Trào lưu tẩy trắng da ở... châu Phi

Từ khi cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela chiến thắng trong cuộc đấu tranh vì nền dân chủ đa sắc tộc năm 1994, tất cả người da đen trên thế giới đã có quyền tự hào về chủng tộc và nguồn gốc của họ. Tuy nhiên, cho đến nay làn da đen với suy nghĩ bị phân biệt đối xử vẫn là nỗi ám ảnh của không ít người dân tại các quốc gia châu Phi.

Hạnh phúc hơn khi có làn da trắng?

Một nghiên cứu mới đây của trường đại học Cape Town (Nam Phi) cho thấy, trung bình cứ ba người phụ nữ ở Nam Phi thì có một người muốn tẩy làn da đen của mình. Lý do được đưa ra cũng đa dạng như nền văn hóa của đất nước này, nhưng hầu hết những người phụ nữ cho biết, họ muốn tẩy da đơn giản vì muốn có làn da trắng. Nữ nhạc sỹ Nam Phi Nomasonto Mnisi hiện đang sở hữu một làn da sáng hơn làn da đen bẩm sinh cô của nhờ việc tẩy trắng. Làn da mới làm cô cảm thấy đẹp và tự tin hơn rất nhiều.

Mnisi đã bị chỉ trích rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội khi xuất hiện với làn da mới. Tuy nhiên, người phụ nữ 30 tuổi này vẫn rất hài lòng với quyết định của mình. Cô cho biết: "Tẩy trắng da là một sự lựa chọn cá nhân tôi, cũng giống như phẫu thuật nâng ngực hoặc sửa mũi vậy, không có gì nghiêm trọng cả. Tôi đã phải chịu đựng làn da đen trong nhiều năm và tôi thấy đây là một vấn đề về lòng tự trọng. Hiện giờ, tôi rất hài lòng với làn da của mình". Trong vài năm qua, Mnisi đã phải trải qua nhiều lần tẩy da. Mỗi lần mất khoảng 5.000 rand (590 USD).

Trào lưu tẩy trắng da ở... châu Phi - 1

Nomasonto Mnisi trước và sau khi tẩy trắng da. Ảnh: BBC

Làm sáng da không chỉ là một niềm đam mê và nỗi ám ảnh của phụ nữ. Hiện nay, có nhiều người đàn ông da đen cũng đã tham gia vào trào lưu tẩy trắng da. Nhà tạo mẫu tóc người Congo Jackson Marcelle đã tiêm một loại thuốc đặc biệt để tẩy làn da đen của mình trong 10 năm qua. Mỗi lần tiêm kéo dài trong 6 tháng.

Anh cho biết: "Tôi cầu nguyện mỗi ngày và tôi cầu xin Thiên Chúa. Đức Chúa Trời tại sao lại cho tôi làn da đen như vậy? Tôi không thích màu đen, tôi không thích da đen. Tôi thích người da trắng vì người da đen luôn bị coi là nguy hiểm. Bây giờ, mọi người đối xử với tôi tốt hơn bởi vì nhìn tôi cũng giống như những người da trắng". Marcelle cho biết thêm mẹ anh cũng đã bôi kem làm trắng da cho anh từ nhỏ để anh "ít đen" nhất có thể.

Cho đến ngày nay, có rất nhiều phụ nữ châu Phi và cả châu Á sống ở phương Tây đã được toại nguyện với làn da của mình nhờ những hóa chất tẩy trắng da đang lưu hành đầy rẫy trên thị trường. Họ cho rằng, mình sẽ không chỉ đẹp hơn mà bước đường công danh sự nghiệp cũng rộng mở hơn nếu có nước da sáng màu. Họ cũng phớt lờ những chiến dịch tuyên truyền y tế hay các cảnh báo mốt làm trắng da có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sỹ tại bệnh viện da liễu Dakar cho biết, mỗi tuần họ tiếp nhận khoảng 200 trường hợp liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm làm trắng da, chủ yếu là phụ nữ.

Nguy hiểm khôn lường

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y dược, các thuốc tẩy trắng da đang lưu hành trên thị trường thường có chứa chất hydroquinone và benzoyl peroxide. Các thí nghiệm mới đây cho thấy, việc sử dụng lâu dài hai loại hóa chất này sẽ dẫn đến hiện tượng biến dạng của da gọi là "ochronosis", khiến cho da bệnh nhân trông như da con báo hay con thằn lằn, lốm đốm và nhăn nheo. Đó là vì các chất có trong thuốc tẩy trắng da đã tiêu diệt hắc tố (melanocytes) có nhiệm vụ bảo vệ da thoát khỏi những tia tử ngoại từ mặt trời. Khi melanocytes không được sản sinh, chức năng phòng vệ của da bị mất đi, da sẽ bị phá hủy dần dần và cuối cùng dẫn đến bệnh ung thư.

Ban đầu, nhiều nước cho phép dùng hydroquinone và benzoyl peroxide để chế thuốc làm sáng da nhưng với một mức độ giới hạn. Tuy nhiên, các hãng dược mỹ phẩm tư nhân lợi dụng tâm lý muốn nhanh chóng thay đổi màu da của nhiều khách hàng nên đã bỏ qua giới hạn này. Điều đó khiến cho các sản phẩm của họ trở nên nguy hiểm. Không những thế, những nhóm thuốc, kem làm trắng da mới được tung ra thị trường hiện nay còn chứa một loại độc tố khác nữa là mercury (thủy ngân) với nồng độ lên tới 2,9% và corticoid có tác dụng làm da trắng rất nhanh, mụn lặn hết, nhưng khi dùng lâu dài sẽ gây nên tác dụng phụ như: Giãn mạch, teo da, phát ban trứng cá, mụn mủ, làm rối loạn sắc tố da...

Tuy nhiên, với mong muốn cải thiện làn da bẩm sinh, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai những cảnh báo của các chuyên gia y tế để sử dụng các sản phẩm độc hại này. Giá cả của chúng cũng rất cao. Ở Nam Phi, có nhiều trường hợp sẵn sàng chi tới 20.000.000 USD để đổi làn da đen thành trắng.

Tiến sĩ Lester Davids, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại trường đại học Cape Town ở Nam Phi cho biết: "Rất ít người dân Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung biết nồng độ của các hợp chất độc hại chứa trong các sản phẩm tẩy trắng da. Trong 6 năm qua, đã có sự gia tăng đáng kể số lượng các sản phẩm làm sáng da trên thị trường, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Đây cũng chính là lý do khiến chúng tôi tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta cần có nhiều hành động hơn để giáo dục người dân về các sản phẩm nguy hiểm...".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo G.H (Người đưa tin)
Những trường hợp, nhân vật thẩm mỹ đặc biệt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN