tam Quốc là Quan Vũ, không ai không biết về con người ông, thế nhưng để có được tạo hình của ông trên sân khấu, điện ảnh lại là chuyện không hề đơn giản.

Lòng trung và sự tôn thờ của dân gian

Quan Vũ (160 - 220) là một danh tướng sống ở cuối nhà Đông Hán, thời Tam Quốc. Tên chữ của Quan Vũ là Trường Sinh, sau đổi thành Vân Trường, sinh ra và lớn lên tại Giải Lương, Hà Đông (nay là Vân Thành, tỉnh Sơn Tây). Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị, là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi.

Quan Vũ được đánh giá là người dũng cảm phi thường, đứng đầu toàn quân. Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Quan Vũ là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán, gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 1

Tạo hình Quan Vân Trường của nghệ sĩ Lục Thụ Minh phiên bản Tam Quốc Diễn Nghĩa (1994).

Ông trọng điều nghĩa, giữ chữ tín, là bầy tôi trung thành. Dù được Tào Tháo hậu đãi nhưng ông không từ bỏ Lưu Bị; theo Lưu Bị nhiều năm phải trải qua gian lao khó nhọc nhưng ông vẫn một lòng không thay đổi. Ông cùng với Triệu Vân, Trương Phi là nhưng vị tướng theo sớm Lưu Bị nhất và trung thành nhất với Lưu Bị. Tình huynh đệ giữa ông với Lưu Bị và Trương Phi được La Quán Trung ca ngợi. Xuyên suốt trong Tam quốc, cụm từ "kết nghĩa vườn đào" là tượng trưng cho tình nghĩa huynh đệ thắm thiết, keo sơn, không vì phú quý, công danh, khó khăn, hoạn nạn mà mờ phai. Ngoài ra ông còn là một người trọng tình nghĩa.

Các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng nhiều lần ca tụng và phong tặng những mỹ từ dành cho Quan Vũ, vua nhà Minh coi ông là vị thần hộ quốc, triều Thanh phong ông là Trung Nghĩa Thần Võ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Quan Thánh Đại Đế, đồng thời tôn vinh là Võ Thánh, tức là ngang hàng với danh xưng Văn Thánh của Khổng Tử. Ngay từ thời Đường, ông đã được thờ trong võ miếu, bên cạnh danh tướng nhà Chu là Khương Tử Nha.

Không những thế, hình tượng Quan Vũ còn được thờ cúng phổ biến trong Phật giáo Tạng truyền vùng Tây Tạng. Ông được truy phong là Gia Khâm hộ pháp Quan Vân Trường. Ở Nhật Bản, xuất hiện hàng loạt những miếu thờ Quan Vũ với ý nghĩa là vị thần bảo hộ cho việc học và kinh doanh. Điều này ảnh hưởng từ tín ngưỡng của Đạo giáo lên việc thờ Quan Đế, cho ông là một vị Thần Tài.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 2

Quan Vũ được coi là thần hộ mệnh, thần tài... trong dân gian, với tên gọi Quan Công.

Bên cạnh đó, Quan Vũ còn được dân gian thờ phụng như Thần hộ mệnh; giới thương nhân coi ông như thần tài (thuở hàn vi ông từng làm nghề bán đậu phụ); Tầng lớp nho sĩ coi ông như thần văn học (tượng Quan Vũ trên 1 tay có cầm Kinh Xuân Thu); Giới quân sự coi ông như vị thần bảo vệ bản mệnh. Các đao phủ thường giấu đao trong đền thờ ông vì họ cho rằng uy linh của ông sẽ ngăn trở oan hồn về báo oán. Mặc dù dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa thì các nhà sử học cũng phê phán ông về các tính kiêu căng, ngạo mạn.

Quan Vũ trong nghệ thuật và diễn xướng

Quan Vũ là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...  Với những chiến tích và phẩm chất đạo đức được đề cao cũng như được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian, được xưng tụng thành Quan Công.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 3

Tạo hình Quan Vũ của Vu Quang Vinh trong Tam Quốc (2009).

Quan Vũ được miêu tả với chiều cao 9 thước (khoảng 2,17m), mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày ngài, râu dài 2 thước, tướng mạo phi thường, oai phong lẫm liệt. Trong đó, mắt phượng mày tằm được cho là hình tượng người hiếm gặp trên đời. Người tướng mắt phượng là người có uy quyền, mày ngài tựa sương khói vần vũ, oai phong lấn át người khác.

