Trường công không đủ chỗ, trường tư không đủ tiền

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều phụ huynh là công nhân, dân nhập cư nghèo bấm bụng gửi con vào những cơ sở mầm non nhỏ lẻ.

Sự việc bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM) một lần nữa làm dấy lên bài toán thiếu trường lớp ở những địa bàn đông dân nhập cư sinh sống.

Có chỗ gửi con là may rồi

Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh bị đóng cửa đã khép lại chuỗi ngày bị hành hạ đẫm nước mắt của 36 đứa trẻ đang được nuôi dạy ở đây. Đây không phải là cơ sở nhỏ hay quá nghèo nàn nhưng vì chi phí vừa phải, thuận tiện đi lại là những yếu tố khiến nhiều phụ huynh là công nhân lao động gửi con nơi đây suốt mấy năm qua. Vì thế khi lớp bị đóng cửa, câu chuyện tìm chỗ gửi con đi học của họ càng khiến ai cũng phải tâm tư.

Anh Hoàng Ngọc Long (quê Bình Thuận), gửi con tại đây, cho biết khi hay tin các bảo mẫu hành hạ trẻ, vợ chồng anh hốt hoảng. Phần vì không dám tin con mình bị hành hạ như thế, phần vì lo bài toán gửi con ở đâu.  Hai vợ chồng anh làm công nhân nhiều năm hiện vẫn chỉ thuê nhà trọ ở, không có hộ khẩu hay tạm trú nên cơ hội để gửi con vào trường công lập là rất khó.

Chuyện gửi con của anh Trương Quang Lục, trọ tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình), cũng tương tự. Anh kể đứa con trai gần hai tuổi, đứa lớn năm tuổi đều đang gửi ở lớp tư thục gần nhà, chi phí rẻ hơn các trường tư lớn.

Trường công không đủ chỗ, trường tư không đủ tiền - 1

Phần lớn phụ huynh của các bé ở cơ sở mầm non Mầm Xanh đều là công nhân khó khăn. Khi hay tin con bị bạo hành khiến họ không khỏi đau lòng nhưng cũng lại thêm nỗi lo về chỗ gửi con đi học trong thời gian tới. Ảnh: Phong Điền

“Dù đi làm nhưng tâm trí tôi lúc nào cũng lo lắng không biết con ăn uống, nghỉ ngơi ra sao ở trường. Vì vậy, để yên tâm tôi gửi bé nhỏ vào học cùng trường với chị lớn (năm tuổi). Ngày nào tôi cũng dặn cháu thỉnh thoảng chạy xuống xem em thế nào rồi về nói với bố. Năm sau chị lên lớp 1. Tôi chưa biết tính sao đây!” - anh Lục than thở.Vừa tan ca làm việc buổi chiều tại một công ty may trong KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức), chị Võ Thị Mỹ Liên đã tất tả chạy đi đón con đang được gửi tại một nhà trẻ gần đó. Chị Liên cho biết hai vợ chồng đều làm trong KCX. Khi con trai chị được 17 tháng, chị quyết định gửi con tại một lớp nhà trẻ cách nhà trọ chừng hơn 500 m để đi làm.

Theo chị Liên, một tháng chi phí gửi con khoảng 1.150.000 đồng, chưa tính tiền gửi thêm thứ Bảy và một số buổi chiều tối khi anh chị chưa kịp đi làm về. “Trước đó, mình mất mấy ngày để đi tìm nhà trẻ gửi con. Trường của Nhà nước thì xa quá. Trường tư gần nhưng mỗi tháng tốn hơn 3 triệu đồng, gần bằng lương chưa tăng ca của mình rồi. Đành gửi con vào lớp nhỏ gần nhà, chờ đến khi con được 4-5 tuổi thì tính sau. Dù không biết ở đó con ăn uống, vui chơi thế nào nhưng có chỗ gửi con để đi làm là may lắm rồi” - chị Liên nói.

Mong thêm trường cho công nhân

Những câu chuyện này cũng là nỗi lòng chung của nhiều công nhân lao động ở các địa bàn có KCN-KCX của TP.HCM.

Những năm qua, TP đã có nhiều đầu tư về trường lớp, ưu tiên dành đất xây trường ở những nơi đông dân nhập cư, công nhân lao động. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số trường lớp có được không đáng kể, đa phần họ đành phải gửi con ở các cơ sở bên ngoài hoặc tự nuôi dạy ở nhà.

Câu chuyện của chị My Hiếu (làm công nhân ở KCX Tân Thuận, quận 7) kể lại hành trình xin cho con vào Trường Mầm non Tân Thuận nằm ngay trong KCX mà xót xa. Đây là trường công duy nhất nằm trong KCX, lại xây dựng khang trang nên công nhân nào cũng mong ngày con được vào đó học. Tuy nhiên, chỉ có năm đầu (cách đây hai năm) trường tuyển sinh gần 500 trẻ cho tất cả lớp. Lúc đó lớp nhà trẻ chỉ nhận vài chục bé nên chị không gửi con được.

Năm rồi chị lại chờ đến ngày tuyển sinh, dù thời gian làm và nộp hồ sơ khá dài nhưng chỉ trong vài ngày là hết chỗ. Chị xin công ty nghỉ làm một bữa, tất bật lo giấy tờ, hồ sơ cho con nhưng đến trường lại thiếu giấy xác nhận phụ huynh làm ở trong KCX. Chị chạy về bổ sung ngay nhưng khi quay lại thì trường đã đủ chỗ, không nhận hồ sơ nữa.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết qua những sự việc đau lòng như ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12), TP càng phải sớm triển khai và ưu tiên dành quỹ đất để xây trường mầm non ở những địa bàn đông dân lao động. HĐND TP đang làm tờ trình để trong kỳ họp ngày 4-12 sẽ trình TP xây 6.000 phòng cho cấp học mầm non. “Mình đứng khóc tại trường luôn, tay chân rụng rời vì bao nhiêu hy vọng như tắt mất. Sau đó, mình đành nhờ bà ngoại lên chăm cháu một thời gian rồi đi tìm chỗ gửi con bên ngoài, chỉ là nhà trẻ gia đình nhỏ. Mỗi ngày sau ca làm việc đón con về nhà, nhìn thấy con vẫn an toàn thì mới hết phập phồng lo sợ” - chị Hiếu nói.

Quận Thủ Đức vừa rồi khánh thành được hai trường mầm non dành cho con em của công nhân ở hai KCX Linh Trung 1 và Linh Trung 2 cũng khiến nhiều công nhân vui mừng, an tâm có chỗ gửi con đàng hoàng. Thế nhưng tổng số trẻ được nhận ở hai trường này cũng chỉ trên dưới 1.000 trẻ, quá thấp so với nhu cầu thực tế với hàng chục ngàn công nhân. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, cho biết vì số trẻ nhận cũng hạn chế nên phòng phải phối hợp với công đoàn hai KCX Linh Trung 1 và 2 để phát hồ sơ đến tận tay người lao động và chỉ nhận trẻ của những người có khó khăn về chỗ gửi con.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM số trường tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục chiếm tỉ lệ hơn 55%. Trong đó nhiều quận, huyện đông dân nhập cư, số trường và nhóm, lớp tư chiếm gần như đa số.

Hiện TP có 1.100 trường mầm non, trong đó ngoài công lập là 650 trường. Theo kế hoạch, đến năm 2020 TP sẽ có 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non nằm trong hoặc liền kề các KCN-KCX, hiện đã có 14 dự án được hoàn thành, đáp ứng cho khoảng 5.000 trẻ. 

Singapore: Số lượng trường tư đóng cửa cao kỷ lục

Lần đầu tiên kể từ năm 2012, số trường tư ở Singapore giảm còn dưới 300. Nguyên nhân chính là do Chính phủ nước này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Anh - N.Quyên (Pháp luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN