BTV giọng địa phương: "Xóa bỏ kỳ thị vùng miền"
Phó Giáo sư, Tiến sỹ ngôn ngữ học Nguyễn Hồng Cổn cho rằng, việc sử dụng BTV nói giọng địa phương trên VTV góp phần xóa bỏ sự kỳ thị vùng miền.
Gần đây, việc một phát thanh viên nói giọng Huế xuất hiện trong bản tin Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cảm thấy thích thú và ủng hộ hành động của VTV. Họ cho rằng, không nên có sự phân biệt giọng vùng miền trong đội ngũ Biên tập viên (BTV), Phóng viên (PV).
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phản đối vì theo họ, Đài truyền hình quốc gia cần phải có một tiếng nói chung chứ không nên địa phương hóa như thế.
Trước những ý kiến trái chiều đó, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Cổn – Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ rất thú vị.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Hồng Cổn.
Việc BTV nói giọng Huế xuất hiện trong chương trình Thời sự lúc 12h trưa của VTV đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, ngay cả đối với những người trong nghề. Với tư cách là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ, Phó Giáo sư nghĩ sao về sự việc này?
Tôi cho đó là một dấu hiệu tốt. Cách đây khoảng 10 năm, khi đó VTV vẫn chỉ sử dụng các BTV nói giọng phương ngữ Bắc, chủ yếu là giọng Hà Nội thì tại một cuộc hội thảo, tôi đã phát biểu, đài truyền hình nên đa dạng hóa đội ngũ BTV, PTV có giọng nói các vùng miền khác nhau cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.
Với nhiều người, việc VTV để một BTV nói giọng Huế (mới đây) và một BTV nói giọng Nam (cách đây vài năm) lên hình trong Bản tin Thời sự có thể là bất ngờ nhưng theo tôi, VTV đã chuẩn bị cẩn thận và đã có một lộ trình cho sự thay đổi này.
Thay đổi đầu tiên là VTV đưa vào chương trình Thời sự các tin tức/phóng sự do các đài truyền hình địa phương sản xuất, do các BTV, PV nói giọng địa phương thực hiện. Điều này không chỉ giúp khán giả cả nước nắm được thông tin ở các địa phương mà còn tạo cơ hội để họ làm quen với sự khác biệt về ngôn ngữ (chủ yếu về ngữ âm) ở các vùng miền.
Tiếp đến, các BTV và PV nói giọng địa phương (phương ngữ Nam và phương ngữ Trung) đã xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình của VTV như cầu truyền hình trực tiếp, game show, phóng sự về bão lụt, tin tức hời sự… Và cuối cùng, như chúng ta thấy gần đây, các BTV và PTV nói giọng địa phương đã xuất hiện như là các BTV chính, hay PV chính trong các chương trình thời sự.
Một số người cho rằng, đài truyền hình quốc gia phải sử dụng ngôn ngữ chuẩn của tiếng Việt, đặc biệt là giọng Hà Nội. Phó Giáo sư nghĩ sao về điều này?
Quan niệm này không chỉ là của nhiều khán giả xem truyền hình mà cả của một số nhà chuyên môn hoặc quản lý. Về lý thuyết, trong Ngôn ngữ học từ lâu đã tồn tại quan niệm chuẩn của một ngôn ngữ là ngôn ngữ ở vùng miền có sự phát triển nhất về mặt kinh tế và văn hoá, và thường là Thủ đô.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định chuẩn ngôn ngữ như không phải là vấn đề đơn giản, và khái niệm ngôn ngữ chuẩn thường gây nhiều tranh cãi. Đối với tiếng Việt cũng vậy. Cho tới nay, khi nói về chuẩn của tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học mới chỉ cơ bản thống nhất được với nhau các chuẩn về mặt ngữ pháp, từ vựng và chính tả, còn về mặt ngữ âm thì chưa thống nhất được.
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo và nhiều ý kiến khác nhau về chuẩn ngữ âm của tiếng Việt. Ngay cả những người ủng hộ quan niệm lấy giọng Hà Nội làm chuẩn ngữ âm tiếng Việt cũng chưa xác định rõ ràng được đâu là giọng chuẩn Hà Nội và trên thực tế đây là việc bất khả thi.
Theo tôi, nếu quan niệm có một thứ tiếng Việt chuẩn thì đó là tiếng Việt chung (phổ thông) có hệ thống ngữ pháp, từ vựng và chính tả thống nhất cho mọi vùng miền, nhưng đa dạng về mặt ngữ âm theo sự khác biệt vùng miền. Theo đó, chúng ta sẽ có tiếng Việt phổ thông giọng Bắc, tiếng Việt phổ giọng Nam hay Trung, thậm chí tiếng Việt giọng Huế, tiếng Việt giọng Nghệ An...
Nói cách khác, cần phân biệt tiếng Việt phổ thông giọng địa phương với tiếng địa phương (tức là các phương ngữ khác nhau không chỉ về ngữ âm mà cả từ vựng, thậm chí ngữ pháp). Các BTV, PTV người địa phương trên các chương trình của VTV nói tiếng Việt phổ thông theo giọng địa phương của họ chứ không nói tiếng địa phương hay phương ngữ.
Sự khác biệt về giọng nói của các vùng miền ở Việt Nam, đặc biệt là giọng nói ở các trung tâm như Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh không lớn đến mức làm cho người Việt các vùng miền không thể hiểu nhau khi nói/đọc tiếng Việt phổ thông.
Vì vậy, tôi cho rằng việc các BTV, PV nói tiếng Việt giọng địa phương (không phải là nói tiếng địa phương) xuất hiện trên chương trình Thời sự của VTV là có thể chấp nhận được, thậm chí cần khuyến khích, đặc biệt nếu xem xét tới những tác động của VTV ở phạm vi cả nước.
Biên tập viên nói giọng Huế - Anh Phương - khi xuất hiện trên VTV đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Nhưng thưa Phó Giáo sư, cũng có ý kiến cho rằng, làm như thế thì không khác gì đã "địa phương hóa đài truyền hình quốc gia"?
Như đã nói ở trên, những người quan niệm như vậy cũng có lý của họ, tức là họ đang quan niệm về chuẩn ngôn ngữ. Bên cạnh đó, chính sách sử dụng ngôn ngữ trong của các đài phát thanh và truyền hình Trung ương trong quá khứ (chủ yếu nói phương ngữ Bắc hay tiếng Hà Nội) vì những lý do lịch sử cũng đã để lại những thói quen không dễ thay đổi.
Nhưng nếu phân tích kỹ, tôi thấy nên đa dạng hoá giọng nói của các BTV và PV trên các đài phát thanh và đài truyền hình Trung ương vì 3 lý do sau đây:
Thứ nhất: Về mặt pháp lý, không có một luật nào qui định BTV hay PV của đài phát thanh hay đài truyền hình Trung ương chỉ nói tiếng Việt giọng Bắc hoặc giọng Hà Nội. Nếu có một văn bản dưới luật quy định như vậy thì rõ ràng là phạm luật, còn nếu không có văn bản quy đinh mà cứ áp dụng trong thực tế (chỉ dùng BTV và PV nói giọng Bắc hay giọng Hà Nội) cũng là phạm luật.
Việc quy định hay áp dụng theo luật bất thành văn như vậy trên thực tế sẽ làm cho những người nói tiếng Việt giọng địa phương (Trung hay Nam) sẽ khó có cơ hội vào các vị trí BTV, PV của các đài phát thanh hay truyền hình, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các vùng miền.
Thứ 2: Vì những lý do về mặt lịch sử, địa lí và ngôn ngữ, hiện nay giữa các vùng miền nước ta vẫn còn tồn tại khá nhiều các thành kiến, thậm chí cả sự kì thị. Việc sử dụng các BTV, PV nói tiếng Việt theo giọng địa phương trên các chương trình của các đài phát thanh, đài truyền hình Trung ương sẽ góp phần xoá bỏ bớt rào cản về ngôn ngữ giữa các vùng miền, giảm bớt sự kỳ thị giữa các vùng miền nói chung và sự kì thị về mặt ngôn ngữ giữa các vùng miền nói riêng, tạo ra sự thống nhất trong xã hội.
Nếu các đài phát thanh, truyền hình Trung ương chỉ sử dụng tiếng Việt giọng Bắc hay giọng Hà Nội, vô hình trung lại làm sâu sắc thêm sự kỳ thị ấy.
Thứ 3: Việc sử dụng các BTV, PV nói tiếng Việt giọng địa phương vừa làm các chương trình phong phú, nhiều màu sắc, vừa còn tạo nên sự gần gũi, thân thuộc với khán giả ở các vùng miền khác nhau.
Tôi lấy ví dụ, khán giả miền Nam đôi khi không thích xem VTV, trong đó có lý do là về mặt ngôn ngữ. Việc sử BTV nói tiếng Việt giọng Sài Gòn có thể kéo khán giả đến với các chương trình của Đài.
Tóm lại, việc sử dụng các BTV, PV nói giọng địa phương trên VTV sẽ góp phần xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, xóa bỏ sự kỳ thị vùng miền, làm tăng thêm sự gần gũi, thân thuộc của người dân ở các vùng miền đối với chương trình, tạo nên sự đồng cảm và thống nhất trong xã hội. Và theo tôi, điều đó sẽ làm cho VTV trở nên gần gũi với con người và xã hội hiện nay.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Cổn về những chia sẻ thú vị trên!