Có thuyết cho rẳng, mỗi khi Quan Vũ trợn mắt phượng là khi ông tức giận và muốn hạ thủ giết người. Bộ râu dài và đẹp của Quan Vũ trở thành "vạn nhân chi địch, trung nghĩa song toàn". Gương mặt đỏ của Quan Vũ tượng trưng cho người trung thành và dũng cảm.

Còn theo mô phỏng trong cuốn Kinh Minh thánh, Quan Vũ có mày tằm hình chữ bát, mắt phượng sáng như sao, râu rồng rõ năm chòm, trán hùm thân lẫm liệt. Từ đó mới sinh ra những câu đối thường xuất hiện tại các đền của ông như: "Mặt đỏ lòng son, cưỡi Xích thố như gió, khi rong ruổi không quên vua Đỏ. Đèn xanh xem sử xanh, nương thanh long yển nguyệt, chốn ẩn vi chẳng thẹn với trời xanh".

Trong văn học, đặc biệt với Tam Quốc diễn nghĩa cũng như hội họa, nghệ thuật  biểu diễn, phim ảnh về sau, đều khắc họa hình ảnh Quan Vũ với mặt đỏ, râu dài, mày ngài mắt phượng, đội mũ khôi đầu xanh, tay mang cây Thanh long yển nguyệt đao, cưỡi ngựa xích thố. Phía sau đeo quả cầu nhung khâu kim tuyến, hai bên tai có dải mũ trắng tua vàng (chủ yếu sử dụng trên sân khấu kịch), mang áo xanh lục. Bên cạnh đó, Quan Công được cho là có hơn 48 thế, được làm chẵn với tên gọi Quan Công tứ bát đồ.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 4

Quan Vũ với mày ngài mắt phượng, tay cầm thanh long đao, cỡi ngựa Xích thố.

Hình tượng Quan Vũ được nhiều người biết đến qua điển tích Cạo xương trị thương. Khi đánh Phàn Thành, Quan Vũ bị trúng tên độc của Tào Nhân. Thuốc độc ngấm vào tận xương nguy hiểm tính mạng. Danh y Hoa Đà đến chữa, đề nghị gây mê để khoét thịt cạo độc trong xương, Quan Vũ không đồng nghe mà vẫn thản nhiên vừa uống rượu nhắm thịt, vừa đánh cờ với Mã Lương trong lúc Hoa Đà chữa tay, máu chảy lênh loáng. Chính Hoa Đà phải khâm phục dũng khí của ông.

Luật định khắt khe trong biểu diễn

Hình tượng Quan Công trong sân khấu kịch ở Trung Quốc trước đây từng quy định khá nghiêm ngặt và rạch ròi. Diễn viên trước khi thủ vai Quan Công phải trai giới và ở một mình trong 10 ngày, xông hương tắm gội tịnh thân. Trước khi lên sân khấu phải thắp hương cúi đầu cầu khấn trước tượng Quan Đế, sau đó giết gà làm lễ cúng.

Ngoài ra, diễn viên còn phải đính một tờ giấy vàng có hình Quan Công trên mũ khôi đầu hoặc phía trước ngực. Sau khi diễn xong, dùng giấy này xoa lên mặt và mang hóa trước tượng Quan Đế với ý nghĩa cảm ơn ông đã phù hộ cho vai diễn thành công.

Thời phong kiến, mỗi khi có diễn vở liên quan đến Quan Vũ, trước khi nhân vật Quan Công xuất hiện, tất cả vua, hoàng hậu đến các phi đều phải rời khỏi ghế ngồi, tiến vài bước sau đó mới được phép trở lại ngồi xem kịch.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 5

Trước khi lên sân khấu, diễn viên phải thắp hương và cúi đầu thành kính trước tranh tượng Quan Công.

Ngày nay, những diễn viên đóng vai Quan Vũ cũng phải tuân thủ không ít quy định cấm như sau khi hóa trang xong, không được phép cười lớn, không có hành vi gian ác. Ngay cả những diễn viên khác khi  nhìn thấy người đóng Quan Vũ cũng không được phép có những hành động thất ý, lỗ mãng.

Nghi vấn về long đao và ngựa xích thố

Những năm chinh chiến trận mạc và lập công trận, Quan Vũ gắn bó với vũ khí là thanh long đao và ngựa chiến là ngựa xích thố. Thanh long đao còn có tên gọi là Thanh long yển nguyệt (yển nguyệt là trăng lưỡi liềm) do ông đặt rèn khi chuẩn bị đánh quân Khăn Vàng từ hồi 1 trong tiểu thuyết. Vì trên thân đao có chạm rồng xanh, đao hình bán nguyệt, lưỡi đao có hình răng cưa, do vậy mà thành tên Thanh long yển nguyệt. Tương truyền thanh long đao của ông nặng 82 cân , 1 cân thời Tam Quốc bằng 220 gram ngày nay, như vậy 82 cân tương đương 36kg thời hiện đại.

Tuy sử liệu ghi như vậy, thế nhưng thời Tam Quốc chưa hề xuất hiện thứ vũ khí có tên gọi như vậy, chỉ đến đời Đường mới xuất hiện thứ binh khí mang tên Thanh long yển nguyệt đao, nhưng chỉ dùng với ý nghĩa là đồ nghi trượng mà đội hộ vệ hộ tống nhà vua hay vác theo, không có tác dụng chiến đấu.

Yển nguyệt đao của Quan Vũ được tìm thấy trong ghi chép trong cuốn Võ kinh tổng yếu thời Bắc Tống, các tác gia thời đó đã gắn binh khí thời sau với hình tượng của Quan Vũ. Yển nguyệt đao là dạng binh khí hạng nặng, người thường xuyên luyện tập võ công có thể sử dụng được, tuy vậy về cơ bản không được sử dụng trong chiến trận vì quá nặng, không tiện cho việc tác chiến một cách linh hoạt. Việc gắn hình tượng yển nguyệt đao với Quan Vũ của người đời sau có ý nghĩa tôn vinh khả năng siêu việt và uy võ của ông.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 6

Thanh yển nguyệt long đao của Quan Vũ phải đến thời Đường mới xuất hiện.

Ngựa chiến Xích thố nổi tiếng của ông vốn là ngựa của Đổng Trác, được coi là "đệ nhất thần mã" trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Trác mang tặng Lã Bố để mua chuộc Bố phản Đinh Nguyên về theo mình. Lã Bố bị giết, ngựa về chuồng của Tào Tháo. Tào Tháo muốn lấy lòng Quan Vũ bèn tặng ngựa xích thố cho ông. Ngựa quý một ngày có thể đi ngàn dặm, sau này theo Quan Vũ qua 5 ải chém 6 tướng và lập nhiều chiến tích.

Trong Tam Quốc Chí, ngựa xích thố tuy không được nhắc đến nhưng được xưng tụng với khả năng "ngày chạy nghàn dặm, đêm chạy 8 trăm/nhật hành thiên lý, dạ  hành bát bách", tốc độ ngang với xe hơi thời nay. Ngoài ra, trong tiểu thuyết còn cho biết, ngựa xích thố phục vụ các anh hùng hảo hán gần 30 năm (từ năm công nguyên 189 thời Đổng Trác nhập triều cho đến khi Quan Vũ qua đời năm 220). Sự thực tuổi thọ của một chiến mã không dài đến như vậy. Sau khi Quan Vũ qua đời, ngựa xích thố vẫn ở nước Đông Ngô, sau nhiều ngày tuyệt thực không ăn uống gì mà chết.

Hình tượng Quan Vũ trên phim ảnh

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 7

Nghệ sĩ Vương Nguyên Long.

Bộ phim điện ảnh đen trắng Quan Vân Trường trung nghĩa thiên thu/Guan Yunchang's Loyalty (1949) của đạo diễn Nhạc Phong, vai diễn Quan Vân Trường do nam diễn viên Vương Nguyên Long thủ diễn.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 8

Cốc Minh Luân.

Bộ phim cổ trang mang hơi hướng khoa học viễn tưởng ly kỳ của Đài Loan với tên gọi Quan Công đại chiến người ngoài hành tinh (1976), đạo diễn Trần Hồng Dân dàn dựng. Vai diễn Quan Công do nam diễn viên Cốc Minh Luân thủ vai. Đây là bộ phim về Quan Công đầu tiên và sớm nhất làm theo thể loại khoa học viễn tưởng, thu hút đông đảo người xem thời bấy giờ.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 9

Ngô Mạnh Đạt.

Cây hài gạo cội Hồng Kông Ngô Mạnh Đạt vào vai một Quan Công hài hước trong bộ phim truyền hình Lộc Đỉnh Ký (1984) phiên bản Lương Triều Vỹ, do đạo diễn Hãn Thiếp Ma dàn dựng.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 10

Hầu Thiếu Khuê.

Năm 1989, nam diễn viên Hầu Thiếu Khuê vào vai Quan Công trong bộ phim Quan Công/The Marquis Guan Yu của đạo diễn Dương Khiết Hữu. Tạo hình của Hầu Thiếu Khuê được đánh giá rất giống với hình tượng Quan Công trong tiểu thuyết. Phim còn có sự góp mặt của nam diễn viên Trần Đạo Minh trong vai Chu Du.

Nam tài tử Hồng Kông Hoàng Thu Sinh trong vai Quan Công với phim Giang hồ báo nguy/Jiang Hu - The Triad Zone (2000) của đạo diễn Lâm Siêu Hiền. Về ngoại hình cũng như tướng mạo của Hoàng Thu Sinh khá giống với tạo hình như trong Tam Quốc diễn nghĩa miêu tả.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 11

Hoàng Thu Sinh.

Đặc biệt khi ông cầm thanh yển nguyệt đao, đầu ngẩng cao rất có thần thái. Nếu cặp mắt xếch hơn chút nữa, tạo hình Quan Công của Hoàng Thu Sinh coi như trở thành mẫu hình kinh điển của điện ảnh Hồng Kông. Dẫu sao, Hoàng Thu Sinh vẫn mang đến cho khán giả ấn tượng về một Quan Công hơi quá hào phóng, gây cười vì vậy chưa đủ cảm giác về một  nhân vật trung nghĩa.

Hai cửa ải với diễn viên có vai diễn Quan Vũ kinh điển

Thành công hơn cả và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ, có lẽ phải nói đến Quan Vân Trường của nam diễn viên gạo cội Lục Thụ Minh (Suk Bung Luk) qua bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa (1994). Từng có người nhận định, nếu Quan Vũ "đầu thai tái thế", Lục Thụ Minh đích xác là nhục thân của ông thời hiện tại. Một diễn viên sở hữu từ chiều cao đến ngoại hình đều thực sự giống với nguyên gốc nhân vật trong tiểu thuyết.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 12

Tạo hình Quan Vũ kinh điển của Lục Thụ Minh.

Mặc dù thần thái mới là điều quan trọng, thế nhưng Lục Thụ Minh đã thể hiện được điều này qua biểu cảm khuôn mặt, sự uy phong lẫm liệt đều được ông mô phỏng một cách tài tình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vai diễn Quan Vũ của Lục Thụ Minh trở thành phiên bản kinh điển khó có diễn viên nào có thể vượt qua.

Theo như lời kể lại của ông sau này cho rằng, vai diễn trên chẳng khác "mua vé số trúng giải độc đắc". Năm đó Lục Thụ Minh đang quay phim thì gặp trời mưa, vốn là người cẩn thận, ông sực nhớ cửa sổ ở nhà chưa đóng, vội chạy về nhà thì cửa nhà vẫn đóng nguyên. Lục phát hiện gần cửa một mẩu giấy được để lại cách đó 3 hôm, là giấy mời của đài truyền hình trung ương Trung Quốc, mời đến thử vai, thời hạn lúc đó đã là hạn chót. Lục Thụ Minh tức tốc đạp xe, đội mưa tìm cơ hội ngàn năm có một trong đời một diễn viên. Vậy là năm đó Lục Thụ Minh được tuyển vào đoàn phim Tam Quốc Diễn Nghĩa, là diễn viên cuối cùng của đoàn được nhận vào đoàn.

Thụ Minh có lợi thế là thân hình cao lớn (1,86m), cơ thể vạm vỡ cường tráng. Cho dù không thể bằng chiều cao hơn 2m như của Quan Vũ, thế nhưng cũng được coi là rất gần với hình tượng nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết. Nhược điểm của Lục Thụ Minh đó chính là việc ông không được học võ từ trước đó, tuy vậy ông từng là vận động viên bỏ rổ cũng giúp ông thực hiện những động tác võ thuật có hồn hơn.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 13

Lục Thụ Minh vai Quan Vũ cùng các diễn viên gạo cội trong Tam Quốc Diễn Nghĩ (1994).

Bộ phim hoàn thành sau 4 năm khởi quay (1990 - 1994), Lục Thụ Minh không quản khó khăn, vất vả cũng như học hỏi làm sao mang lại tạo hình một Quan Vũ kiệt xuất, trung nghĩa, kiên trung, dũng cảm và không phụ lòng mong đợi của đoàn phim. Nam diễn viên 57 tuổi chia sẻ quãng thời gian đầu tham gia đoàn phim ông gặp khá nhiều khó khăn.

Cửa ải đầu tiên là dùng nhiễu quấn đầu như các diễn viên kinh  kịch thường làm, để tạo cho mắt thật xếch đúng như hình tượng Quan Vũ trong miêu tả của dân gian và văn học. Việc siết khăn quấn đầu quá chặt khiến ông nhiều lúc thấy chóng mặt, buồn nôn. Cách làm trên dường như không hiệu quả, đoàn phim phải mua miếng băng nhựa nhập khẩu từ Mỹ, hàng ngày dán lên thái dương cho Thụ Minh, dán xong thì giật mạnh xuống. Ngày thứ hai lại tiếp tục dán và kéo mạnh. Công việc này cứ lặp đi lặp lại hàng tháng, hàng năm trời, chảy máu, mưng mủ là chuyện thường ngày mà ông phải chịu đựng.

Cửa ải thứ hai là việc cỡi ngựa. Trong suốt quá trình đóng phim, Lục Thụ Minh bị ngã ngựa tổng cộng 6 lần. Trong đó có phân cảnh Đào viên tam kết nghĩa, Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi cùng cỡi ngựa chạy bên sông, nhằm thể hiện được tinh thần và  ý chí hứng khởi của cả ba nhân vật. Thế nhưng khi quay, Lục Thụ Minh bị ngã rớt lại, ca ngã khá nặng khiến eo của ông bị va đập vào một tảng đá lớn, Thụ Minh lập tức được đưa vào viện. Bác sĩ liền đặt Thụ Minh nằm lên giường bệnh, nhờ một vài người giữ chặt tay chân, lấy một chiếc gậy nhỏ cho ông cắn chặt, sau đó dùng một kim tiên cỡ lớn để hút máu tụ của vết thương. Đau đến nỗi Thụ Minh hét váng lên, bác sĩ quát: "Gào gì mà gào, Quan Công cạo xương còn không gào nữa là". Nghe vậy, Lục Thụ Minh đành nói: "Bác sĩ ơi, tôi có phải Quan Công thật đâu!".

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 14

Cảnh Quan Vũ được Hoa Đà cạo xương qua tạo hình của Lục Thụ Minh.

Đoạn trích Hoa Đà cạo xương giải độc cho Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (1994).

Lục Thụ Minh từng được biết đến với những tác phẩm điện ảnh lớn, chỉ có điều ông chưa gặp thời. Có thể kể đến bộ phim Cổ kim đại chiến Tần dũng tình/Fifght And Love With A Terracotta Warrior (1990) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đóng chung cùng Hoa đán Củng Lợi. Thế nhưng phải đến khi hoàn thành vai diễn Quan Vân Trường trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, danh tiếng của Lục mới thực sự được biết đến và nổi tiếng khắp Trung Quốc. Bộ phim trên cũng đồng thời trở thành dấu mốc quan trọng nhất trong nghiệp diễn của Lục Thụ Minh.

Việc nhận được giấy mời từ đài trung ương cũng là một chuyện hết sức tình cờ đối với Lục Thụ Minh. Năm ông tham gia bộ phim của Trương Nghệ Mưu, bức ảnh hóa trang của ông được chuyên gia hóa trang của đoàn giữ lại. Năm đoàn Tam Quốc Diễn Nghĩa tuyển diễn viên, bức hình của Lục được chọn, đồng thời gửi giấy đến nhà của ông ở Thiểm Tây, tỉnh Tây An.

Tên tuổi của ông đã gắn liền với nhân vật Quan Vũ, ông còn được mời làm hình ảnh đại diện cho quê hương của Quan Vân Trường. Hằng năm cứ đến ngày 6/8, ông lại trở lại nhà của Quan Vũ ở Vân Thành, tỉnh Sơn Tây để tưởng niệm nhân vật đã mang lại thành công vang dội cho ông trong nghiệp diễn.

Quan Vũ: Kiệt xuất anh hùng thời Tam Quốc - 15

Nghệ sĩ Cấu Phong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN