40 năm mang án giết vợ, chết mới được xin lỗi

Ông Mưu Văn Sường bị bắt giam vì bị nghi giết vợ suốt 40 năm qua. Tới khi qua đời năm 2013, ông vẫn chưa được minh oan…

Ngày 29-1, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức xin lỗi công khai ông Mưu Quý Sường (SN 1944, ngụ thôn Gốc Vối, xã Trù Hựu, Lục Ngạn, Bắc Giang).

Bị giam oan ức hơn bảy năm

Tháng 11-1977, sau khi làm việc tại hợp tác xã về nhà, không thấy vợ đâu, ông Sường đi tìm và chết lặng khi phát hiện thi thể vợ dưới con suối gần nhà. Cho rằng vợ thiệt mạng vì bị ngã trong lúc gánh nước, ông cùng người thân đưa thi thể về lo hậu sự. Đám tang chưa kịp tổ chức, công an bất ngờ ập đến đọc lệnh bắt vì nghi ông Sường là thủ phạm giết vợ. Lúc này, con gái lớn của ông mới năm tuổi, con trai nhỏ sáu tháng tuổi.

Ông Sường được đưa đến trại giam Kế. Suốt bảy năm bốn tháng sau đó, không có một kết luận điều tra, một cáo trạng, một phiên tòa nào diễn ra đối với ông.

Thời gian ở tù, ông Sường được phân làm buồng trưởng. Sau khi ông bị giam hơn bảy năm thì xảy ra việc các phạm nhân trong buồng đánh nhau. Ông Sường bị khởi tố, truy tố, kết án bốn năm tù về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm. Chấp hành xong bản án, ông được thả ra. Tuy nhiên, còn vụ án giết vợ thì ông không được bất cứ cơ quan nào thông báo là mình có phạm tội hay không.

Ông Sường trở về với thân phận kẻ giết vợ. Nhà cửa không còn, hai con thì người thân đưa sang Trung Quốc nuôi giùm. Ông trắng tay, sống vất vưởng trong sự khổ cực và ghẻ lạnh của người đời.

40 năm mang án giết vợ, chết mới được xin lỗi - 1

Bà Vi Thị Cú và con trai của ông Sường với người vợ đầu ôm di ảnh ông khóc. Ảnh: T.PHAN

Kiên trì kêu oan

Rồi ông Sường may mắn gặp được một phụ nữ đem lòng thương mình là bà Vi Thị Cú (SN 1956, trú cùng xã). Bà Cú cũng có hoàn cảnh éo le, chồng mất sớm, một mình nuôi bốn con nhỏ. Dù gia đình phản đối kịch liệt, bà Cú vẫn quyết định đến với ông Sường vì tin ông là người tốt.

Năm 2008, ông bà bắt đầu đi kêu oan, đòi bồi thường nhưng Công an tỉnh Bắc Giang trả lời rằng vụ việc đã hết thời hiệu xem xét. Ông Sường tiếp tục đội đơn gõ cửa khắp các cơ quan tố tụng. Tháng 11-2008, VKSND tỉnh Bắc Giang có văn bản trả lời, nhận định việc ông Sường cho rằng ông bị Công an tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) bắt giam oan vì tình nghi giết vợ là có cơ sở vì kết thúc điều tra mà CQĐT không có đủ căn cứ kết luận ông phạm tội.

Tuy nhiên, theo VKS tỉnh, trường hợp oan sai của ông Sường xảy ra trước ngày 1-7-1996. Theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để áp dụng nghị quyết này trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do bị oan sai thì đơn yêu cầu bồi thường của ông phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày nghị quyết có hiệu lực (trước ngày 1-4-2003) mà chưa được giải quyết. Từ khi được trả tự do đến ngày 27-5-2008, ông mới gửi đơn đến VKS tỉnh nên không có cơ sở giải quyết.

Đến năm 2013, ông Sường qua đời vì bệnh ung thư. Ông mất vào đúng ngày cưới con gái út của mình.

Trời không tuyệt đường người oan khuất. Tháng 9-2016, bà Cú xem tivi, biết đến trường hợp của cụ Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh mang thân phận tử tù đã 43 năm mà vẫn được minh oan. Thấy vụ việc giống câu chuyện của chồng, bà Cú mò mẫm nhờ người đưa đến nhà cụ Thêm để hỏi cách kêu oan.

Nhờ cụ Thêm chỉ dẫn, bà Cú tìm gặp ông Nguyễn Văn Hòa (Phó Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi) và được ông Hòa nhận lời đi kêu oan miễn phí cho chồng bà. Ông Hòa đã gửi đơn đến Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Giang, VKSND tỉnh Bắc Giang đề nghị minh oan cho ông Sường. Sau gần một năm chờ đợi, ngày 3-1-2018, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì hành vi của ông Sường không cấu thành tội giết người.

Xin lỗi, hứa sẽ bồi thường

14 giờ 30 ngày 29-1, tại trụ sở UBND xã Trù Hựu (Lục Ngạn), Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Sường với sự tham dự của đại diện VKS tỉnh, UBND huyện…

Thay mặt công an tỉnh, Đại tá Dương Ngọc Sáu (Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết thời gian qua, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang cũng như các cơ quan tố tụng trung ương đều nhận được đơn của gia đình ông Sường kêu oan cho ông. Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã xảy ra hơn 40 năm, lãnh đạo Bộ Công an và VKSND Tối cao đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang thẩm tra, xác minh để giải quyết theo đúng quy định...

Ngày 30-12-2017, nhận thấy cơ quan tố tụng tỉnh Hà Bắc chưa có kết luận cuối cùng về vụ án trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, đình chỉ bị can đối với ông Sường với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.

“Như vậy có căn cứ xác định các cơ quan tố tụng tỉnh Hà Bắc khởi tố, bắt tạm giam ông Sường về tội giết người là oan. Hôm nay Cơ quan CSĐT tỉnh Bắc Giang thay mặt các cơ quan tố tụng xin lỗi ông Sường, người đại diện hợp pháp của ông cùng toàn thể thân nhân của ông” - Đại tá Sáu nói. Ông cũng chia sẻ với gia đình ông Sường về những mất mát trong thời gian qua. Trong thời gian tới, nếu gia đình ông Sường có yêu cầu bồi thường thiệt hại, CQĐT sẽ tiến hành các bước khắc phục hậu quả.

Đại diện gia đình ông Sường cảm ơn Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức buổi xin lỗi này dù có muộn và đề nghị công an tỉnh sớm thực hiện việc bồi thường oan cho ông Sường, người đã mất khi oan khuất chưa được hóa giải.

Người đặc biệt tại buổi xin lỗi

Buổi xin lỗi công khai ông Sường đặc biệt hơn vì có sự tham dự của cụ Trần Văn Thêm (83 tuổi, ngụ Bắc Ninh, người tử tù oan suốt 43 năm về tội giết người). Cũng chính từ việc xem tivi chuyện cụ Thêm được xin lỗi công khai mà bà Cú mới tìm được hướng minh oan cho chồng.

Cụ Thêm rất yếu, không thể tự đứng hay đi lại mà phải có con cháu hỗ trợ. Suốt buổi xin lỗi, cụ luôn chăm chú theo dõi, ánh mắt đau đáu. Khi PV hỏi thăm, phải nói tới lần thứ ba cụ mới nghe rõ. Cụ cho hay từ khi ra tù, sức khỏe ngày càng đi xuống. Hiện tại mong ước duy nhất của cụ là được bồi thường oan để lấy tiền cảm ơn những ân nhân đã giúp mình, đồng thời để con cháu trang trải nợ nần. Bởi lẽ kể từ khi được xin lỗi (tháng 8-2016) đến nay đã gần hai năm nhưng cụ vẫn chưa được bồi thường.

Niềm vui không trọn

Từ 7 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C nhưng hàng trăm người dân đã tập trung rất đông tại nhà bà Vi Thị Cú để chung vui với gia đình.“Có lẽ đây là ngày vui nhất của tôi sau bao năm ròng rã đi kêu oan. Gia đình hôm nay đã mổ bốn con heo để mời bà con trong vùng đến chung vui” - bà Cú cười tươi khoe.

Trước sân nhà, con cháu dựng một chiếc rạp lớn, phía trên treo băng rôn với dòng chữ in đậm: “Lễ công khai xin lỗi tù oan sai ông Mưu Quý Sường”.“Nhà ở mặt đường nên chúng tôi treo để người dân trong vùng, thậm chí người đi đường cũng biết hôm nay chồng tôi được minh oan” - bà Cú giải thích với khách.

Bà bảo sau bao năm sống trong tủi nhục, đến hôm nay gia đình bà đã có thể ngẩng cao đầu mà sống, đã có thể chết mà nhắm mắt. Nhưng còn một điều bà luôn tiếc nuối, đó là ông Sường đã không thể gắng sống thêm chờ đến ngày được minh oan.

Nói đến đây, nước mắt bà trào ra. Bà cầm di ảnh chồng khóc lớn: “Sống là người oan, chết vẫn là ma oan. Trước khi nhắm mắt, ông ấy nắm chặt tay tôi và con rồi dặn nhất định phải minh oan cho ông, để cho con cháu đời sau không phải mãi mang tiếng xấu với người đời”.

Bà kể ngày bà lấy ông, nhà bà phản đối kịch liệt, dọa sẽ từ mặt. Nhưng vượt lên tất cả, bà vẫn đến với ông, chỉ vì một chữ tin.“Ông ấy hai bàn tay trắng, tôi đèo bồng bốn đứa con nhỏ vì chồng đã mất. Ông ấy nói không giết vợ, chỉ vậy và tôi tin. Nếu ông ấy không oan ức thì sẽ không đến với một người có hoàn cảnh như tôi” - bà Cú nhớ lại.

Ngày đó, ông Sường sống đơn côi khó một thì chung sống với bà khó mười. Cái tội giết vợ cứ treo lơ lửng trên đầu, theo ông từng ngày, đến từng giấc ngủ. Miệng đời càng cay độc khi liên tục gièm pha, khinh miệt vợ chồng ông. Thậm chí bà Cú còn bị thiên hạ gắn cho tội đồng lõa với chồng vì chỉ có đồng mưu thì mới đến với nhau, chấp nhận nhau.

“Sau ngày ông ấy bị bắt, con gái và con trai của ông ấy được gửi sang Trung Quốc cho đến nay. Thằng con trai bây giờ đã 41 tuổi nhưng vẫn chưa có vợ con gì, từ ngày cha bị bắt đến giờ mới về được vài lần, không nói được tiếng Việt. Tủi lắm” - bà Cú lại khóc.

Hôm qua, bà mừng lắm, vui lắm nhưng cũng buồn lắm. Buồn vì người chồng tội nghiệp của bà đã không thể chứng kiến ngày hôm nay, buồn vì chỉ cần nghĩ lại những ngày tháng khổ cực trước đây là nước mắt cứ vậy mà ùa về.

Rồi bà đưa nhật ký của chồng cho khách xem. Nó mới được viết cách đây khoảng 6-7 năm, khi ông Sường biết mình mắc bệnh ung thư. Lật từng trang, những dòng chữ viết rất đậm, in sâu vào mặt giấy. Ở đó ông Sường đã viết rất nhiều, về cuộc đời ông từ khi sinh ra, lớn lên, nhập ngũ, bị bắt oan, ra tù, đi kêu oan không được…

“Tối nay tôi đã có thể ngủ ngon, chồng tôi ở trên kia chắc có lẽ cũng biết mình được minh oan rồi, dẫu có muộn nhưng còn hơn không. Tôi đã có thể đi gặp ông ấy mà không còn nuối tiếc nào, di nguyện lớn nhất của ông ấy tôi đã làm được” - bà Cú chỉ lên bàn thờ nơi đặt di ảnh ông Sường, mắt đỏ hoe.

Người đàn bà mang án oan giết chồng: “Tôi được động viên nhận tội để tại ngoại”

“Ngày bị công an bắt tôi nghĩ chắc cả nhà chết hết. Ba đứa con nhỏ ở nhà chỉ có nước chết đói…”, bà Đặng Thị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN