Người Việt Nam mua ô tô đắt đỏ nhất thế giới

“Việt Nam là một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới nếu muốn sở hữu một chiếc xe hơi”.

Đắt gấp 3 lần thế giới

Tổng giám đốc hãng xe hơi Porsche Việt Nam, ông Andreas Klingler đưa ra nhận xét tại cuộc hội thảo "Thực trạng và giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển ngành công nghiệp và thị trường ô tô Việt Nam" vừa được tổ chức ngày 27/9, trong khuôn khổ triển lãm ô tô Việt Nam 2012 đang diễn ra tại Hà Nội.

Người Việt Nam mua ô tô đắt đỏ nhất thế giới - 1

Chiếc Porsche 911 tại Vietnam Motor Show 2012

Ông Andreas Klingler lý giải nguyên nhân giá ô tô ở Việt Nam rất đắt là do thuế và phí cao. Mặc dù thuế nhập khẩu đang giảm theo cam kết với WTO nhưng các loại phí thuế liên quan đang tăng, vì vậy các loại xe hơi vẫn đắt lên theo năm. Vị Tổng Giám đốc của Porsche Việt Nam phàn nàn, trong khi cơ sở hạ tầng được cải thiện rất chậm, có vẻ như giải pháp duy nhất để bảo đảm lưu lượng giao thông vừa phải trên đường phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là giảm bớt lượng ô tô cá nhân và lưu thông của phương tiện này. Các chính sách về thuế và phí cao đang thể hiện điều đó. Việc duy trì xe hơi ở một giá cao “ “nhân tạo” làm cho ngày càng có ít người mơ tới sở hữu một chiếc xe hơi”.

Đồng tình với ý kiến của vị Tổng giám đốc hãng xe hơi Porsche Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, không ở đâu giống như ở Việt Nam, thu nhập đầu người còn khiêm tốn nhưng giá một chiếc ô tô lại đắt gấp 3 lần so với thế giới. Để có được một chiếc ô tô như nhau, người Việt Nam phải bỏ ra một khoản tiền cao gấp nhiều lần so với các nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới. Đây là một điều vô lý, người tiêu dùng Việt Nam cần được hưởng như người dân các nước. Theo ông Hùng, ô tô không còn là mặt hàng xa xỉ, mà là phương tiện đi lại, vận tải... giúp cho sản xuất tiêu dùng gần nhau. Có thể, các dòng ô tô có thương hiệu, có thể thu phí và thuế cao, nhưng các dòng ô tô dùng để đi lại, rẻ tiền, dung tích thấp... không nên đối xử như ô tô đắt tiền.

Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, mua một chiếc ô tô, người tiêu dùng phải gánh nhiều loại phí và thuế như lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu xe nguên chiếc, thuế VAT... làm cho giá thành đội lên tới 3 lần. Cùng một khoản tiền, ở ta mua được 1 chiếc xe, ở nước ngoài mua được 2 đến 3 chiếc. Chính phủ cần tính toán để giá ô tô trong nước ngang bằng với giá ô tô trong khu vực và thế giới. Xét về lĩnh vực vận tải, việc mua ô tô giá cao, làm cho phí dịch vụ vận tải cao hơn, tác động tiêu cực đến ngành vận tải nước nhà.

Không chỉ giá ô tô đắt, chi phí để nuôi ô tô ở Việt Nam cũng rất cao so với thế giới. Ví dụ như gửi xe ô tô đi giao dịch có giá trung bình 30 nghìn đồng/xe/lượt. Gửi xe ô tô qua đêm mất 2 triệu đồng/tháng. Nếu trung bình 1 chiếc xe đi 1.500km/tháng tốn hết khoảng hơn 100 lít xăng, số tiền chi ra cũng hơn 2,5 triệu đồng/tháng. Sắp tới có thể xe ô tô phải tính phí lưu hành hơn 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm người sở hữu xe mất cả trăm triệu nuôi xe, đó là chưa kể các loại phí cầu đường, phà... Con số này cao hơn cả ở các nước phát triển nhất thế giới như Mỹ, Anh, Singapore...

Thị trường sụt giảm

Phó vụ trưởng vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, ông Ngô Văn Trụ cho biết, thị trường ô tô Việt Nam có những sụt giảm nhanh chóng, bắt đầu từ năm 2010. Thị trường ASEAN 5 tháng đầu năm 2012 tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan là nước tăng trưởng cao nhất tới 208%, trong khi đó, Việt Nam là nước duy nhất có thị trường ô tô suy giảm. Như vậy, mặc dù tác động vĩ mô của thị tình hình kinh tế thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, tuy nhiên tác động chính làm ảnh hưởng thị trường vẫn đến từ các yếu tố nội tại. Theo ông Trụ, các chính sách thuế, phí biến động hàng năm và thị trường ô tô nhỏ thường biến động theo chính sách làm cho thị trường ô tô trong nước suy giảm.

Người Việt Nam mua ô tô đắt đỏ nhất thế giới - 2

Vậy tại sao trong khi thị trường ô tô toàn cầu đang tăng trưởng đáng kể (tăng 30%), nhưng thị trường trong nước suy giảm?Vị Tổng Giám đốc của Porsche Việt Nam lý giải hai nguyên nhân, thứ nhất là xe đắt đỏ, thứ hai là cơ sở hạ tầng không tốt. Dẫn chứng từ báo cáo của Bộ xây dựng năm 2008, có 6,18% diện tích đất ở Hà Nội được sử dụng cho hệ thống giao thông, trong khi đó, theo chuẩn thế giới, diện tích sử dụng cho hệ thống giao thông từ 15% đến 20%. Theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, không hẳn người dân không có tiền mua ô tô mà chính bởi những loại phí, thuế cao và thảo luận về phí lưu thông làm cho người dân không muốn mua ô tô.

Có mặt từ sớm tham dự hội thảo, đại diện phía doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, ông Bùi Ngọc Huyên, TGD hãng ô tô Xuân Kiên (VINAXUKI) làm nóng buổi hội thảo bởi những ý kiến khá gay gắt về mức thuế và phí quá cao, đẩy giá thành của ô tô sản xuất trong nước lên cao. Ví dụ như một chiếc ô tô 4 chỗ loại rẻ nhất của VINAXUKI xuất xưởng giá 220 triệu đồng, nhưng thực tế chi phí để cho ra sản phẩm có hơn một trăm triệu đồng. Người mua lại tiếp tục chịu các loại thuế, phí, đăng ký... Ông Huyên cho rằng, Việt Nam chưa có một chính sách dài hạn để phát triển ngành ô tô trong nước. Trong khi Nhà nước có chính sách ưu đãi những doanh nghiệp tham gia nội địa hóa sản phẩm nhưng VINAXUKI không được hưởng chế độ ưu đãi nào dù đầu tư nhiều máy móc, thiết bị để nội địa hóa ô tô đến 56%-58%. “Tôi hoàn thành dự án thành công, đến cơ quan Nhà nước xin ưu đãi, họ bảo phải về thuê tư vấn viết lại. Tại sao tôi phải viết lại khi dự án tôi viết thành công, chiếc ô tô vẫn ra đời. Tôi thà không lấy ưu đãi, chứ không thể viết lại dự án hoàn hảo”.

Các chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô kiến nghị, giải pháp hữu hiệu nhất là Chính phủ cần minh bạch và hạ thấp các mức phí, thuế. Việc để người Việt phải bỏ tiền gấp 2 đến 3 lần so với các nước giàu có khác để mua một chiếc xe ô tô là vô lý. Ngoài ra, phí trước bạ hiện nay là 15% và 20% với Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội là quá cao, cần đưa về mức dưới 10%. Loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng không nên có đưa ra. Có như vậy, sẽ "cứu" thị trường ô tô đang trầm lắng, phát triển một ngành công nghiệp ô tô bền vững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN