Nguy hại ẩn dấu trong mỹ phẩm làm đẹp
Phía sau vẻ đẹp từ mỹ phẩm có thể là nguy cơ gây hại cho làn da và sức khỏe.
Là phái đẹp, ai cũng muốn mình mãi xinh tươi quyến rũ. Vì thế mà các phương pháp làm đẹp luôn thu hút được sự quan tâm của chị em phụ nữ, trong đó mỹ phẩm và các phụ liệu làm đẹp được xem là phương pháp thông dụng nhất.
Với mỹ phẩm chế xuất từ thiên nhiên hay các loại mỹ phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, hiệu quả làm đẹp mang lại cho làn da, mái tóc… của chị em là đều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, song song đó lại xuất hiện rất nhiều loại mỹ phẩm hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí mỹ phẩm do chị em tự chế. Đây chính là khởi nguồn của những tác hại mà chị em chuốc phải trên hành trình làm đẹp của mình.
Chứa các chất độc hại không ngờ
Ẩn sau các thỏi son xinh hay những màu sắc cực đẹp của phấn má hồng, màu mắt, mascara…có thể là những chất cực độc nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng
Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông không ngừng đưa tin về nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hay mỹ phẩm giả mạo, mỹ phẩm xách tay có chứa các chất độc đến cực độc, có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng cùng những cảnh báo cần cân nhắc. Đầu tiên có thể kể đến lượng chì được phát hiện trong các loại son, chủ yếu được sản xuất từ Trung Quốc với nhãn mác không rõ ràng. Theo các chuyên gia, khi thoa các loại son này, trong quá trình sử dụng, chị em sẽ vô tình nuốt phải và vì vậy mà lượng chì cũng từ từ ngấm vào cơ thể.
Ngoài chì, còn có hàng trăm hóa chất khác ẩn chứa trong rất nhiều loại mỹ phẩm, từ kem, son môi, cho đến dầu gội, dầu dưỡng, sữa tắm… mà có khi bạn chẳng thể nào ngờ. Có thể liệt kê một số chất hóa học độc hại được sử dụng trong mỹ phẩm để bạn cẩn trọng hơn khi mua và sử dụng:
Paraben: Một trong những thành phần độc hại nhất cần tránh là Paraben, thường có trong rất nhiều loại mỹ phẩm. Paraben được tìm thấy trong các khối u ác tính ở ngực và trong mẫu nước tiểu. Hợp chất này thường được sử dụng để bảo quản, khử mùi và tẩy trùng. Điều khiến chúng trở nên độc hại chính là do chúng được hấp thu vào trong cơ thể con người và xâm nhập vào các mao mạch. Paraben cũng nguy hiểm bởi chúng rất giống Estrogen và khó phát hiện khi nằm lẫn trong các tế bào. Do cơ thể coi Paraben giống như Estrogen nên dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở các bé gái nếu sử dụng thường xuyên các loại mỹ phẩm có chứa chất này.
Sodium hydroxide: Đây là hợp chất thường có trong các sản phẩm làm trắng da. Hợp chất này nguy hiểm bởi dù chúng làm trắng da nhưng đồng thời có thể gây viêm loét da. Khi bôi lên da với nồng độ khoảng 4% thì chúng có thể gây ra sự phá huỷ da một cách khủng khiếp. Ngay cả khi nồng độ dưới 1% thì chúng cũng đã tàn phá làn da, khiến da bị rộp, phỏng.
Sodium lauryl sulfate (SLS): Được sử dụng chủ yếu trong kem cạo râu, dầu gội đầu, sữa tắm,... với chức năng tẩy rửa và tạo bọt. SLS ảnh hưởng đến thị giác trẻ em, gây bệnh đục thủy tinh thể, rụng tóc, ung thư thận, não..., khiến da bị thô ráp và sần sùi, làm chậm lành vết thương. Tuy chưa chính thức bị cấm sử dụng nhưng SLS được xem là nguy hiểm nhất trong các chất hữu cơ dùng để sản xuất mỹ phẩm. Nó có thể kết hợp với những chất khác để trở thành Nitrosamines, một chất gây ung thư.
Polyethylene glycol (PEG): Sử dụng trong kem dưỡng da, chống khô da, gây ảnh hưởng bất lợi cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Propylen glycol (PG): Có trong son môi, thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, khử mùi... PG gây ảnh hưởng xấu lên gan, não, thận.
Isopropyl alcohol: Được dùng trong thuốc nhuộm tóc, kem cạo râu, kem làm mềm da tay. Chất này gây nhức đầu.
Triethanolamine (TEA), Diethanolamine (DEA) và Monoethanolamine (MEA): Có trong sữa tắm, dầu khử mùi cơ thể, kem chống nắng, dầu gội đầu. Các chất này dễ được hấp thu qua da, gây hại cho gan, thận và hệ thần kinh trung ương.
Formaldehyde. Được tìm thấy nhiều trong sơn móng tay, kem dưỡng da và dầu gội đầu, Formaldehyde còn được biết đến với các dạng: Formalin, Formic Aldehyde, Oxomethane, Oxymethylene gây ra các tác dụng nguy hiểm như làn da bị tấy rát, dễ gây dị ứng. Nếu hít phải thành phần chất độc hại này có thể khiến bạn bị hen suyễn hay nguy cơ mắc nhiễm các chứng bệnh ung thư.
Hydroquinone. Được tìm thấy nhiều trong kem chống nắng, thuốc tẩy tóc, kem che khuyết điểm, dung dịch rửa mặt, kem làm trắng da, với các tác hại nguy hiểm như gây bệnh ưng thư, phá vỡ các tuyến nội tiết và làm tăng khả năng sản xuất, phát triển của các độc tố có hại trong cơ thể.
Dầu khoáng chất có trong son môi, lotion, nước tẩy trang, kem nền dạng lỏng, còn được biết đến với các dạng Liquidum Paraffinum, Paraffin Oil, Paraffin Wax. Do có nguồn gốc từ dầu mỏ, nên chất này có khả năng tạo một lớp màng dày trên bề mặt da, ngăn cản sự bài tiết của da và làm tắc lỗ chân lông.
Phthalates thường được phát hiện trong nước hoa, các loại sơn móng tay, kem dưỡng ẩm, xà bông, dầu gội đầu…, có các dạng khác như DEHP, DBP, BBP, DINP, DIDP, DNOP. Loại hóa chất này dẫn đến các nguy cơ như làm thay đổi hệ thống nội tiết, các hóc môn trong cơ thể người. Những loại nước hoa có chứa chất này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, có thể gây trầm cảm, khó chịu hay dẫn đến tăng động thái quá. Ở Anh, những chất DEHP, DBP và BBP đã bị cấm trong việc sản xuất mỹ phẩm.
Propylene Glycol có trong sản phẩm khử mùi, dầu gội, dầu dưỡng tóc, lotion dưỡng tay và cơ thể, kem dưỡng da, còn được nhắc đến với các tên Humectant (chất dưỡng ẩm), MSDS. Đây là các chất chống đông lạnh gây ra hiện tượng kích ứng mạnh mẽ, làm tổn thương nặng cho gan và thận.
Nguy hại từ mỹ phẩm và các phụ liệu được ưa chuộng
Ước mơ có một làn da trắng mịn khiến cho nhiều chị em “tiền mất tật mang”
Mỹ phẩm tẩy trắng da. Thông thường làn da của phụ nữ khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam không thể trắng sáng như làn da của chị em phụ nữ Châu Á tại các nước khí hậu ôn đới như Hàn Quốc, Nhật Bản…. Tuy nhiên, sở thích có được làn da trắng ngần như thiếu nữ Hàn Quốc lại đang là mốt được chị em phụ nữ yêu thích và không ngại tìm mọi cách đạt được với suy nghĩ “càng trắng càng sang”. Để thỏa mãn nhu cầu này, rất nhiều dịch vụ tắm trắng hay các loại kem tẩy trắng da đã ra đời với những hứa hẹn hấp dẫn sẽ mang lại cho chị em làn da trắng hồng, mịn màng sau một thời gian ngắn sử dụng. Tuy nhiên, nếu là người tiêu dùng thông thái, bạn nên cẩn trọng trước lời mời gọi hấp dẫn này.
Theo các chuyên gia, các loại kem tắm trắng thường chứa Hydroquinone - một chất có thể gây ung thư, hạn chế sự sản sinh hắc sắc tố và chỉ được dùng với liều lượng nhỏ: 2% là hàm lượng tối đa được phép sử dụng, nhưng hầu hết các loại kem theo toa chứa 4 đến 6%, và một số các chất khác như Acid Salicylique, Acid Benzoique, Iode… Các chất này đều có khả năng làm lột da, mức độ lột nhẹ hay nặng tùy theo nồng độ được pha. Vì vậy, đã có không ít trường hợp chị em gặp “nạn” vì ước mơ tắm trắng. Chị H. ở quận 6, sau khi đến thẩm mỹ viện L. trên đường Hồng Bàng, TP HCM để tắm thì da cánh tay phồng rộp lên, cổ tay co rút mà nguyên nhân là bỏng nặng, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Bệnh viên Da liễu TP HCM cũng đã từng tiếp nhận khá nhiều trường hợp tai biến do “tắm trắng”. Nhẹ thì da ửng đỏ, ngứa, rát. Nặng thì rộp nước, loét, chưa kể hạ huyết áp, nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt do hóa chất thấm qua da gây ngộ độc.
Thuốc làm dài mi. Có một thời gian, mốt làm dài mi làm mưa làm gió tại nước ta. Các cô gái trẻ đua nhau đi nối mi hay dùng thuốc làm dài mi với mong muốn sẽ có được hàng mi cong dài quyến rũ. Tuy nhiên, các chuyên gia thẩm mỹ cũng cảnh báo, thuốc làm dài mi thực chất không chỉ làm dài mi của bạn mà còn có nguy cơ làm lông mọc ra ở những nơi thuốc bám vào ngoài mi mắt của bạn, chưa kể tác dụng phụ khiến quầng mắt bị tím và đỏ, gây quầng thâm ở mi mắt. Khi đó, ước mơ mi dài của bạn có thể tan biến và bạn phải ra đường với đôi mắt của một chú gấu trúc Trung Hoa.
Sử dụng mi giả để làm dày mi. Mi giả ngày càng được tin dùng vì chúng có tác dụng làm cho hàng lông mi của bạn trông dày hơn, rậm hơn và dài hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ nhãn khoa cho biết hàng lông mi không chỉ có chức năng làm đẹp: chúng bảo vệ mắt tránh khỏi bụi, ánh nắng. Và chính mi giả sẽ khiến lông mi bạn rụng nhiều hơn. Nếu tiếp tục làm đẹp cho lông mi kiểu này trong thời gian dài, bạn có thể làm ảnh hưởng gốc mi dẫn đến tình trạng mi thật không thể mọc lại. Nhiều phụ nữ cũng từng bị dị ứng với các phương pháp làm đẹp mi, chẳng hạn như mi bị đứt khúc, da khô ngứa v.v…
Nối tóc. Việc sử dụng các hoá chất để nối tóc có thể làm tổn thương nang tóc, gây rụng tóc và da đầu bị ngứa. Tuy nhiên, các bạn gái trẻ ngày nay vẫn yêu thích việc làm đẹp này để nhanh chóng có được mái tóc suông dài thay vì phải cất công dưỡng đến mấy tháng trời, thậm chí cả năm. Do đó cần cân nhắc giữa lợi và hại để chọn cho mình cách làm tóc tốt nhất, bạn nhé.
Móng nhân tạo. Phụ liệu làm đẹp này giúp bạn có thể linh hoạt thay đổi kiểu móng từng ngày, tuy nhiên nó cũng ẩn chứa nhiều nguy hại cho sức khỏe của bạn. Những lỗ hở giữa móng tự nhiên và móng giả sẽ trở thành môi trường ẩm ướt, ấm áp tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi. Mặt khác, móng giả khiến móng thật bị bít dẫn đến nấm móng, mẫn đỏ, mưng mủ và đau nhức. Tệ hơn nữa là khi chân móng bị tổn hại, toàn thể móng thật cũng bị hư. Đã có trường hợp một phụ nữ phải nhập viên sau khi bị nhiễm trùng xương tay do sử dụng móng giả.
Móng tay giả tuy giúp bạn có bàn tay xinh và ấn tượng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khoẻ
Hãy làm đẹp một cách thông thái
Nên chọn mua mỹ phẩm có bao bì nguyên vẹn và đầy đủ những thông tin bắt buộc
Làm một người phụ nữ biết làm đẹp một cách cẩn trọng và thông thái không phải là điều khó. Để tránh tình trạng sử dụng các mỹ phẩm có chứa thành phần độc hại, bạn nên xem kỹ các thành phần nguyên liệu đã ghi rất chi tiết trên bao bì. Với các mỹ phẩm dưỡng da hay trang điểm, nên tuân thủ các yêu cầu về hạn sử dụng. Thường các sản phẩm này phải được bảo quản cẩn thận sau khi mở hộp, và trong quá trình sử dụng nếu có thấy sự thay đổi bất thường trên sản phẩm hoặc trên phần da tiếp xúc mỹ phẩm phải loại bỏ ngay. Số tiền mua mỹ phẩm sẽ chẳng đáng là bao so với số tiền và thời gian bạn phải bỏ ra để điều trị tại bệnh viện da liễu.
Nhãn mác và xuất xứ của sản phẩm là cực kì quan trọng. Bạn nên chọn mua những mỹ phẩm và phụ liệu được sản xuất từ các thương hiệu uy tín trên thị trường, không mua hàng xách tay hay tại các chỗ bán hàng đổ ngoài chợ, ngoài lề đường. Chẳng có loại mỹ phẩm nào tốt và có thương hiệu mà giá chỉ mấy chục ngàn. Bạn cũng có thể tham khảo các cách làm đẹp từ thiên nhiên như trứng gà, mật ong v.v… để đảm bảo không bị dị ứng và tránh được các chất hoá học độc hại.
Với các phụ liệu làm đẹp như móng tay giả, mi giả… nên hạn chế tối đa thời gian sử dụng. Chỉ sử dụng chúng khi cần có ngoại hình rực rỡ cho tiệc tùng, vui chơi, tránh dùng thường xuyên hàng ngày để hạn chế tối đa các tác hại có thể có như vừa nêu trên. Và trước khi quyết định mua một sản phẩm mỹ phẩm hay sử dụng phụ liệu làm đẹp bất kỳ, bạn nên tham khảo kiến thức và kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm này từ các diễn đàn, các tờ báo chuyên về làm đẹp. Những lời khuyên khách quan tổng hợp từ nhiều nguồn sẽ giúp ích cho bạn trong việc chọn ra được loại mỹ phẩm, hay cách làm đẹp phù hợp và an toàn nhất.