Thuật biến hàng nhái thành hàng hiệu cũ
Nắm bắt được nhu cầu tâm lý thích sử dụng hàng cũ của người tiêu dùng, kẻ gian đã bỏ công tái chế biến hàng nhái, hàng kém chất lượng thành hàng cũ rồi trộn lẫn vào các mặt hàng này đem bán.
Chợ quần áo sida, đồ điện tử, xe máy cũ đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Nhưng có lẽ ít người biết đến những chợ chuyên rao bán đồ mĩ phẩm cũ, đặc biệt đây lại là những chợ “ảo” trên mạng. Tuy nhiên, thói quen dùng mĩ phẩm lạ lùng của chị em tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mua phải hàng “nhái”.
Cũ người mới ta
Tại một số diễn đàn chợ online, bên cạnh các topic rao bán các loại mĩ phẩm hàng xách tay, mĩ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản, mĩ phẩm fake còn có cả những topic giao bán mĩ phẩm đã qua sử dụng. Đây hầu hết là các topic của cá nhân thành viên của diễn đàn, khi mua sắm “quá tay” hoặc “trữ” nhiều loại mĩ phẩm nhưng sử dụng không hết, không hợp với da, “cả thèm chóng chán” mang lên bán.
Thử đọc qua vài topic, Phóng viên Chất lượng Việt Nam cũng thấy được mức độ hấp dẫn và nhộn nhịp của chợ đồ cũ lạ lùng này như : Thanh lý nhiều mỹ phẩm, Update liên tục, Fix giá điên cuồng các dòng mĩ phẩm “hot”, Sale khủng nhiều mĩ phẩm cao cấp.
Từ những thương hiệu “đắt đỏ” đến các thương hiệu tầm trung và các nhãn hàng xuất xứ từ Hàn Quốc đang được ưa chuộng đều xuất hiện trong chợ mĩ phẩm cũ. Các mặt hàng thì đa dạng không kém từ son môi, phấn, kem nền, kem lót, các bộ kem dưỡng da.
Thói quen dùng mĩ phẩm lạ lùng của chị em tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mua phải hàng “nhái”
Lí do bán bớt mĩ phẩm cũ thì vô vàn, hàng cũ sau khi mua về lại thấy không hợp, hàng son phấn “di tích” được “người cũ” tặng thời còn yêu nhau, chia tay rồi cũng “ngứa mắt” đem bán… Cũng có thể vì nhiều quá “xài” không hết lại lo hết hạn sử dụng thành thử “quẳng” lên chợ online cho tiện lợi.
So với mĩ phẩm mới, mĩ phẩm cũ thường bị bán tống bán tháo trong tình trạng “cả thèm chóng chán” nên dung tích còn khá lớn, mức giá lại rẻ hơn hẳn 30% - 50%. Một thỏi son Relvon có giá hơn 300.000 đồng tại showroom, thì có thể được bán trên chợ đồ cũ với giá chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng/thỏi. Có thỏi vẫn còn nguyên hộp và mới chỉ “quẹt qua vài lần”, có thỏi thì đã sử dụng khoảng 30%...
Ngoài ra còn có các loại nước hoa đã qua sử dụng được bán với giá khá rẻ chỉ từ 300.000 – 900.000 đồng/lọ tuỳ theo dung tích. Những loại nước hoa có giá mới từ 1 – 1,5 triệu đồng/lọ 50ml , sau khi được các chủ nhân “xịt qua vài lần” hoặc dùng chưa đầy một nửa dung tích được chào bán với giá “rẻ như cho” chỉ vài trăm nghìn đông.
Đối với các chị em văn phòng công sở, thú vui “bán mua đổi chác” mĩ phẩm cũ trên chợ “ảo” cũng khá thú vị. Nhiều quí cô rất chịu khó “săn” hàng mĩ phẩm, nước hoa cũ trên mạng. “Cứ suy bụng ta ra bụng người, chị em phụ nữ ai chả có cái tính “cả thèm chóng chán”. Chịu khó “đổi chác” thì sẽ “trải nghiệm” đủ loại mĩ phẩm.”, chị Mai Hoa, một nhân viên truyền thông bật mí.
Hàng “nhái” biến thành hàng hiệu cũ
Mức giá rẻ mạt như vậy nên chợ mĩ phẩm cũ nhanh chóng thu hút được số đông chị em. Thậm chí có nhiều bạn sinh viên, học sinh và giới văn phòng công sở còn gia nhập vào đội chuyên “săn” mĩ phẩm đã qua sử dụng.
Thế nhưng, bên cạnh sự “vui lòng người bán, vừa lòng kẻ mua” còn không ít câu chuyện đau lòng khi “thượng đế” gặp phải những “siêu lừa”.
Chị Minh Thu (Ngọc Lâm) ngậm ngùi kể lại, do tham rẻ lại được người bán tiếp thị nhiệt tình, chị chọn mua một chai nước hoa Gucci 50ml còn 80% với giá 800.000 nghìn đồng, rẻ hơn một nửa so với giá chai nước hoa mới. Khi đến mua hàng, trời tối nên chị không “check” được kĩ càng. Về đến nhà vừa xịt thử ra cổ tay thì chỉ hai tiếng đồng hồ đã mất mùi, vùng da cổ tay lại bị ngứa và mẩn đỏ. Tra lại mã “code” nhập nhèm in trên vỏ chai, chị mới phát hiện ra mình mua phải nước hoa “dỏm”.
Lợi dụng tâm lí chị em mua lại hàng cũ ít khi đề ý đến vỏ hộp, mã code in trên thân chai. Nhiều “siêu lừa” đã cố tình vứt hộp và bóc mĩ phẩm, nước hoa ra dùng, biến hàng “nhái” thành hàng hiệu đã qua sử dụng. Thực chất mua lại mĩ phẩm, nước hoa cũ rất dễ gặp hàng “nhái” bởi các mánh “bình cũ rượu mới”, tráo mĩ phẩm, nước hoa “dỏm” vào vỏ hộp hàng xịn, cố tình làm cũ bao bì, vỏ hộp, tẩy xoá mã code….
Ngoài ra, theo lời khuyên của các chuyên gia trang điểm hãng Make up store, không nên chia sẻ hay dùng chung mỹ phẩm với bất cứ ai, vì nó tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, tăng cường nguy cơ kích ứng da, dị ứng.
Hơn nữa, nhiều loại mĩ phẩm dù chưa hết hạn cũng phải thay mới, như mascara, chì kẻ mắt, phấn mắt chỉ dùng 4 – 6 tháng. Khi “khui hộp” và tiếp xúc ngoài không khí, mĩ phẩm cũng dễ bị nhiễm khuẩn. Thường xuyên thay đổi mỹ phẩm sử dụng không phải là một giải pháp tối ưu vì nó gây nên những tổn hại cho da.