GS Nguyễn Thiện Nhân mang mũ rơm tới trường Ams
Đến thăm trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chiều ngày 13/11, GS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã mang tặng một món quà thú vị cùng những thông điệp tới các bạn trẻ.
Ở đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước
Trao đổi tại buổi gặp mặt những thế hệ tài năng của trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trường chuyên là những con chim đầu đàn của giáo dục Trung học, và trường Ams như là chim đầu đàn của những con đầu đàn đó.
“Học sinh trường chuyên trước đây hay bị người ta nghĩ là nơi nuôi những con gà công nghiệp hay gà chọi thì những năm gần đây tư duy này đã thay đổi. Bằng chứng như học sinh Ams vừa giỏi lại hoạt động xã hội, tình nguyện, hoạt động kỹ năng sống rất tốt....”, ông Chuẩn nhận định.
Bàn về câu chuyện thu hút nhân tài quốc gia, ông Chuẩn cho biết: “Có thể thấy nhiều bạn học sinh đã từng du học ở nước ngoài rồi lại quay trở về phục vụ cho nước nhà. Số học sinh khác thì đang ở nước ngoài nhưng vẫn đem tư duy, chất xám, công sức, thậm chí là của cải phục vụ đất nước.
Hiện nay thế giới hội nhập thì tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể chia sẻ được. Chúng ta hy vọng sẽ hội nhập được nhanh và có thể lấy chất xám của thế giới về phục vụ cho đất nước”
Trước câu hỏi băn khoăn khi nhiều học sinh sau khi du học thì quyết định ở lại nước ngoài để định cư, làm việc và đây cũng đang là điều băn khoăn của nhứng lớp học sinh kế cận khi lựa chọn xu hướng đó, GS Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Nếu là người Việt Nam nhớ về cội nguồn thì dù ở đâu, làm gì thì cuối cùng cũng sẽ hướng về đất nước. Chúng ta không yêu cầu hễ đi học ở nước ngoài rồi là phải về hết, bởi điều này không nhất thiết. Thậm chí, có những yêu cầu phải trở thành người tài, học thêm nữa rồi hãy về”
Theo ông Nhân, có những người tài “cắm” ở nước ngoài cũng là một điều tốt. Nếu ở nước ngoài có cơ hội phát triển lại gắn với đất nước thì vẫn hoan nghênh. Nếu thấy rằng về nước có chỗ phục vụ ngay thì cũng là điều rất tốt.
“Các em tự lựa chọn làm cái gì tốt nhất cho mình và đồng thời mang lại lợi ích cho đất nước thì chúng ta hoan nghênh phương án đấy”, GS Nhân nhấn mạnh
Thông điệp “mũ rơm”
Gây tò mò cho các bạn trẻ khi mang theo mình một chiếc mũ rơm, GS Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi cho các học sinh trường chuyên Hà Nội-Amsterdam có biết thời gian và nguồn gốc ra đời của những chiếc mũ rơm này.
Trước câu hỏi thú vị này, em Đỗ Hải Nam học sinh lớp 12 chuyên Sử đã xung phong trả lời:
“Mũ rơm là vật gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ đi trước và ngay bố mẹ chúng cháu. Mũ ra đời trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, thời điểm vào năm 1964, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ cho không quân và hải quân bắn phá miền Bắc. Vì vậy, học sinh, trẻ em khi đến trường đều phải đội mũ rơm để tránh bom, đặc biệt là bom bi rất nguy hiểm”.
“Ban Giám khảo không chính thức” GS Nguyễn Thiện Nhân đã cho bạn học sinh điểm 10 về câu trả lời này.
GS Nguyễn Thiện Nhân tặng Mũ rơm cho học sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam
Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ thêm câu chuyện về học sinh “thời mũ rơm”: “Thời đó về vùng nông thôn phải làm mũ rơm vì không có đủ mũ sắt, mà thực ra là không có bởi dành cho bộ đội còn không đủ rồi”.
Vươn lên vượt khó từ “thời mũ rơm”, qua đó ông Nhân cũng gửi thông điệp tới các bạn trẻ: “Mặc dù đất nước khó khăn, các thầy các cô chúng ta vẫn chuẩn bị được con người để tiếp tục phấn đấu và xây dựng đất nước. Bây giờ điều kiện tốt hơn trước nhưng vẫn phải tiếp tục kết ý chí, không chấp nhận nước Việt Nam nghèo, không chấp nhận thua các nước khác nhiều mà chúng ta phải vươn lên”.