Thị trường ô tô ASEAN tăng trưởng, Việt Nam thụt lùi
Báo cáo doanh số tính đến hết Q3 2017 của Hiệp hội ô tô ASEAN cho thấy Việt Nam là một trong số hai quốc gia đang tăng trưởng âm.
Hiệp hội ô tô ASEAN (AAF) vừa công bố báo cáo doanh số tính đến hết tháng 9/2017. Báo cáo đợt này bao gồm số liệu từ 8 trên tổng số 10 quốc gia thành viên là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia, Indonesia và Brunei. Lào và Campuchia không cung cấp dữ liệu.
Theo đó, tổng lượng xe bán ra của 8 quốc gia kể trên đạt 2.436.271 xe, đạt tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016 (2.308.028 xe). Indonesia vẫn chiếm thị phần nhiều nhất với 872.841 xe bán ra, tăng trưởng 2,7%. Xếp thứ nhì về doanh số là Thái Lan với 620.715 xe bán ra, tăng trưởng 11,5%.
Thị trường ô tô lớn thứ 3 khu vực ASEAN là Malaysia có dấu hiệu chững lại với doanh số 425.711 xe, tăng trưởng 1,8%. Singapore cũng bán được một lượng đáng kể với 84.829 xe, dù chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 1%.
Xét về tốc độ tăng trưởng, Myanmar gây ấn tượng nhất với mức 80% dù chỉ bán được 5.369 xe. Philippines đứng thứ hai về tăng trưởng khi đạt 15,9%, nhờ doanh số lên đến 302.869 xe.
Hai quốc gia còn lại trong đợt thống kê lần này ghi nhận tăng trưởng âm. Doanh số bán xe tại Việt Nam giảm 4,2% từ 192.922 chiếc trong năm ngoái xuống 184.831 xe, tính đến hết Q3 năm nay. Brunei thì giảm đến 7%, từ mức 9.447 xe xuống 8.790 chiếc.
Kết quả này thực ra đã được dự đoán từ trước đó khá lâu, khi tâm lý người tiêu dùng chờ đợi "xe giá rẻ" vào năm 2018 với mức thuế nhập khẩu xe từ ASEAN giảm xuống 0% (áp dụng cho xe đạt tỷ lệ nội địa hoá nội khối từ 40%) đã khiến các hãng xe không bán được nhiều như các năm trước.