Xét tuyển ĐH, CĐ nguyện vọng 2: Cẩn trọng chọn trường

Hôm qua 26/8, kết thúc ngày đầu tiên xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 2, nhiều trường cho biết, đã nhận được khá nhiều hồ sơ. Các chuyên gia khuyên thí sinh cần cẩn trọng khi chọn trường, chú ý sở thích và thiên hướng.

Xét tuyển ĐH, CĐ nguyện vọng 2: Cẩn trọng chọn trường - 1

Thí sinh đến làm thủ tục nộp hồ sơ nguyện vọng 2 tại trường ĐHDL Phương Đông. Ảnh: Như Ý.

Trong đợt này, thí sinh có quyền được nộp một lúc 3 phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) NVBS cùng lúc vào 3 trường.

Nhiều tiện lợi hơn đợt 1

Theo thông tin cập nhật từ đợt xét tuyển NVBS ở các trường ĐH, đặc biệt là các trường ngoài công lập, lượng hồ sơ nộp vào trong ngày đầu tăng đáng kể so với đợt xét tuyển trước. ĐH Hoa Sen kết thúc ngày đầu tiên nhận được khoảng 189 hồ sơ/880 chỉ tiêu; ĐH Công nghệ TPHCM nhận được hơn 500 hồ sơ/2.100 chỉ tiêu; ĐH Nguyễn Tất Thành nhận được khoảng 370 hồ sơ/3.400 chỉ tiêu… Trong khi phía Bắc, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nhận được khoảng 50 hồ sơ/3.000 chỉ tiêu.

Thời gian ĐKXT và công bố kết quả trúng tuyển đối với các đợt xét tuyển tiếp theo rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 10 ngày.

Theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc rút ngắn thời gian là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn, Bộ đã rút kinh nghiệm đợt 1 để tiếp tục chỉ đạo cho các trường thực hiện việc nhận hồ sơ đợt 2. Ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH của ĐHQG TPHCM cho rằng, việc Bộ GD&ĐT rút ngắn thời gian xét tuyển mang đầy cảm tính, không có cơ sở và có thể còn là hạn chế đối với thí sinh, đặc biệt thí sinh ở xa.

Về việc lựa chọn ngành nghề, chọn trường học trong đợt xét tuyển lần này, ông Lý cho rằng, dù chỉ tiêu các trường top trên và giữa đã hết hoặc còn rất ít, tuy nhiên, các em cần cố gắng lựa chọn theo nguyên tắc định hướng nghề nghiệp. “Hãy một lần nữa trắc nghiệm xem mình phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào, chứ không đơn thuần là cảm thấy thích”, ông Lý nói.

Cùng quan điểm, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đưa ra lời khuyên: “Thí sinh nên đầu tư nguyện vọng bổ sung vào nhiều ngành hiện nay có vẻ không hot nhưng dễ tìm việc làm khi tốt nghiệp và đang rất cần cho nền kinh tế đất nước như: công nghệ sinh học, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, khoa học về cây trồng, nuôi trồng thủy sản, quản lý tài nguyên rừng, công nghệ thiết kế, công nghệ điện tử thông tin cho ô tô máy kéo, điện tử trong tự hóa, Hiện các lĩnh vực này mới nhưng phát triển mạnh vì đất nước đang đi theo hướng công nghiệp hóa. Cũng như vậy, các ngành công nghệ thông tin trong y-sinh, điều khiển bằng phần mềm trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp như kỹ thuật máy tính, công nghệ chế tạo máy, công nghệ tự hóa… đang rất cần thí sinh”. Hiện đại học Thái Nguyên còn hơn 3.000 chỉ tiêu.

Tỷ lệ “ảo” sẽ rất lớn

Theo quy định, trong đợt xét tuyển NVBS lần này, thí sinh có quyền được nộp cùng lúc 3 phiếu ĐKXT NVBS vào 3 trường. Bên cạnh đó, thí sinh còn được phép nộp bản photo phiếu ĐKXT NVBS, mỗi phiếu, thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành nên theo các chuyên gia, việc này không những khiến thí sinh phân vân trong việc chọn được ngành mình yêu thích mà còn gây nên tỷ lệ thí sinh “ảo” cực lớn.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh trường ĐH Hoa Sen cho biết, khi thí sinh nộp một lúc 3 phiếu ĐKXT vào 3 trường, nếu thí sinh này đậu cả 3 trường nhưng chỉ được chọn một trường thì tỷ lệ “ảo” là gần 70%, nếu đậu 2 trường thì tỷ lệ “ảo” là 50%... Còn đối với hình thức nộp bản photo, nếu lỡ thí sinh không “trung thực”, nộp một lúc nhiều bản vào nhiều trường khác nhau thì tình trạng ảo còn cao hơn nữa.

Ngoài ra, theo ông Bình, việc thí sinh được phép ĐKXT bằng giấy photo còn gây ra nhiều hệ lụy, rắc rối cho chính thí sinh. Bởi mỗi giấy ĐKXT chỉ có một mã vạch, nếu “chẳng may”, trường mà thí sinh không ưa thích (chọn để dự phòng) nhập thông tin vào hệ thống trước thì những trường còn lại không nhập được. Như vậy, vô tình, chính thí sinh đẩy mình vào trường, vào ngành mình không ưa thích.

Thứ hai, điều trớ trêu xuất hiện khi thí sinh đậu vào trường bằng hình thức nộp giấy ĐKXT photo, nhưng mang nhầm hoặc đánh mất giấy ĐKXT thì cũng không thể nhập học được bởi thông tin không khớp với hệ thống dữ liệu của Bộ. Nguyên do là thí sinh có đến 3 giấy ĐKXT với 3 mã vạch nên rất dễ gây nhầm lẫn giữa các giấy ĐKXT với nhau, lỡ chẳng may mất giấy ĐKXT gốc thì sẽ không thể đối chiếu được.

Đợt 2: Các trường (ĐH và CĐ) nhận ĐKXT từ ngày 26/8 đến ngày 7/9, công bố kết quả trúng tuyển trước 10/9.

Đợt 3: Các trường nhận ĐKXT từ ngày 11/9 đến ngày 21/9, công bố kết quả trúng tuyển trước 24/9.

Đợt 4: Các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT từ ngày 25/9 đến ngày 15/10 và công bố kết quả trúng tuyển trước 19/10.

Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng-Hồ Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN